GS Hà Văn Tấn, nhà khảo cổ học - bác học của Việt Nam và sự nghiệp khoa học đồ sộ

Đó không phải là nhận xét của người viết bài này, mà là nhận xét của một trong “tứ trụ” sử học Việt Nam nửa cuối thế kỷ 20 và ngót phần tư của thế kỷ 21 - GS sử học Trần Quốc Vượng. Mà đúng ra, đó cũng không phải là nhận xét của GS Trần Quốc Vượng mà GS Trần Quốc Vượng dẫn lại lời của GS,VS P.I.Boricovski của Viện Hàn lâm Khoa học Xô Viết năm 1976, thầy của hai ông khi ông đọc một công trình của GS Hà Văn Tấn viết về một văn hóa cổ (Văn hóa Hòa Bình) trong thời tiền sử Việt Nam và Đông-Nam Á. Khi đó GS Hà Văn Tấn tròn 39 tuổi.

GS Hà Văn Tấn, nhà khảo cổ học - bác học của Việt Nam và sự nghiệp khoa học đồ sộ

Nhưng tài năng của GS Hà Văn Tấn còn bộc lộ từ rất sớm. Năm 21 tuổi, ông đã nổi tiếng khi chú dẫn Dư địa chí của nhà văn hóa anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi (thế kỷ 15) được viết bởi cụ Phan Huy Tiếp dịch và công bố năm 1960. Phần dịch chính văn của công trình chỉ có 38 trang, nhưng phần chú dẫn của GS Hà Văn Tấn dài 115 trang với việc tham khảo 16 bộ sách cổ Việt Nam, 30 bộ sách cổ Trung Quốc đều bằng nguyên bản chữ Hán mà lúc đó mới chỉ có bộ Việt sử thông giám cương mục đang dịch chưa xong, còn tất cả đều chưa được dịch như bây giờ. Hai dẫn chứng trên đây quá đủ để suy nghĩ về sức làm việc, sức học, độ thông tuệ mẫn tiệp của GS Hà Văn Tấn với tinh thần tự học là chính, mặc dù trước khi chú dẫn Dư địa chí GS đã học khoa Lịch sử (Đại học Sư phạm Hà Nội) và tốt nghiệp năm 1957.

Ông cho biết ông tự học theo tấm gương lớn của thầy ông là GS Đào Duy Anh. Phương pháp luận của ông về tự học là muốn hiểu biết thì phải tự học. Mà muốn tự học thì phải đọc sách, muốn đọc được sách thì phải nắm được ngôn ngữ, gồm cả ngôn ngữ tiếng Việt và ngôn ngữ nước ngoài. Vì vậy, tốt nghiệp đại học và đã đi làm rồi, ông tiếp tục nghiên cứu tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh mà ông đã từng học ở nhà khi còn nhỏ. Sau đó ông học thêm tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Nhật và tiếng Ấn Độ cổ (SansKrit).

Vốn ngôn ngữ phong phú đó được ông vận dụng vào công tác nghiên cứu, giảng dạy cực kỳ hiệu quả và đã để lại một thành tựu nghiên cứu đồ sộ trên dưới 300 công trình nghiên cứu, hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp ngành sử và 25 nghiên cứu sinh tiến sĩ bao hàm nhiều lĩnh vực thuộc khoa học xã hội nhân văn Việt Nam như Khảo cổ học Việt Nam, Lịch sử cổ trung đại Việt Nam, Cổ nhân học, Văn bản học, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Lịch sử ngôn ngữ Việt Nam, Văn hóa học Việt Nam... mà lĩnh vực nào cũng có những đóng góp mới cụ thể. Tuy nhiên tiêu biểu và bao trùm lên là các đóng góp cho sử học Việt Nam bởi ông trước hết là nhà sử học chuyên nghiên cứu lịch sử cổ trung đại Việt Nam. Từ lịch sử cổ trung đại ông chuyển sang chuyên tâm về khảo cổ học Việt Nam như một cách tiếp cận mới trong việc nghiên cứu sử học từ sử liệu vật thật mở ra cho ông chân trời tư liệu mới bao la, để những tài năng như ông thỏa sức nghiên cứu khám phá, tung hoành, phủ nhận, dự báo, minh chứng rồi lại dự báo...

Ông và GS Trần Quốc Vượng là những người khai mở bộ môn Khảo cổ học Việt Nam, nghiên cứu và xác định có một thời đại đá cũ của Việt Nam như phát hiện và nghiên cứu di tích Núi Đọ, phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Sơn Vi từ khoảng 60 vạn năm cách ngày nay. GS Tấn cũng đã nghiên cứu lại các phát hiện cũ, tìm tòi các phát hiện mới, đề xuất thay đổi các nhận thức cũ của các học giả phương Tây để từ đó làm hiểu sâu sắc hơn, đúng hơn về giá trị của nền văn hóa cổ lớn nhất Đông-Nam Á: Văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn. Vào thời kỳ kim khí sớm, GS say sưa các phát hiện về văn hóa Phùng Nguyên mà ông xem đây là sự bắt đầu của nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Ông phát hiện và nêu ý kiến về các bước đi của văn hóa Phùng Nguyên, nêu các bước đi của phổ hệ văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn là phả hệ văn hóa phát triển liên tục từ thời tiền sử sang thời sơ sử góp phần nhìn nhận rõ nét hơn thời dựng và giữ nước đầu tiên của dân tộc. Đây cũng là nền tảng cơ bản của nhận thức lịch sử Việt Nam thời cổ đại. Đối với các thời kỳ lịch sử, GS cùng với GS Trần Quốc Vượng viết Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam tập I in năm 1960. Từ tiếp cận khảo cổ học, GS nghiên cứu nhiều hiện vật đặc sắc của các thời kỳ lịch sử chuông đồng Thanh Mai, chuông đồng thời Ngô Quyền, các cột kinh Phật thời Đinh, bệ tượng của sư Trì Bát thời Lý, các chuông và bia mới phát hiện thời Trần, tổng hợp nhiều nguồn tư liệu của Việt Nam và thế giới để viết về ba lần kháng chiến chống Nguyên Mông của vương triều Trần, lịch sử Phật giáo Việt Nam thời Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần... Cuốn sách lịch sử cuối cùng của GS Hà Văn Tấn cho công bố là cuốn Sự sinh thành Việt Nam viết từ năm 1990 bằng tiếng Anh trên báo Vietnamweekly của Thông tấn xã Việt Nam (in toàn bộ năm 2017) được đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước rất ưa thích vì cách trình bày logic, súc tích, hấp dẫn và dễ hiểu từ lúc khởi đầu cho đến lúc thành lập vương triều Nguyễn...

Đóng góp to lớn của GS Hà Văn Tấn cho sử học Việt Nam được Nhà nước ghi nhận bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông là người sớm nhất trong “tứ trụ” Lâm, Lê, Tấn, Vượng (tức các Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng) nhận phần thưởng cao quý này từ năm 2000. Viện Khảo cổ học do GS làm Viện trưởng là đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ Đổi mới năm 2004, được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba.

Sự ra đi của GS là một mất mát không thể gì bù đắp nổi cho nền Sử học Việt Nam. Tấm gương lao động sáng ngời của người thầy lớn, một nhà bác học lớn của sử học Việt Nam với tinh thần làm việc nghiêm túc, tinh thần cầu thị, thẳng thắn và tầm ảnh hưởng lớn lao mãi mãi nuôi dưỡng và kích thích mạnh mẽ tinh thần ham mê tìm tòi, nghiên cứu đối với nhiều thế hệ học trò và giới nghiên cứu Khảo cổ học, Sử học Việt Nam.



TỐNG TRUNG TÍN
Chủ tịch Hội Khảo cổ học Nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học