Hãy trân trọng sự an toàn và sinh mạng!

Liên tiếp hai vụ lái xe ô-tô gây tai nạn nghiêm trọng do sử dụng rượu, bia xảy ra tại Hà Nội khiến người tham gia giao thông hoang mang, lo sợ mỗi khi ra đường.

Hàng nghìn người đã đi bộ quanh Hồ Gươm để kêu gọi “Đã uống rượu bia - Không lái xe”. Ảnh | Hoàng Nam
Hàng nghìn người đã đi bộ quanh Hồ Gươm để kêu gọi “Đã uống rượu bia - Không lái xe”. Ảnh | Hoàng Nam

Nạn nhân của các vụ tai nạn nói trên đều tử vong tại chỗ dấy lên sự bức xúc trong toàn xã hội đối với những người đã uống rượu, bia còn điều khiển phương tiện trong tình trạng say xỉn, không tỉnh táo, dễ mất kiểm soát. Nhiều thông điệp kêu gọi không lái xe khi đã uống rượu, bia đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Trong đó, hội cựu học sinh Hà Nội khóa 1991-1994 với hơn 11.000 thành viên - bạn bè của hai nạn nhân vụ tai nạn ở hầm chui Kim Liên là Đinh Thị Hải Yến và Trần Thị Quỳnh - đã tổ chức nhiều chương trình như thay ảnh đại diện, dán đề can biểu ngữ tuyên truyền lên ô-tô, xe máy... Đặc biệt là cuộc đi bộ tập thể tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) thu hút hàng nghìn người tham dự với nhiều hoạt động ý nghĩa kêu gọi sự chú ý và thức tỉnh ý thức “không lái xe khi đã uống rượu bia” của người tham gia giao thông.

Tại cuộc họp của Chính phủ sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) quý I vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị phải xử lý hình sự với các lái xe uống rượu, bia, sử dụng ma túy gây tai nạn và cần sửa luật theo hướng phạt nặng kết hợp với lao động công ích, tịch thu phương tiện và tước bằng lái xe với các phương tiện sở hữu chính chủ.

Dư luận xã hội lên án gay gắt về hành vi lái xe vi phạm nồng độ cồn gây tai nạn giao thông (TNGT). Thậm chí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh, mất ATGT hiện đang là vấn đề “nóng nhất”, cần có biện pháp xử lý quyết liệt. Theo đó, trong khi chưa kịp sửa các luật liên quan, Quốc hội nên lựa chọn các quy định ra Nghị quyết đối với lái xe sử dụng ma túy, có nồng độ cồn quá ngưỡng để có thể áp dụng ngay.

Mới đây, ông Phan Bá Mạnh (Hà Nội), cũng là một tài xế, đã gửi tâm thư đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các bộ, ngành liên quan đề nghị cần nhanh chóng có biện pháp mạnh đối với tài xế say xỉn. Chính bản thân ông không ít lần lái xe trong tình trạng không kiểm soát được vì say rượu, rồi thấy mình may mắn hơn hàng chục, thậm chí hàng trăm bác tài khác đã không thể quay về với gia đình. Ông cảm thấy ghê sợ những tài xế đã uống bia, rượu say vẫn cầm lái phăng phăng trên phố và tự nhủ đã uống rượu, bia sẽ không lái xe để tránh gây nguy hiểm cho người khác.

Theo Bộ Y tế, nghiên cứu trên 100 người tử vong do TNGT có liên quan đến rượu, bia được thực hiện trong hai năm tại Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho thấy, 82% số bệnh nhân TNGT có nồng độ cồn trong máu trên 50mg/100ml. Đưa dẫn chứng cảnh báo tại lễ sơ kết hoạt động “Uống có trách nhiệm và ATGT” chiều 9-5, TS Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia chia sẻ, từ kết quả của cuộc khảo sát những người say rượu đi xe máy gây TNGT cho thấy, có tới 42% số người được hỏi cho rằng uống xong thấy tỉnh táo và tự tin hơn khi lái xe.

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông đã cương quyết xử lý các vi phạm giao thông liên quan đến rượu, bia. Năm 2018, lực lượng chức năng xử lý hơn 91.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; riêng bốn tháng đầu năm 2019, xử lý gần 50.000 trường hợp. Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thông thường hai năm sửa đổi một lần, cho thấy Bộ Giao thông vận tải rất quyết liệt trong việc đẩy mạnh tham mưu chính sách để phù hợp với thực tiễn. Tới đây, trong quá trình xem xét sửa đổi Nghị định 46, với nhóm hành vi có nguy cơ cao để xảy ra TNGT thông sẽ xem xét tăng nặng mức xử phạt.

Sau cuộc nhậu, không biết điều gì sẽ có thể xảy ra. Vì vậy, đừng ép nhau uống và đừng bao giờ cầm lái khi đã uống rượu, bia, bởi khi đó “con ma men” luôn trực chờ gây ra những hậu quả khó lường...