“Kỳ quan” đứt gãy

Con đường du lịch ven biển Việt Nam được ví von như một “kỳ quan” mà tạo hóa đã ưu ái dành tặng cho người dân suốt dọc dài dải đất hình chữ S. Những tưởng tượng đầy phóng khoáng, hào sảng và cũng không kém phần thực tiễn của nhiều chuyên gia kinh tế về một con đường du lịch ven biển trải dài từ bắc vào nam chưa kịp hiện hình (dù chỉ trên giấy), thì bờ biển đã bị băm nát bởi những dự án khách sạn, resort thiếu quy hoạch đồng bộ. “Kỳ quan” sẵn có, nhưng đã không được thận trọng nâng niu khai thác mà cứ chạy đua “cấp - cấp”, để rồi một ngày nhìn lại, sự thất vọng chỉ còn thể hiện bằng những từ “mất - mất”!

Làng Vân nằm trong quy hoạch resort đã sáu năm.
Làng Vân nằm trong quy hoạch resort đã sáu năm.

Resort lấn làng

Làng Vân mỏng cong lưỡi hái, phần sáng loáng thuộc về bờ biển với những con sóng trắng xóa. Ở đó, có bãi Xoan cho người ta cắm trại, nhảy sóng. Nhô nhoài ra biển là mũi... Isabelle. Đến làng Vân hôm nay chỉ thấy vườn cau, rặng dừa, lũy tre, ao vuông trước mặt với những chiếc cầu bằng gỗ cong cong. Phía sau làng, ruộng được khẩn hoang. Một không gian làng được thiết kế lối đi, hàng rào, cây trồng mẫu mực. Làng Vân nằm dưới chân núi Hải Vân, nhìn ra vịnh Nam Chơn. Điền thổ mỏng manh chân núi, đầu sóng. Chạm vào làng, chạm lời ru thơ ấu giấc trưa thoảng gió, êm đềm. Nhưng tất cả đều bỏ hoang, mục nát. Không lật dở quá khứ, rõ sẽ thầm khen người có tầm vóc hoạch định ngôi làng, biết bảo ban nhau dựng bờ, trồng cây, đào ao, khẩn ruộng. Lật dở quá khứ mới vỡ òa một lẽ khác, những giá trị kia đều do những bàn tay, đôi chân không còn lành lặn làm nên. Năm 1968, những người bị nhiễm vi-rút Hansen (bệnh phong) đã tìm đường ra đây. Với một tâm thế bị kỳ thị, xua đuổi, họ tìm được chốn này nương náu phần đời. “Bể dâu tạo dáng, thương đau tạo hồn”, họ lập nên ngôi làng như vậy. Làng có thời được nhìn nhận như một “bảo tàng” về chứng bệnh từng khiến thế gian khiếp vía, mà lúc đó, dân tình bàng hoàng đồn thổi rằng, đó là sự nguyền rủa của số phận. Ngôi làng tuyệt đẹp bên bờ biển Hải Vân được cấp tên, nhưng giờ đã biến mất, chỉ còn lưu trong tâm tưởng và những tiếc nuối của bao người bởi một dự án resort ra đời: Làng Vân (Đà Nẵng)!

“Kỳ quan” đứt gãy ảnh 1

Làng Nam Ô tan hoang và rồi để đó.

Năm 1998, tên làng được cấp. Tháng 8-2012, làng biến thành khu resort & villas. 127 hộ, 350 nhân khẩu làng Vân được cấp đất, cấp nhà vào phố để ở. Ngồi bên căn nhà cũ, anh Nguyễn Văn Hải lược lại tấm lưới cũ, cắt những cái phao, hẳn anh đang định đan một tấm lưới khác nhưng dùng tạm những cái phao cũ. Anh Hải, sinh năm 1973, nghĩa là, con người của anh hoàn toàn thuộc về nơi này cho đến năm anh 39 tuổi để rồi hoàn toàn bị đứt gãy “mạch làng” khi dự án resort nghỉ dưỡng được cấp phép. Anh Hải chậm chạp, buồn bã: “Cha mẹ, vợ con của tôi ở trong làng mới. Tôi ở đây, chài lưới, thỉnh thoảng mới về”. Thỉnh thoảng mới về, hẳn anh lưu luyến lắm nơi này hay do sinh kế, anh phải gắn chặt mình với bờ biển, làng xưa? Trong ký ức nhiều người đã từng đến làng Vân, họ vẫn bâng khuâng lưu luyến một ngôi làng cổ tích yên bình nằm nghe sóng vỗ.

Ra khỏi làng Vân, làng Nam Ô liền kề cũng được bán cho resort! Hiện trạng của làng, nửa gạch vụn, nửa quây hàng rào. Những người từng ăn mắm, chiêm ngưỡng cánh rừng cấm, thăm những cái giếng vuông bằng đá của người Chăm, di tích đình đền chùa miếu của làng Nam Ô... cũng suýt nữa chỉ còn được biết qua lời kể ngôi làng 700 năm. Một phần làng cùng các di tích làng Nam Ô đã tan hoang. Dự án được chính quyền Đà Nẵng cấp phép cho tập đoàn Trung Thủy. Theo đó, doanh nghiệp dựng hàng rào, ngăn người xuống biển, rồi rao bán bất động sản rầm trời... trên internet.

Người dân ở làng Khúc Phụ (Hoằng Phụ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đang nhấp nhổm đứng ngồi không yên vì resort nghỉ dưỡng ở khu nghỉ mát Hải Tiến cùng huyện sẽ tiến về phía nam. Tập đoàn FLC vượt qua cửa Hới tiến về phía bắc, nguy cơ sẽ mất đi đầm sú vẹt ngăn mặn, mất đồng tôm, mất rặng phi lao, mất đường xuống biển, mất nghề. Nằm giữa vịnh Vĩnh Hy và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), thôn Thái An (Vĩnh Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận) như một vòng cung đẹp của núi Chúa và bờ biển kiến tạo. Địa thế đó, khiến cho nơi này vừa mở toang ra với sóng, lại vừa biệt lập. Thôn Thái An đã từng nằm trong quy hoạch nhà máy điện nguyên tử số 2, nay đã bỏ. Mỗi ngày, ở đây có khá nhiều khách nước ngoài đến để lướt sóng và người dân vừa thoát cảnh nhà máy, nay lại canh cánh nỗi lo resort về... làng!

Và rằng, rằng đã muộn màng hay chưa !

Bình luận về bờ biển đẹp như một “kỳ quan”, ông Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch, ĐHQG Hà Nội, cho hay: “Việt Nam có địa hình “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền” (ba phần núi, bốn phần biển, một phần đồng bằng), có thể khẳng định Việt Nam có đường bờ biển dài và đẹp. Xứng đáng được ví là kỳ quan đất Việt”.

“Cái chết” của làng Vân do sở hữu cảnh quan nhìn từ đèo Hải Vân xuống với bốn vòng cong lớp lang nương tựa, giấu giếm, hai do thiên tạo (vòng cong bờ biển, chân núi) và hai do nhân tạo (vòng cong của làng và ruộng lúa) thoải đều, tương phản. Trong một sáng, một trưa, hay một chiều ngang đèo nhìn xuống, cảm giác quá khứ chen lẫn thực tại và mơ hồ. Sáu năm qua, câu chuyện resort Làng Vân vẫn chưa động thổ. Trở lại thời gian, năm 2014, Đà Nẵng phản đối Thừa Thiên-Huế cấp phép cho một dự án nghỉ dưỡng cho người nước ngoài tại mũi Cửa Khẻm, thuộc núi Hải Vân. Lúc đó, lãnh đạo Thừa Thiên-Huế cũng “so bì” Đà Nẵng cấp phép dự án du lịch Làng Vân với lý lẽ: cấp cho doanh nghiệp trong nước, rồi sẽ chuyển đổi cho doanh nghiệp nước ngoài thì sao?

“Trong cơn lốc xây dựng resort hiện nay, nhiều nơi resort bắt đầu chen chúc nhau”- PGS, TS Đặng Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề xã hội (CECODES), cho biết. Không thể phủ nhận, nhiều khu resort nghỉ dưỡng đã nâng tầm bờ biển, đón khách du lịch, tạo công ăn việc làm, lợi nhuận kinh tế. Nhưng resort đang thành “hội chứng”, ông Dinh cảm thán rằng: “Bờ biển bây giờ cũng giống như vỉa hè ở thành phố, đã thành tài sản cá nhân hết rồi!”. Câu chuyện về khu nghỉ dưỡng resort ven bờ biển Đà Nẵng, được cấp phép từ lâu, doanh nghiệp bít bùng tôn kẽm, kêu gọi chủ đầu tư thứ cấp đổ tiền vào, chờ lâu quá và rồi để đó vẫn như một liều thuốc đắng mà không trị nổi bệnh. Tháng 4-2018, Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa phải kiên quyết buộc các bên liên quan “mở đường” cho dân xuống biển! Câu chuyện “cấm biển” lan đến Bãi Xép, thôn Mỹ Quang Bắc (An Chấn, Tuy An, Phú Yên). Một bức tường xây cao hai mét, dài 2 km, dự án du lịch sinh thái của Công TNHH Du lịch Sao Việt. Mười năm qua cũng chỉ bức tường xây, đánh dấu, để đó. Và cũng ngần ấy thời gian, người dân cứ phải bắc thang trèo tường ra biển của mình.

Tầm nhìn về quy hoạch resort ven biển đang ở đâu? Ông Phạm Hồng Long cho biết: “Hiện nay, ở một số đô thị và thành phố biển như Hạ Long, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu, Phú Quốc... đã xuất hiện sự gia tăng một cách ồ ạt các khu nghỉ dưỡng ven biển”. Suốt dọc bờ biển, rất dễ nhìn ra, nhiều resort xây dang dở rồi bỏ hoang, khu resort nghỉ dưỡng 5 sao, đầu tư 300 tỷ đồng (Cửa Đại, TP Hội An), để đó như một làng ma. Lượng khách lèo tèo khiến cho nhiều nhà đầu tư “bỏ chạy” để lại những resort dang dở, hoang vu tại những điểm nghỉ mát ven biển: Long Sơn, Suối Nước, Kê Gà (Bình Thuận). Không gian biển - không gian công cộng nhưng resort nghỉ dưỡng án ngự, khuất lấp tầm nhìn, ông Long có ý kiến: “Với khách và cộng đồng địa phương, họ sẽ không được trải nghiệm mỹ quan tự nhiên vốn có của biển. Và không phải du khách cũng như người dân địa phương nào cũng có thể có đủ tiền để vào các khu nghỉ dưỡng hiện đại ven biển”. Đồng quan điểm, ông Dinh nhận định: “Hệ thống resort ven biển nước ta, tuy có đóng góp vào phát triển kinh tế, vẫn đang xâm hại môi trường thiên nhiên và tác động tiêu cực đến lợi ích, cuộc sống của người dân và văn hóa bản địa...”. Bờ biển đẹp, resort nghỉ dưỡng nhăm nhe. Cuộc “hôn phối” thiếu tầm nhìn, thiếu liên kết sẽ là những “mất-mất” ở cả hai phía. Mất mát đắng lòng. Và con đường du lịch ven biển bắc nam, “kỳ quan” chưa kịp kết nối để tỏa sáng đã đứt gãy theo đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng.