Chuyện cơ sở

Giảm ai, ai giảm?

Giảm biên chế! Đó là câu chuyện nóng bỏng trong lúc này. Mà muốn giảm biên chế thì phải sắp xếp tổ chức, tinh gọn, tinh giản đầu mối. Thế là dùi đụng đến đục, đục đụng đến gỗ. Gỗ ta bèn lên tiếng, tôi là gỗ nhóm một, nếu là đầu thừa đuôi thẹo, nếu mối mọt phải là chỗ nọ, chỗ kia. Khó nhất là chỗ đấy, cán bộ nào trong bộ máy cũng nghĩ mình phải là người... giảm sau cùng.

Cần tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
Cần tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Ở một thành phố nọ khi rà soát số nhân viên ở một nhà khách, Thành ủy thấy toàn con cháu, họ hàng các vị chức sắc. Muốn bớt một nhân viên hành chính cũng nâng lên đặt xuống mãi không xong. Ông giám đốc nhà khách than phiền: "Đụng đến cô này là đụng vào tổ kiến lửa, chưa biết chừng cô ấy chưa nghỉ thì tôi đã mất việc!".

Đã có những địa phương đi đầu trong việc hợp nhất các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể. Chuyển động mạnh hơn cả là tỉnh Quảng Ninh, Bộ Công an. Ở vùng Đất Mỏ, cơ quan thanh tra sáp nhập kiểm tra, nội vụ sáp nhập tổ chức. Rồi đến ba văn phòng cấp ủy-HĐND-UBND chỉ còn một... Lúc đầu nhiều tâm tư lắm, nhưng rồi một thời gian thì thấy "êm" dần. Công việc vẫn chạy, hiệu quả có phần tốt hơn. Riêng cái việc tiết kiệm thì rõ như ban ngày. Tiết kiệm nhân lực, trụ sở, tiền lương, xe cộ... là điều ai cũng thấy. Ngân sách đỡ phải chi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Ông bạn tôi làm lãnh đạo ở một cơ quan nghiên cứu khoa học than phiền: "Việt Nam chúng ta có tới 2,2 triệu công chức trên 95 triệu dân. Còn nước Mỹ cũng chỉ có 2,2 triệu công chức trên 310 triệu dân. Vậy tại sao mình lại không giảm được? Bộ máy của ta phình to, biên chế tăng vùn vụt, năng suất lao động thấp mà cứ đòi tăng lương thì lương ấy lấy ở đâu?".

Nhưng một cán bộ khác thì lưỡng lự: Lâu nay ở không ít nơi người ta nhân danh làm việc "tập thể" nhưng chả khác nào một nhóm người cùng xúm vào đẩy cái ô-tô chết máy. Có người chỗ nào cũng mó tay vào, "dô ta" to nhất, nhưng kỳ thực anh ta chả mất tý mồ hôi nào. Người ta gọi những anh dựa dẫm bằng cái tên "đẩy ô-tô". Nói giảm biên chế, đúng quá! Vấn đề là giảm ai, ai dũng cảm loại bỏ những vị "đẩy ô-tô" ra khỏi bộ máy? Ở chỗ chúng tôi định sáp nhập ba cái phòng thành một. Chưa sáp nhập đã thấy đơn kiện như bươm bướm. Rồi cả ba ông trưởng phòng cùng tìm cách "chạy" vì không muốn "tuột" cái chức trưởng. Mấy anh quy hoạch phó thì tìm mọi cách vận động giữ nguyên hiện trạng, để còn có cơ hy vọng. Cấp ủy họp bàn phương án thu gọn bộ máy mấy phiên không xong. Vì thế cái vụ chuẩn bị sáp nhập ấy kéo dài cả năm nay rồi vẫn chưa thực hiện được".

Vì sao không ít vị đứng đầu cứ thích đông quân, nhiều tướng? Nhiều lý do lắm. Có khi nó bắt đầu từ tâm lý thích "oai" (!). Nhiều đầu mối trực thuộc, trụ sở tòa ngang dãy dọc, xe công đỗ chật sân, cơ quan đại diện mọc lên khắp nơi. Sau cái oai nghiêm vô bổ là đến cái thực dụng. Nhiều đầu mối, đông quân sẽ kéo theo chuyện lợi ích nhóm, quyền lực, bè cánh, phiếu bầu, thậm chí là quà cáp biếu xén. Ở một hội nghị cấp huyện toàn quốc, ông chủ tịch một quận thu ngân sách cả năm gần 17 nghìn tỷ đồng đi đứng, nói năng thật "oai vệ". Trong khi đó chủ tịch một huyện ở vùng cao, nơi thu ngân sách mỗi năm chỉ được... 1,7 tỷ đồng thì đi nhẹ, nói khẽ, có ý kiến gì cũng phải rào đầu khóa đuôi cẩn thận.

Khó khăn trong việc tinh giản biên chế là cái khó kinh niên, đụng vào đâu cũng thấy "đặc thù". Nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Con tàu sắp xếp tổ chức đã vào cuộc hành trình. Hãy bớt hô khẩu hiệu! Quan trọng nhất là biện pháp cụ thể, là sự gương mẫu của người đứng đầu, của đội ngũ cán bộ chủ chốt. Những năm qua đã có những cán bộ tự nguyện xin thôi không tham gia cấp ủy, xin về hưu sớm một đến hai năm để tạo điều kiện sắp xếp tổ chức, nhân sự. Một hành động như thế nặng ký hơn rất nhiều những triết lý suông.