Khi viễn cảnh trở thành thảm cảnh

Làn sóng lấy chồng ngoại tuy bớt “rầm rộ” nhưng vẫn còn nóng bỏng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro, tiêu cực. Trong 5 năm (2011-2016), cả nước có 89.476 người kết hôn với công dân của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới... Trong tổng số phụ nữ kết hôn với người nước ngoài (NNN) cả nước, có 80% ở TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ, trong đó khoảng 19% trở thành nạn nhân mua bán người (MBN) và chịu nhiều hệ lụy khi hôn nhân đổ vỡ, bị ngược đãi, xâm hại tình dục, lừa bán vào các động mại dâm...

Đồn Biên phòng Ka Lăng, BĐBP Lai Châu phối hợp lực lượng Công an tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Đức Duẩn
Đồn Biên phòng Ka Lăng, BĐBP Lai Châu phối hợp lực lượng Công an tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Đức Duẩn

Những quái chiêu lừa phỉnh

Ngon ngọt dụ dỗ bằng "bánh vẽ" sung sướng ở thiên đường xứ người, chỉ trong nửa năm, Lê Thị Ánh Tuyết ở Long Khánh (Đồng Nai) lừa trót lọt 19 thiếu nữ bán sang Ma-lai-xi-a làm gái mại dâm và cưỡng ép lấy chồng. Dùng quái chiêu làm giấy tờ giả thay tên, họ, năm sinh cho 50 phụ nữ từ các tỉnh, thành phố khác chuyển về Đồng Tháp để nhập khẩu, rồi làm hộ chiếu xuất cảnh lấy chồng nước ngoài nhưng đường dây MBN do Nguyễn Văn Bé E cầm đầu vẫn bị Công an Đồng Tháp phanh phui. Mặc dù hàng loạt đường dây MBN liên tiếp bị triệt phá, đối tượng phạm tội bị trừng trị thích đáng nhưng do hám lời, kẻ xấu vẫn giăng bẫy lừa gạt.

Trong số 2.748 vụ MBN xảy ra từ đầu năm 2011 đến tháng 6 năm 2017 trong cả nước, có 447 vụ MBN vì mục đích hôn nhân (chiếm 16,27%), với 927 đối tượng, lừa bán 1.140 nạn nhân; chưa kể 146 vụ việc có dấu hiệu MBN dưới dạng môi giới hôn nhân (MGHN) trái phép, tổ chức xem mặt chọn vợ, kết hôn giả, với 435 đối tượng, 1.296 nạn nhân. Các đường dây ngày càng tinh vi, khép kín, có sự móc nối chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước làm cò mồi với các đối tượng NNN thông qua công ty môi giới vào Việt Nam dưới vỏ bọc thăm quan, du lịch, hoạt động kinh doanh. Nhẹ dạ, cả tin trước những lời tán tỉnh, lôi kéo, lừa gạt của kẻ dụ dỗ, nhiều cô gái dễ dàng "sập bẫy". Khi lực lượng chức năng đánh mạnh, các đối tượng đối phó tinh vi hơn như không tổ chức đưa đàn ông nước ngoài về Việt Nam mà thông qua mạng xã hội như zalo, facebook, wechat... để "xem mặt chọn vợ", sau khi chọn được vợ thì làm thủ tục đưa các cô gái xuất cảnh ra nước ngoài để bán (dưới hình thức đi du lịch), tổ chức đám cưới, đăng ký kết hôn ở nước ngoài rồi quay về Việt Nam nộp hồ sơ xin ghi chú kết hôn; không tụ tập đông phụ nữ để xem mặt tại nhà hàng, khách sạn dễ bị phát hiện, mỗi lần chỉ đưa ba đến năm cô gái đến nhà trọ, quán cà-phê hoặc công viên... ở khu vực vắng vẻ hay lúc đêm khuya cho khách tuyển chọn chóng vánh, có bố trí người canh gác. Một điều tra viên cho biết, các cô gái từ các tỉnh miền Tây lên TP Hồ Chí Minh được chủ lò nuôi bao ăn, bao ở đợi khách đến xem mặt, chọn vợ, mỗi phi vụ thành công, trừ mọi chi phí, chủ lò thu lời từ 400 đến 600 USD, chú rể trả cho đối tượng môi giới khoảng 100 triệu đồng. Đáng lo ngại nhiều cô gái mới lớn nghèo khó, ít học, thất nghiệp đã chọn lấy chồng ngoại thoát nghèo, cứu giúp gia đình; một số khác lười lao động, thích hưởng thụ, chấp nhận "nhắm mắt đưa chân" hòng "đổi đời".

Bất đồng ngôn ngữ, thời gian tìm hiểu quá ngắn ngủi qua mạng hoặc môi giới, không trình độ chuyên môn nghề nghiệp nên khó kiếm việc, không am hiểu phong tục, tập quán của nước sở tại nên phần lớn các cô gái khó hòa nhập với gia đình và cộng đồng. Chú rể thường nhiều tuổi, có khi còn bị bệnh, từng ly hôn, lại thiếu thấu hiểu, tôn trọng nên mâu thuẫn càng trầm trọng, hôn nhân bế tắc, nhanh chóng đổ vỡ là kết cục tất yếu. Viễn cảnh đổi đời biến thành thảm cảnh, nhiều trường hợp các cô bị chồng hoặc gia đình chồng bạc đãi, đánh đập. Cuộc sống đất khách quá bi đát, cùng cực, một số cô dâu Việt đã tự vẫn, thậm chí bị chồng sát hại. Một số người may mắn trốn thoát hoặc được giải cứu về nước nhưng chuỗi ngày u ám vẫn luôn ám ảnh.

Cần chủ động phòng ngừa

Đòi hỏi đặt ra là phải có giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý để loại bỏ kết hôn không lành mạnh, phòng, chống tội phạm MBN thông qua MGHN. Tuy nhiên, rào cản phát sinh là nhận thức và sự vào cuộc của một số cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành, nhất là cơ sở còn hạn chế, chưa quyết liệt; các trường hợp MGHN bất hợp pháp chủ yếu bị xử lý hành chính, mức phạt thấp, hiệu quả tuyên truyền chưa cao do nặng về "hình thức", chạy theo phong trào; quản lý nhà nước về NNN, xuất nhập cảnh còn sơ hở, bất cập; hoạt động của một số trung tâm hỗ trợ kết hôn còn lúng túng, lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách phòng, chống tội phạm MBN ở cơ sở quá mỏng, phối hợp với các nước trong trao đổi thông tin, đấu tranh bắt giữ, chuyển giao tội phạm, giải cứu nạn nhân cũng như giải quyết các vụ việc MGHN còn khó khăn, kéo dài...

Theo Đại tá Nguyễn Tri Phương, Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh, tội phạm thường xuyên thay tên đổi họ, liên tục thay đổi chỗ ở, đối tượng cầm đầu là NNN nên điều tra mở rộng chuyên án MBN khó khăn, chưa kể trở ngại do tâm lý xấu hổ, e ngại nên nhiều nạn nhân và gia đình họ không chủ động hợp tác, cung cấp thông tin thiếu chính xác dẫn đến xác minh, giải cứu nạn nhân và đấu tranh gặp nhiều vướng mắc. Phó Giám đốc Sở Tư pháp Cần Thơ Phan Quỳnh Dao nhấn mạnh vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong điều kiện Việt Nam và nước ngoài chưa có thỏa thuận tương trợ tư pháp; vấn đề quốc tịch của các cô dâu sau khi kết hôn, khai sinh và quốc tịch của trẻ em được sinh ra bởi hai dòng máu là những phát sinh từ thực tiễn cần có hướng giải quyết thống nhất, đồng bộ. Mặt khác, Luật Hộ tịch có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 phân cấp thẩm quyền đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài cho UBND cấp huyện, trình tự giải quyết hồ sơ được đơn giản hóa tuy nhiên một số công chức tư pháp quận, huyện còn bỡ ngỡ, thiếu kinh nghiệm, hiểu biết chuyên sâu khi tiếp nhận công việc mới, có tính chất phức tạp, biên chế của Phòng Tư pháp cấp huyện thiếu nên gặp nhiều khó khăn khi tổ chức xác minh hồ sơ, nhất là những trường hợp có nghi vấn.

Do đó, cần tập trung nắm chắc tình hình, kiên quyết triệt xóa các đường dây MBN, các tụ điểm MGHN trá hình; điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, chú trọng các địa bàn trọng điểm, phức tạp nhằm kịp thời hạ nhiệt tình hình. Tuy nhiên, để xử lý nghiêm minh và có tác dụng răn đe đòi hỏi phải hoàn thiện pháp luật về kết hôn có yếu tố nước ngoài như nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng tăng nặng hình phạt, xử lý nghiêm đối tượng tổ chức MGHN trái pháp luật, nghiên cứu quy định chặt chẽ "ghi chú kết hôn". Đại tá Lê Văn Chương, Phó Cục trưởng Tham mưu Cảnh sát (Bộ Công an) khẳng định, muốn phòng, chống hiệu quả không thể thiếu hợp tác quốc tế nên cần tiếp tục ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với các nước có đông phụ nữ Việt Nam kết hôn với NNN; đẩy mạnh phối hợp với các nước trong trao đổi thông tin, bắt giữ, chuyển giao tội phạm MBN, giải cứu và hồi hương nạn nhân, bảo hộ, giúp đỡ cô dâu Việt Nam kết hôn tại nước sở tại...

Cùng với trấn áp mạnh mẽ, áp dụng phương châm "phòng ngừa là chính" sẽ góp phần lành mạnh hóa quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật làm thay đổi nhận thức, chuyển biến hành vi, từng bước xóa bỏ trào lưu vọng ngoại vì mục đích không đúng đắn của một bộ phận phụ nữ và gia đình họ, thông qua những câu chuyện "người thật, việc thật" của chính các nạn nhân... từ đó thấy được nguy cơ, rủi ro, chủ động phòng ngừa đồng thời tư vấn, trang bị kiến thức cho các cô dâu Việt để nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới ở xứ người. Căn nguyên cơ bản và sâu xa đối với không ít nạn nhân là muốn thoát cảnh đói nghèo, do vậy cần đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, hướng nghiệp, dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các đối tượng có nguy cơ cao.

Ngăn chặn môi giới hôn nhân bất hợp pháp

Trong bối cảnh hội nhập, phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài là thực tế xã hội và được pháp luật công nhận, bảo vệ. Tuy nhiên, mặt trái là nhiều cô gái vì nhẹ dạ cả tin, muốn lấy chồng ngoại mong đổi đời phần lớn thông qua môi giới bất hợp pháp nên bị tội phạm mua bán người lợi dụng lừa phỉnh, gánh chịu nhiều khổ cực, tủi nhục. Loạt bài Ngăn chặn môi giới hôn nhân bất hợp pháp cảnh báo thực trạng có chiều hướng gia tăng và kiến nghị giải pháp nhằm loại bỏ kết hôn không lành mạnh.