TS Nguyễn Chí Hiếu:

“Làm như lửa, yêu như đất”

Nguyễn Chí Hiếu vừa trở về Việt Nam sau hai tháng tham dự chương trình Eisenhower Fellowships ở Mỹ, vô cùng bận rộn giữa các chuyến bay, cuộc họp, sự kiện, và cả thời gian tranh thủ đứng lớp. Sắp xếp mãi, Hiếu dành cho tôi một buổi trưa trong khoảng thời gian chờ từ lớp học ra sân bay.

Dù bận rộn, TS Nguyễn Chí Hiếu vẫn dành thời gian giảng dạy.
Dù bận rộn, TS Nguyễn Chí Hiếu vẫn dành thời gian giảng dạy.

Khao khát ra đi, tha thiết trở về

Bận rộn thế mà Hiếu vẫn dành thời gian dạy nhiều lớp vậy sao?

Làm giáo dục mà không đứng lớp thì khó làm, rất khó để say mê. Hơn nữa, lý do để tôi trở về Việt Nam cũng bắt đầu từ những đứa học trò nhỏ tại quê nhà. Vậy nên, dù lịch công việc dày đặc và lắm lúc cũng phải đi xa lâu ngày, nhưng tôi vẫn đặt ra cho mình nhiệm vụ phải đứng lớp. Ở trung tâm (Trung tâm tiếng Anh IEG - nơi Hiếu hiện đang làm CEO), hầu như các lớp lớn tôi đều dạy mỗi lớp một buổi trong tuần. Mà được ở gần tụi nhỏ cũng vui lắm chị. Nhiều hôm chỉ quan sát chúng nó thôi mà mọi mệt nhọc, stress vì công việc cũng tan biến.

 “Làm như lửa, yêu như đất” ảnh 1



Đó là lý do chính khiến Hiếu từ bỏ cơ hội làm việc ở một trong những tổ chức kinh tế, tài chính hàng đầu thế giới (Goldman Sachs, Citibank, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF) với mức lương hàng trăm nghìn đô-la một năm để về Việt Nam theo đuổi giáo dục? Chắc hẳn, đó là một quyết định khó khăn.

Vâng. Những ngày đó vô cùng trăn trở chị ạ. Tôi từng viết đó là cuộc “vật lộn” giữa Adam 1 và Adam 2: hai “anh chàng” tồn tại song hành trong mỗi con người. Adam 1 đầy hoài bão chinh phục thế giới, mong muốn chiến thắng và có địa vị cao, sẵn sàng làm mọi thứ và tìm mọi cách để có được chiến thắng và do đó cũng không ngừng tiến bộ về kiến thức, kỹ năng, chinh phục những đỉnh cao của xã hội. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, Adam 1 cũng không biết rõ đâu mới thực sự là ý nghĩa cuộc đời, nơi nào mới thuộc về mình và tốt nhất mình nên ở đâu. Ngược lại, “anh chàng” Adam 2 chỉ muốn đi xây dựng những phẩm chất đạo đức và giá trị nền tảng. Adam 2 muốn cảm giác yên bình, tĩnh lặng nhưng kiên định giữa cái đúng và cái sai, không phải chỉ để làm việc tốt, mà để làm người tốt. Đó là khoảng thời gian tôi vừa tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Stanford và nhận được lời mời làm việc tại các công ty, tổ chức kinh tế, tài chính. Khi đó, trong lòng tôi đang thôi thúc trở về Việt Nam, trở về với tụi trẻ mà tôi có dịp dạy chúng nó học tiếng Anh trong một mùa hè trước, khi tôi còn là nghiên cứu sinh.

Tuy nhiên, lựa chọn không hề dễ. Một bên là vị trí nhà nghiên cứu kinh tế trẻ tại IMF mà bao người ngưỡng mộ, mơ ước, một bên là ánh mắt ngờ vực, lo ngại của người thân, bạn bè... May mà bố mẹ tôi vốn không phải dạy con chạy theo hào nhoáng với những sự chinh phục đỉnh cao, mà quan trọng là con học được gì bổ ích, làm được gì thấy hạnh phúc.

Làm giáo dục không vội được

Tại sao Hiếu lại chọn Hà Nội - chứ không phải TP Hồ Chí Minh, nơi có thể nói là “bắt đầu” sự nghiệp giáo dục mà Hiếu theo đuổi?

Thật ra, ở đâu không quan trọng và thực tế thì tôi cũng bay đi bay về giữa hai thành phố để làm công tác quản lý, đào tạo. Nhưng công việc chính hiện vẫn ở Hà Nội. Vì ở đây tôi có một đội ngũ anh chị em đồng tâm đồng chí, họ hiểu điều mà tôi muốn làm và họ để cho tôi toàn quyền quyết định. Chúng tôi có một “triết lý” giáo dục rõ ràng, một mục tiêu để theo đuổi. Một lý do rất cá nhân khiến tôi phải “chạy trốn” TP Hồ Chí Minh, chính là các vị phụ huynh. Chính vì họ biết tôi trước, nên ai cũng nhờ dạy cho con họ, có người còn muốn tôi dạy 1-1 nữa cơ. Tôi mà sa vào việc đó thì không có thời gian, “không có lối thoát” để làm được gì nữa (cười).

17 tuổi sang Anh du học, đạt nhiều danh hiệu trong quá trình từ sinh viên đến thạc sĩ, rồi tiến sĩ, dành nhiều học bổng “khủng”, Hiếu được mọi người biết như là người trực tiếp dẫn học sinh đi thi các kỳ IMSO, WSC thành công, rồi lại là người hướng dẫn làm hồ sơ du học cho nhiều học sinh vào các trường đại học hàng đầu của Mỹ nữa...

Vâng, đấy chính là cái mà tôi muốn thoát ra. Cũng chính là “căn bệnh” mà hiện nay giáo dục Việt Nam đang mắc phải: quá quan trọng chuyện huy chương, thành tích. Tôi từng tiếp xúc với những học sinh vô cùng giỏi, tụi nó có thể làm được những câu hỏi siêu khó, giành thứ hạng cao nhất trong các cuộc thi tài năng. Nhưng khi nói chuyện thì được vài câu là các em “hết vốn”, không biết nói gì nữa. Thật ra bây giờ hầu hết các nơi đều coi việc chinh phục đỉnh cao các cuộc thi như là mục tiêu của giáo dục. Cái đó, nếu làm không chắc tay và cân nhắc lâu dài, rất nguy hại. Tôi cũng phải mất rất nhiều thời gian để thuyết phục những phụ huynh mà tôi nhận dạy con họ: rằng tôi không đi tìm kiếm huy chương, tôi chỉ mượn cớ tiếp xúc tụi nhỏ, dẫn chúng đến những cái hay, cái đẹp của kiến thức, dạy tư duy, kỹ năng sống, kỹ năng học tập và làm việc, chịu đựng và vượt qua mọi hoàn cảnh, kỹ năng tạo lập mọi thứ. Nó tựa như việc “xây dựng” một con người: đầy đủ giác quan, tri thức, bồi đắp tâm hồn, tạo lập giá trị bản thân. Nếu có điểm số, huy chương thì tất cả chỉ là thành quả trên con đường hoàn thiện bản thân, chứ chưa bao giờ là đích đến mà tôi muốn học sinh hướng tới.

Nhưng, giáo dục là cả một hệ thống, không chỉ một cá nhân nào mà làm được?

Đúng vậy. Khi về Việt Nam và bắt đầu quản lý điều hành IEG, tôi là người định hướng, thiết lập đội ngũ và để họ tự vận hành. Tôi định hướng phát triển chương trình, đào tạo giáo viên, làm dự án, và giám sát, điều chỉnh. Tôi rất cương quyết, thấy chệch hướng với triết lý giáo dục của tổ chức là bắt dừng quay lại ngay. Chúng tôi có nhiều mảng công việc. Trung tâm tiếng Anh chỉ là một mảng và tôi cũng không định làm lớn hay ầm ĩ gì mảng ấy. Cứ duy trì nhỏ nhỏ, lặng lẽ vậy thôi, không đầu tư quảng bá hay marketing. Tôi chú trọng vào thực chất hơn là những thứ ầm ĩ hào nhoáng và hiện tại cũng không muốn lãng phí quá nhiều nhân lực vào việc làm dịch vụ cốt chỉ để làm hài lòng phụ huynh. Mảng quan trọng mà tôi đang tập trung đầu tư là tư vấn cho một số trường học. Hiện tại tôi đang hợp tác với các trường tư thục như Đoàn Thị Điểm, Olympia, Archimedes, Marie Curie,... Thường là tôi tư vấn cho các trường về mô hình, chương trình học, đào tạo giáo viên, xây dựng các hệ thống quản lý, đánh giá chất lượng nhà trường... tùy nhu cầu của mỗi trường.

Làm giáo dục cũng không vội được, mọi thứ phải từ từ. Tôi cũng có ý tưởng “thâm nhập”, lan tỏa sang hệ thống trường công, nhưng đó là chuyện của tương lai.

Phía trước luôn có một ngọn hải đăng

Có vẻ như việc để đưa tư tưởng và triết lý giáo dục của mình về Việt Nam, Hiếu đang phải đi qua một khe cửa hẹp, hay như lội ngược dòng. Chắc là cũng gặp nhiều khó khăn để được tiếp nhận?

Vô vàn khó khăn chị ạ. Có cả stress, tổn thương, mất mát đến từ nhiều phía. Nhưng không sao. Khi quyết định từ bỏ công việc ở nước ngoài trở về, là tôi cũng đã lường trước những gì mình phải đối mặt, những khó khăn mình phải vượt qua. Quan trọng là phía trước mình luôn có một ngọn hải đăng, và mình biết rõ mình đang chèo con thuyền về hướng đó. Có thể 50 năm nữa chưa chắc mình chèo tới, nhưng mình và đội ngũ không lạc hướng, vậy là được.

“Làm như lửa, yêu như đất” là cuốn sách chứa đựng nhiều thông điệp, tư tưởng, triết lý về giáo dục. Đọc những gì Hiếu viết, tôi thấy có một điểm chung giữa “làm” và “yêu”- đấy chính là bất chấp những điều dở hơi và hữu hạn của đời người, chỉ cần tìm được một tình yêu đích thực, như Đất - bao la, bền bỉ, giản dị và bình yên chờ người gieo hạt tới...

Tôi viết về tình yêu của tôi cũng là một cách để “tới” được bọn trẻ mai kia khi chúng lớn lên. Còn thật ra, “Làm như lửa - yêu như đất” là cuốn sách mà tôi gửi gắm nhiều tư tưởng về giáo dục. “Lửa” và “Đất” cũng là tính cách của tôi. Trông hiền hiền vậy nhưng trong công việc tôi là người quyết liệt, sẵn sàng “đá văng” nhân viên nào mà tôi thấy họ cố ý làm sai, làm giáo dục theo kiểu quá thị trường, thương mại mà không đặt lợi ích của học sinh lên trên hết. Tôi kiên định con đường mình đi và cố gắng tác động, lan tỏa, đào tạo, bắt đầu cụ thể từ người này đến người khác, từ phụ huynh, thầy cô, từ trường này tới trường khác. Như người đi gieo hạt. Tôi cứ gieo chỗ này một ít chỗ kia một ít, gặp đủ điều kiện rồi có lúc nhận ra cái hạt của mình đã nảy mầm xanh tốt. Quan trọng mỗi ngày thức dậy tôi thấy vui và hạnh phúc vì làm được điều mình muốn. Đúng như chị nói, chỉ cần tìm được một tình yêu đích thực, thì bất chấp mọi cái dở hơi hữu hạn của đời người, biết con đường mình đi tới đâu và dù tất cả rồi cũng về với cát bụi nhưng mình biết, cuộc đời này đáng sống.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu - sinh năm 1984 tại Bình Định. Thủ khoa nhóm Toán Thống kê và Sinh viên xuất sắc nhất nước Anh. Học bổng toàn phần của Học viện Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE) tại Anh, Thủ khoa ba năm liền của khoa Kinh tế, thủ khoa tốt nghiệp, sinh viên Kinh tế và Khoa học xã hội xuất sắc nhất trong hệ thống các trường đại học tại London. Tiến sĩ Kinh tế Đại học Stanford (Mỹ) với hai suất học bổng từ ĐH Stanford và IMF. Tốt nghiệp thủ khoa MBA tại Oxford với học bổng toàn phần. Quay về Việt Nam năm 2016 và giữ chức vụ CEO tại Tổ chức giáo dục IEG (Innovative Education Group).