Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật InvestPro:

Không nên dùng sức ép dư luận để phân định đúng, sai

Mỗi cá nhân sử dụng mạng xã hội nếu không tự điều chỉnh thói quen ứng xử của mình nắm vững luật pháp, thì có thể vi phạm pháp luật hoặc vô tình tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật, Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh (ảnh bên), Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật InvestPro trao đổi những suy nghĩ của mình chung quanh vấn đề này.

Không nên dùng sức ép dư luận để phân định đúng, sai

Thời gian qua, có hiện tượng, chỉ vì câu like, thu hút sự chú ý trên trang cá nhân để bán hàng hoặc đơn giản, để nổi tiếng..., nhiều chủ trang mạng xã hội đã đăng tải những nội dung thiếu kiểm chứng, gây ảnh hưởng xấu, làm thiệt hại tới lợi ích của tổ chức, các nhân... Theo bà, thực trạng này là do hiểu biết pháp luật của những người sử dụng mạng xã hội còn hạn chế, hay các chế tài luật pháp chưa thật sự có tính răn đe, chưa đi vào cuộc sống?

Theo tôi có cả hai nguyên nhân. Thứ nhất, do có những người háo danh, thích câu like, thích đám đông chú ý đến trang cá nhân của họ, chú ý đến họ, hoặc có thể do họ bán hàng online nên cũng cần thu hút sự tương tác. Thứ hai, có nhóm người có động cơ rõ ràng, thậm chí vụ lợi. Họ sẵn sàng tạo sức hút cho trang mạng cá nhân bằng mọi cách, đăng tải, chia sẻ những thông tin fake, thiếu kiểm chứng..., để tăng lượng theo dõi, thu hút sự quan tâm người đọc. Họ làm thế không chỉ muốn nổi tiếng, muốn được biết đến nhiều mà có thể có những cá nhân tổ chức nào đó đứng đằng sau trả tiền cho họ nhằm mục đích quảng cáo sản phẩm, dịch vụ, thậm chí gây nhiễu trong dư luận, hạ uy tín các đối thủ cạnh tranh. Tất nhiên một phần do người sử dụng mạng xã hội thiếu hiểu biết pháp luật, không ý thức được mình chia sẻ tin fake là vi phạm pháp luật, nhưng cũng có người biết mà vẫn làm.

Đúng như bà nhận định, trong đời sống đang xuất hiện ngày một nhiều cá nhân, tổ chức, nhất là doanh nghiệp bị một số người sử dụng mạng xã hội có lượng follow lớn hô hào, kích động tẩy chay thiếu căn cứ, gây tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp... Theo bà hành vi kêu gọi tẩy chay này có vi phạm pháp luật không và những người trong cuộc cần làm gì để bảo vệ chính mình?

Mỗi cá nhân đều có quyền bày tỏ thái độ, tình cảm của mình đối với một người của công chúng, một nhãn hàng, sản phẩm hay dịch vụ nào đó. Có thể là yêu thích, ủng hộ hoặc ghét bỏ, thậm chí tẩy chay, phản đối. Nhưng thái độ này phải có căn cứ trên cơ sở sự biểu đạt có văn hóa. Đằng sau một nhãn hàng, dịch vụ, một doanh nghiệp còn nhiều người lao động, còn cả hoài bão, chiến lược phát triển của doanh nghiệp đó mà xã hội cần thấu hiểu, tôn trọng. Nếu có những sự kêu gọi tẩy chay vô lối, thiếu căn cứ mà cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp xác định được thiệt hại cả vô hình và hữu hình, xác định được những động cơ xấu, những trò chơi bẩn đằng sau thì hoàn toàn có thể thu thập tài liệu, chứng cứ, lập vi bằng để đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc khởi kiện ra tòa.

Không nên dùng sức ép dư luận để phân định đúng, sai ảnh 1

Nhào dzô - Biếm họa của Nguyễn Hữu Lộc được giải cuộc thi biếm họa báo chí Việt Nam 2018.

Tuy nhiên, vẫn còn sự e ngại nào đó khiến một số nạn nhân chưa tìm đến Tòa án để được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình?

Tôi thấy hệ thống pháp luật của chúng ta càng ngày càng hoàn thiện hơn, nên nạn nhân của các hành vi bôi nhọ, lăng mạ, xúc phạm danh dự trên mạng xã hội hay doanh nghiệp là bị hại trong các vụ chơi bẩn, “đánh hôi” trên mạng đã tìm đến Tòa án để được bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên, tâm lý chung các bị hại dù là cá nhân hay doanh nghiệp cũng ngại ra tòa, ngại kiện cáo vì nghĩ “được vạ thì má đã sưng”, vụ việc càng ầm ĩ, có thể càng tác động tiêu cực tới chính mình. Vì thế, nhiều nạn nhân đã đồng ý hòa giải. Có nạn nhân còn tặc lưỡi, để cho dư luận nguôi đi, chịu thiệt hại chứ không muốn vụ việc nóng thêm trên dư luận, dù tin vào lẽ phải của mình. Sức lan tỏa của mạng xã hội vốn nhanh và rộng lớn. Trong khi đó, tâm lý chung của con người là dễ gia tăng định kiến trước những bức xúc, bất cập của xã hội, dễ tin, dễ ngả theo những thông tin một chiều, hồ đồ. Một xã hội văn minh, nên để cho tòa án giải quyết, đưa ra các phán quyết về những tranh chấp dân sự chứ không nên dùng sức ép dư luận để phân định đúng sai, tạo lợi thế cho những người dẫn dắt được dư luận.

Tức là nếu dư luận bị dẫn dắt bởi động cơ xấu, sự cảm tính, có thể khiến cơ quan có thẩm quyền đưa ra các quyết định thiếu khách quan, thưa bà?

Rõ ràng đã có những vụ việc chưa đủ căn cứ pháp lý để khởi tố, nhưng trước sức ép của dư luận, đã khiến các cơ quan có trách nhiệm phải đưa ra phán quyết để làm giảm sức nóng của xã hội. Điều này thật sự không có lợi cho pháp luật. Muốn vượt qua áp lực khủng khiếp của dư luận xã hội trong một số vụ việc cụ thể mà dư luận quan tâm, để giữ được nguyên tắc thượng tôn pháp luật, những người trong các cơ quan tư pháp phải có chính kiến rõ ràng, có bản lĩnh thép, trình độ chuyên môn sâu... Các cá nhân sử dụng mạng xã hội cần lan tỏa những điều tốt đẹp, những thông tin tích cực, có tiếng nói góp ý, phản biện khách quan... để có lợi cho sự phát triển tích cực của xã hội. Nhiều trường hợp, sự nhiệt tâm, nhiệt huyết của cá nhân bị cảm xúc, cảm tính chi phối, đã vô tình góp phần tạo nên những hiệu ứng xấu ngoài ý muốn của chính họ với đời sống xã hội...

Vậy cá nhân bà đã bao giờ là nạn nhân của mạng xã hội chưa?

Tôi không phải là người nổi tiếng, chỉ là một người bình thường, một luật sự thực hiện thật tốt nhiệm vụ và nghĩa vụ của mình, nên chưa trở thành nạn nhân của các chiến dịch bôi nhọ, công kích trên mạng xã hội. Tuy nhiên, những chỉ trích, châm chích, đá xoáy, ám chỉ... cá nhân tôi một cách võ đoán, thiếu căn cứ của một số các các nhân khác thì có. Vậy nên tôi nghĩ, mỗi cá nhân trên internet, trên mạng xã hội hay ngoài đời thường, cần ứng xử văn minh, có văn hóa, khai thác hiệu ứng của không gian mạng một cách tích cực cho bản thân mình và cho cả xã hội, tìm hiểu tham khảo những quy định của pháp luật để tránh trở thành người vô tình hoặc cố ý vi phạm pháp luật...

Trân trọng cảm ơn bà!