Khơi dòng mạch máu giao thông

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), giao thông nông thôn (GTNT) toàn quốc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hàng trăm nghìn ki-lô-mét đường GTNT, hàng chục nghìn cầu, cống được xây mới, cải tạo, nâng cấp và bảo trì sửa chữa, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Tuyến đường kiểu mẫu tại huyện Hải Hậu (Nam Định). Ảnh: Thanh Giang
Tuyến đường kiểu mẫu tại huyện Hải Hậu (Nam Định). Ảnh: Thanh Giang

Việt Nam là một nước với gần 80% dân số làm nghề nông, để đạt được mục tiêu "đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến" nhất thiết phải có sự đầu tư vào nông nghiệp mà nhất là phát triển cơ sở hạ tầng và trên hết là cơ sở hạ tầng GTNT. Trong các Đại hội đại biểu toàn quốc cũng như các hội nghị phát triển nông nghiệp, nông thôn đều nhận định đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng GTNT vô cùng cần thiết trong điều kiện hiện nay, luôn phải đi trước một bước để tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành, các vùng phát triển.

Trên thực tế, giai đoạn trước năm 2010, hệ thống đường GTNT chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều địa phương kinh tế còn khó khăn vì chưa có đường ô-tô đến trung tâm xã. Nơi có đường ô-tô thì lại chưa được cứng hóa, thường xuyên bị sạt lở vào mùa mưa lũ. Nhiều nơi đường GTNT cũng chỉ có một làn xe nhưng lại chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa và đời sống người dân.

Trong số các tiêu chí triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giai đoạn 2010-2020, giao thông là tiêu chí cần vốn đầu tư lớn nhất, đặc biệt là giao thông thôn xóm và giao thông nội đồng. Để đầu tư cho các tuyến đường GTNT, nguồn lực rất lớn của Nhà nước, xã hội, nhân dân đã được huy động. Chất lượng đường GTNT ngày càng được nâng cao và khá đồng bộ, bề rộng mặt đường được mở rộng, góp phần tích cực tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư về khu vực nông thôn, qua đó, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân, làm thay đổi rõ rệt diện mạo cho nhiều vùng quê. Hiện nay, xây dựng NTM trở thành phong trào rộng khắp, đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó, phát triển GTNT đóng vai trò quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội vùng nông thôn.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, cần tiếp tục duy trì hệ thống GTNT hiện có nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, hoàn thành dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương, xây dựng khoảng 2.272 cầu dân sinh trên địa bàn 50 tỉnh, cải tạo 680 km đường GTNT trên địa bàn 14 tỉnh.

Kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng khá và chuyển mạnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ, ngành nông nghiệp đang chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và từng bước thu hẹp khoảng cách với đô thị. Công nghiệp, dịch vụ nông thôn đã và đang trở thành giải pháp quan trọng tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động.

Cơ sở hạ tầng GTNT phát triển sẽ tác động đến sự tăng trưởng và phát triển kinh tế nhanh của khu vực nông thôn, tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh, tăng sức thu hút vốn đầu tư nước ngoài và sức huy động nguồn vốn trong nước vào thị trường nông nghiệp, nông thôn; đồng thời giúp nâng cao đời sống xã hội trên địa bàn, tạo cuộc sống tốt hơn cho người nông dân, góp phần giảm dòng di dân tự do từ nông thôn ra thành thị, cũng là một trong những biện pháp giảm bớt gánh nặng cho giao thông đô thị.

Nếu ví đường quốc lộ dọc dài đất nước là xương sống của nền kinh tế, thì đường GTNT kết nối tới từng hộ gia đình chính là những mạch máu nhỏ nuôi dưỡng những tế bào của xã hội. Việc đầu tư vào hạ tầng giao thông cũng đang được nhiều địa phương triển khai đồng bộ để tăng tỷ lệ đô thị hóa, bởi giao thông là cơ sở bảo đảm cho hoạt động kinh tế đô thị có thể tiến hành một cách bình thường, là điều kiện cần thiết của tăng trưởng kinh tế đô thị. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần có tầm nhìn xa hơn nữa trong việc quy hoạch giao thông. Bởi khi cơ sở hạ tầng GTNT không theo kịp tốc độ phát triển của phương tiện cơ giới đường bộ thì lại trở thành những điểm nghẽn gây cản trở phát triển kinh tế - xã hội.