Ngày xuân ở làng chài cổ nhất Việt Nam

Cái Bèo được coi là làng chài cổ nhất Việt Nam với những di chỉ cách đây bảy nghìn năm. Ta bắt gặp ở đó nét vừa quen vừa lạ, vừa truyền thống vừa hiện đại trong một khung cảnh thiên nhiên làm cho du khách cảm giác như lạc vào thiên đường...

Ngày xuân ở làng chài cổ nhất Việt Nam

Làng nổi trên biển

Từ bến phà Đình Vũ ra huyện đảo Cát Hải - thành phố Hải Phòng, rồi đi xuyên đảo trên con đường quanh co đèo dốc dài hơn hai mươi cây số thì đến làng chài Cái Bèo. Nhìn từ xa, ngôi làng như thành phố nổi trên mặt biển, núi đá nhấp nhô hòa cùng mầu xanh của trời và nước. Những ngôi nhà nổi kết lại với nhau bằng những lồng nuôi cá bè, từ nhà này sang nhà khác có thể đi lại trên những chiếc cầu nhỏ bắc ngang.

Ngày xuân ở làng chài cổ nhất Việt Nam ảnh 1

Ngư dân làng chài Cái Bèo chuẩn bị ngư cụ ra khơi.Ảnh | Trịnh Văn Bộ


Từ Bến Bèo, chàng trai bản địa Lê Văn Nguyên chèo thuyền đưa chúng tôi khám phá ngôi làng có một không hai này. Nguyên mới hai mươi tuổi, làm lái thuyền được bốn năm, thuộc làng biển như lòng bàn tay. Thuyền lướt êm trên mặt biển mầu xanh lục gợn sóng lăn tăn. Làng Cái Bèo nằm trong vịnh ba mặt núi đá vôi bao bọc, chỉ duy nhất phía đông hướng ra biển. Làng ẩn mình giữa biển khơi nhưng luôn lặng gió, lặng sóng, nơi sinh sống của 500 hộ dân gắn liền với nghề đánh bắt hải sản và nuôi cá lồng.

Nguyên vừa đánh lái vào một nhà nổi vừa giới thiệu: “Dân ở đây sống bằng nghề nuôi cá lồng, chủ yếu là các loại cá lăng, cá dò, cá hồng, cá song, cá đú. Nghề nuôi cá biển phát triển mạnh tạo ra một vùng nuôi có sản lượng lớn, nhưng đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường sinh thái”.

Chủ nhà là chị Nguyệt. Mỗi ngày chị Nguyệt mua cả yến cá tươi từ các thuyền đi biển để về làm thức ăn cho cá lồng. Chị chia sẻ: “Ở đây nuôi cá theo kiểu quảng canh, cá giống được dân mua từ những thuyền đánh bắt xa bờ và phân chia cho từng lồng. Số lượng tùy thuộc vào giống cá và diện tích lồng. Dân nuôi cá dựa vào kinh nghiệm, đặc biệt không sử dụng thức ăn công nghiệp, thức ăn của cá chính là cá. Cá mua từ các thuyền đánh bắt xa bờ về rồi phân loại, cá to thì cho cá to ăn, cá nhỏ cho cá nhỏ ăn”.

Ngày xuân ở làng chài cổ nhất Việt Nam ảnh 2

Ảnh trong bài: Làng chài Cái Bèo.


Những chiếc lồng cá bằng gỗ gắn trên phao nổi trên mặt vịnh phẳng lặng như ao làng. Cá nuôi ở lồng mà chẳng khác nào tự nhiên ngoài biển khơi, vì không dùng thức ăn tăng trọng. Bao đời nay, người dân nơi đây đã quen với những lứa cá kéo dài vài ba năm mới bán. Đàn cá song đen hồng kia mỗi lồng thả từ 150 đến 200 con cá giống, phải nuôi hơn hai năm mới có trọng lượng từ hai đến bốn cân, mỗi một cân có giá khoảng năm trăm nghìn đồng mà lúc nào thương lái cũng chờ chực để mua. Cá lồng Cái Bèo có thương hiệu từ xưa, bởi độ ngọt và chắc của thịt. Sống ở thập niên thứ hai của thế kỷ 21, nhưng những người dân ở đây không hề có ý định thay đổi cách nuôi cá truyền thống từ nghìn đời nay, có lẽ chính vì thế mà ở đây ngày càng có nhiều khách tới mua hải sản. Những con tàu lớn gắn bóng điện chi chít xuất hiện ở Cái Bèo nhiều hơn. Tàu này để ra khơi xa bắt cá giống nhờ những bóng điện sáng về đêm, để cung cấp cho dân trong làng.

Nguyên đưa chúng tôi ghé thăm gia đình anh. Mẹ Nguyên - bà Nguyễn Thị Điềm rủ rỉ tâm sự: “Nhà bác nuôi cá lồng trên biển ở đây đã 11 năm. Cả nhà sống ở đây. Nhà có 30 lồng cá, gồm cá dò, cá song, cá sủi, cá vược, cá hồng... Cá dò nuôi 16 tháng thì được khoảng bảy cân, nhưng một con cá giống đã mua tới một trăm nghìn đồng...”.

Mặt trời đã đứng bóng, bà Điềm tha thiết mời chúng tôi bữa trưa trên biển. Bữa cơm dọn ra trên thuyền. Chưa bao giờ tôi được thưởng thức bát canh cá dò và đĩa ngao hấp thơm ngon đến thế. Cái Bèo không chỉ đẹp vì vịnh biển phẳng lặng sáng như gương, ba mặt được bao bọc bởi núi đá vôi, mà đẹp vì sự hài hòa với thiên nhiên hữu tình này. Bao đời nay, người dân nơi đây gìn giữ môi trường sống, nuôi cá của biển, sống bằng biển. Biển cho họ hải sản, cho thực phẩm, cho họ cái nghề chài lưới, nghề chèo đò và bầu không khí trong lành đến tinh khiết.

Nơi có thể chạm tay vào lịch sử bảy nghìn năm

Nhưng điều đặc biệt ở làng Cái Bèo này chính là những di chỉ khảo cổ độc đáo có thể làm nên một bảo tàng văn hóa biển. Bà Hoàng Thị Thu Thủy - chuyên viên văn hóa huyện đảo Cát Hải cho hay:

“Năm 1938, nữ khảo cổ học người Pháp M.Colani đã phát hiện di chỉ ngoài trời là vịnh Cái Bèo và khẳng định đây là nôi văn hóa cổ của Việt Nam. Sau đó, các nhà khảo cổ Việt Nam nhiều lần khảo sát và phát hiện nhiều hiện vật quan trọng: Năm 1981, tìm thấy nhiều hiện vật đá, đến năm 1986, tìm được hàng trăm công cụ đá bao gồm: công cụ ghè đẽo, công cụ mài, 18 mảnh gốm cứng mỏng, 93 mảnh gốm thô dày, 11 đốt sống cá biển, 88 đầu cá biển, 6 mảnh xương thú... Lần khai quật thứ tư tìm được nhiều hơn những bằng chứng cho thấy Cái Bèo là nơi cư trú của ngư dân cổ. Đây chính là một làng chài biển cổ có quy mô lớn nhất hiện được biết ở Việt Nam. Phân tích còn thấy, cách đây khoảng 7.000 năm, người Cái Bèo sinh sống chủ yếu nhờ vào đánh cá biển và bắt sò, hàu...”.

Di chỉ Cái Bèo ở một thung lũng bằng phẳng, dãy núi Long Nhan tựa thể tay ngai, ôm lấy ba mặt di chỉ, phía đông trông ra vùng biển nhiều tôm cá. Nơi đây, hàng nghìn năm trước cư dân cổ đã quần tụ, sinh sống. Mạch nguồn sự sống ấy hình như chưa bao giờ đứt đoạn mà cứ thế tiếp nối cho đến ngày nay. Bà Hoàng Thị Thu Thủy cho biết huyện tới đây sẽ xây dựng một bảo tàng khảo cổ học ngoài trời, trưng bày những hiện vật đã khai quật được từ di chỉ Cái Bèo.

Thuyền đưa chúng tôi ra vịnh Lan Hạ - được mệnh danh “thiên đường bị bỏ quên” - điểm nối liền làng chài Cái Bèo với vịnh Hạ Long. Vịnh Lan Hạ làm mê đắm lòng người với khoảng 400 hòn đảo nhỏ dày đặc với những hình thù kỳ thú. Tất cả các đảo đều phủ đầy cây xanh và ở vịnh biển này có tới 139 bãi cát xinh xắn hoang sơ, nằm dưới những núi đá vôi. Trong bóng chiều, nhiều du khách nước ngoài đang mải mê chèo thuyền kayak, xuôi theo làn nước trong xanh trong tiết trời vào xuân. Từ đây, khách nước ngoài vào làng cổ Cái Bèo để khám phá đời sống ngư phủ cổ xưa, thưởng thức những món ăn đặc sản chế biến từ cá, tu hài, tôm trên các ngôi nhà nổi, trải nghiệm những sinh hoạt độc đáo.

Tối đó, tôi đã có một giấc ngủ ngon lành trên thuyền gia đình Nguyên và tỉnh giấc khi bình minh vừa ló rạng trên biển. Trên hàng trăm bè cá lớn nhỏ còn mờ hơi nước, tôi nghe thấy tiếng cá quẫy đòi ăn làm xao động cả một vùng, hòa với tiếng í ới gọi nhau đi học của trẻ làng chài. Trong làn mưa xuân lất phất, vợ chồng bà Điềm chuẩn bị xuất vụ cá chất lượng cho thương lái từ Hải Phòng vào. Cũng vừa lúc Tết sắp đến. Gia đình bà bắt đầu sửa soạn gạo nếp lá dong gói bánh chưng, sắm sửa cành đào... Cả làng chài ngày xuân sẽ rực lên mầu của hoa đào, hoa mai thắm lên trên các con thuyền. Dân làng đến nhà chúc mừng năm mới trên những con thuyền hoa như chở theo những mùa xuân nho nhỏ trên mặt vịnh xanh và cây ở đảo nhỏ cũng đã đâm chồi xanh biếc.