Mệnh lệnh từ trái tim

Thành công chống dịch Covid-19 từ nỗ lực chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn dân, chúng tôi chỉ đóng góp một phần nhỏ, BS Phạm Thị Anh Tú, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng trải lòng về những ngày tháng ở tâm dịch Đà Nẵng gian truân, nhọc nhằn nhưng rất đỗi tự hào. Chị vinh dự được chọn là đại biểu của thành phố cảng tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Bác sĩ Phạm Thị Anh Tú luôn học hỏi, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn.
Bác sĩ Phạm Thị Anh Tú luôn học hỏi, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn.

Tận tâm với nghề

Dù có mẹ là bác sĩ, quá thấm thía nỗi vất vả của nghề nên định hướng con theo nghề khác, nhưng Phạm Thị Anh Tú vẫn quyết tâm thi Đại học Y, bởi được chữa bệnh cứu người là vinh hạnh. Về Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng làm bác sĩ gây mê hồi sức, Tú nhiệt tâm với công việc, theo học đến chuyên khoa hai để nâng cao trình độ. Tính bộc trực, lại say nghề, dù hết ca trực chị vẫn không ngần ngại hỗ trợ kíp cấp cứu và thẳng thắn góp ý chuyên môn. Ngay sau khi nhận được lời kêu gọi của Sở Y tế thành phố Hải Phòng, chị là bác sĩ duy nhất của Bệnh viện Phụ sản tình nguyện đăng ký đi Đà Nẵng chống dịch Covid-19 bởi đồng cảm với đồng nghiệp hằng ngày gồng mình chống dịch đến mất ngủ quên ăn, tranh thủ chợp mắt trên ghế, hay mệt đến mức kiệt sức. Chồng Tú cùng ngành y, hiểu tính vợ, ủng hộ quyết định nhanh chóng và táo bạo ấy, nhưng cũng lo lắng bởi bệnh hen vẫn hành hạ vợ mỗi khi trái gió, trở trời. Rồi bạn bè, người thân thấy số ca lây nhiễm ở Đà Nẵng ngày càng tăng nên can ngăn chớ dại dột vào tâm dịch, người hiểu chuyện ngưỡng mộ tinh thần dũng cảm, có người lại cho rằng chị tận dụng cơ hội này lập thành tích để được vinh danh, làm bàn đạp thăng tiến. Tú vẫn quyết tâm đi, tâm niệm giúp đồng bào mình dẫu biết hiểm nguy luôn rình rập, thậm chí phải đánh đổi nhiều thứ nếu chẳng may bị lây nhiễm. Bản thân có kiến thức y khoa, biết cách phòng tránh và có trang thiết bị phòng dịch nên chị tự trấn an, chỉ coi đó là chuyến công tác xa với trải nghiệm thú vị hiếm có. Những lời khích lệ, động viên của chồng, con càng khiến chị vững tâm.

Làm bác sĩ gây mê, khâu khởi đầu góp phần quyết định thành công của cả ca mổ đòi hỏi cảm quan, tiên lượng đúng, Tú rèn cho mình tính cẩn thận, bởi bảo thủ, chủ quan thì "sai một ly đi một dặm", giá đắt phải trả không chỉ với sinh mạng bệnh nhân mà bản thân cả đời dằn vặt, áy náy. Chị cầu thị học hỏi từ sách vở, các thầy, các bác sĩ giỏi nghề đàn anh và đồng nghiệp. Không ít ca, Tú cứu sống bệnh nhân bởi tay nghề vững, nhanh trí và cả chút liều. Một sản phụ mới vỡ ối, tự lên bàn đẻ nhưng ít phút sau chuyển biến xấu, tình thế hết sức nguy kịch. Ngay lập tức, Tú cùng một bác sĩ đặt ống, ép tim, tranh thủ từng giây phút thời điểm vàng để giành giật sự sống rồi trực tiếp điều trị. Sản phụ tỉnh lại, may mắn không bị ngưng tim, tổn thương não để lại di chứng. Hôm sau đi Đà Nẵng chống dịch, tối hôm trước Tú vẫn đi trực, kịp cứu sống một ca nặng. Bệnh nhân chuyển đến viện đã bị vỡ tử cung 21 tuần, máu chảy lan khắp ổ bụng, vừa mổ cấp cứu thì huyết áp sập. Thoát khỏi lưỡi hái tử thần, chị nghẹn lời cảm ơn bác sĩ.

Với các ca nặng, đôi khi chỉ từ một y lệnh sai gây hệ lụy đau lòng. Là người mẹ, lương tâm Tú không cho phép em bé vừa chào đời đã bơ vơ vì mất mẹ. Thế nên, sau mỗi ca tai biến, tử vong dù không xảy ra trong ca mình trực, Tú vẫn luôn trăn trở phương pháp điều trị đã tối ưu chưa, nhiều đêm ngẫm nghĩ, hồi tưởng những gì đã làm để rút kinh nghiệm. Chị kể, chứng kiến cảnh tượng thê lương chồng một sản phụ suy sụp khi vợ mình không qua khỏi vì bị nhiễm trùng sau sinh mổ, rối loạn đông máu, chuyển đến viện đã không thể cứu vãn, chị không cầm nổi nước mắt. Và để vượt qua ám ảnh, day dứt khó nguôi ngoai ấy, Tú tự nhủ càng phải chịu khó đọc, học hỏi nhiều, để không xảy ra sai lầm đáng tiếc.

Mệnh lệnh từ trái tim -0

Bác sĩ Tú trong ca trực tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng. 

Căng mình chống dịch

Ngày 5-8-2020, Tú cùng 32 bác sĩ, điều dưỡng trong đoàn gấp rút lên đường, thầm hứa cố gắng hết mình, khống chế thành công dịch mới trở về. Cảnh tượng thực tế tại Đà Nẵng khác xa so với những gì đã hình dung, số bệnh nhân nhiễm Covid - 19 ở thể nặng nhiều, hai bệnh viện lớn bị phong tỏa, nhân lực thiếu hụt rất nhiều, không khí hết sức căng thẳng. Các y, bác sĩ đang căng mình chống dịch, có thêm sự chia sẻ, giúp đỡ, tiếp sức nên lạc quan, làm việc hăng say hơn.

Ngay ngày đầu tiên đến Đà Nẵng, đoàn chia thành hai nhóm hỗ trợ bệnh viện dã chiến Hòa Vang có 120 bệnh nhân Covid-19, trong đó 20 bệnh nhân đặc biệt nặng phải thở máy, lọc máu và bệnh viện Phổi Đà Nẵng có 10 bệnh nhân nặng/75 bệnh nhân Covid-19, trong đó khoa Nội 2, lúc cao điểm có tới 22 bệnh nhân dương tính. Cắt tóc ngắn để tránh vướng víu và lây nhiễm, thường xuyên xét nghiệm định kỳ để bảo đảm đủ sức khỏe, các y, bác sĩ khẩn trương vào cuộc. Môi trường dịch bệnh nguy hiểm, Tú phải mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn, găng tay để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm virus, chỉ 15 phút vào ca trực là mồ hôi túa ra, ướt đầm, chẳng khác xông hơi, khát nước cháy họng. Buổi đầu chưa quen đeo khẩu trang phòng dịch, bí hơi, cảm giác như sắp ngất, tưởng không chịu nổi. Công việc quay cuồng, vất vả, nhất là điều trị, chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân nặng, nào đánh răng, hút đờm dãi, lau người, hỗ trợ vệ sinh cá nhân, thay băng, tiêm thuốc, đút ăn… nhưng ai cũng gắng sức, thay phiên trực chiến vì nhiệm vụ cứu người cao cả. Không có thuốc đặc trị, hằng ngày Tú thăm khám, cho chỉ định điều trị các triệu chứng tổn thương ở phổi, thận, mẩn ngứa da, nâng cao thể trạng cho bệnh nhân. Nơi nghỉ sau ca trực là căn phòng không điều hòa giữa trời nắng nóng, nằm trên giường gấp dù mệt vẫn chẳng thể chợp mắt. Cơm hộp từ thiện gửi vào không quen khẩu vị, nên món khoái khẩu luôn là trứng luộc, mì tôm và bánh. Buồn, khổ là vậy nhưng chị và đồng nghiệp chẳng kêu ca, phàn nàn.

Sát cánh điều trị bệnh nhân Covid-19 trong những ngày "nước sôi lửa bỏng", bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Kiến An thán phục trước tâm huyết, nghị lực và tích cực phối hợp, hỗ trợ chẳng quản khó khăn, nề hà, hết lòng vì người bệnh của bác sĩ Tú. Một số bệnh nhân tổn thương phổi tiến triển rất nhanh, lúc trước còn tỉnh táo, nói chuyện vui vẻ nhưng ít phút sau bệnh đã trở nặng. Một bệnh nhân 70 tuổi bị suy thận mãn, thể trạng yếu, bệnh ngày càng nặng, Tú hội chẩn với bác sĩ bên Hồi sức chưa vội chuyển viện mà tiếp tục tích cực điều trị, chăm sóc, hôm sau dần hồi phục. Công việc cuốn theo, mỗi bệnh nhân khỏi bệnh xuất viện là hạnh phúc tột cùng.

Làm việc trong môi trường ranh giới sinh tử rất mong manh, chị càng thấm thía tình người, tình đồng nghiệp. Xa nhà lâu ngày, nỗi nhớ cồn cào, da diết, Tú gắng kìm nén, tranh thủ gọi điện động viên chồng con. Mẹ vắng nhà, đứa lớn đảm đang hẳn, biết chăm em còn đứa bé chỉ mong mẹ sớm về để được vỗ về, ôm ấp. Lãnh đạo bệnh viện quan tâm thường xuyên gọi điện hỏi thăm, khích lệ. PGS,TS Vũ Văn Tâm, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng bộc bạch, bệnh viện ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để bác sĩ Tú yên tâm cống hiến tại tâm dịch và nhiều đồng nghiệp ngưỡng mộ tinh thần xung phong, trách nhiệm cao vì cộng đồng, "chống dịch như chống giặc" của nữ bác sĩ xông xáo, nhiệt huyết.

Khi dịch bệnh được khống chế, đẩy lùi sớm hơn dự định, mọi người trong đoàn vui mừng bởi công sức đóng góp nhỏ bé đã góp phần giảm thiểu thiệt hại, cuộc sống sớm trở lại bình thường và thời gian trở về không còn xa. Học hỏi, tích lũy nhiều kinh nghiệm từ trải nghiệm chống dịch lần đó, thế nên kể từ khi ca Covid-19 xuất hiện đầu tiên ở Hải Phòng, rồi Bệnh viện Phụ sản thành phố bị phong tỏa, bác sĩ Tú không còn lo âu, bỡ ngỡ, chủ động ứng phó, xử lý tình huống. Lửa nhiệt tình vẫn vẹn nguyên, Tú trở lại với bộ đồ bảo hộ phòng dịch, tham gia gây mê cho thai phụ thuộc diện F1 sinh con. Và lần này lại có thêm niềm hạnh phúc, khi chị góp sức cho ca mổ thành công ở thời điểm rất đặc biệt ngay tại bệnh viện mình. Tú và các thành viên trong đoàn công tác vẫn liên hệ thường xuyên, mọi người nhắn nhau rằng nếu dịch bùng phát trở lại, khi cần vẫn sẵn sàng lên đường bởi trị bệnh, cứu người là mệnh lệnh từ trái tim.

ÁI MINH