Giải quyết triệt để, không thể chần chừ

Đã có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội đô và quy hoạch phục vụ di dời ở các thành phố. Tuy nhiên, việc di dời cần nguồn lực rất lớn và còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc đòi hỏi bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp (DN) rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước như ý kiến chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo địa phương.

Khu đô thị Royal City được xây dựng trên khu đất của Nhà máy Công cụ số 1 sau khi di dời. Ảnh: THANH GIANG
Khu đô thị Royal City được xây dựng trên khu đất của Nhà máy Công cụ số 1 sau khi di dời. Ảnh: THANH GIANG

Định hướng đúng, sớm tháo gỡ rào cản

KTS Đào Ngọc Nghiêm

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam:

Giải quyết triệt để, không thể chần chừ ảnh 1

So với di dời trụ sở các bộ, ngành, trường đại học, cơ sở y tế, việc di dời CSSXCN có đặc trưng riêng và cần thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, tồn tại mới đưa ra được giải pháp khắc phục. Chủ trương rà soát, di dời các CSSXCN ra khỏi nội đô Hà Nội xuất hiện từ quy hoạch năm 1992 và gần 30 năm qua đã có nhiều văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành và UBND thành phố Hà Nội nhưng thực tế triển khai còn chậm trễ. Một phần vì hạn chế trong phân công trách nhiệm, cơ quan chức năng chưa chỉ đạo ráo riết và triển khai những giải pháp quyết liệt, thiếu đôn đốc giám sát xử lý thường xuyên. Công tác quản lý có mặt còn tồn tại, giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp (KCN) còn khó khăn, có cụm công nghiệp (CCN) bị “biến chất”, sử dụng không đạt được hiệu quả như mục tiêu đề ra ban đầu. Sự chậm trễ, thậm chí chây ỳ di dời còn từ nhận thức của chính các CSSXCN. Trước đây tôi từng giới thiệu sáu ha đất ở Vĩnh Tuy cho một công ty để di dời thuận tiện, nhưng mãi sau này cũng chỉ di dời trụ sở để xây dựng được hai trường học.

Hà Nội hiện có năm đô thị vệ tinh, chín KCN, 70 CCN đang hoạt động. Khi các CSSXCN di dời sang các KCN, CCN sẽ góp phần phát huy tiềm năng phát triển công nghiệp (giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng năm 2018 tăng 8,23%).

Ông Nguyễn Đình Chuyến Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng:

Giải quyết triệt để, không thể chần chừ ảnh 2

Để mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành đô thị loại một, thành phố cảng văn minh, hiện đại, thì việc khắc phục tình trạng ô nhiễm càng trở nên quan trọng và muốn giải quyết triệt để buộc phải di dời một số CSSXCN lớn khỏi nội đô (điển hình một số cơ sở đã di dời như các công ty: Xi-măng Hải Phòng; cổ phần Bia Hà Nội - Hải Phòng, Giấy Hải Phòng). Khu vực đô thị sạch sẽ, bớt ô nhiễm hơn, các DN có cơ hội “đoạn tuyệt” với thiết bị, công nghệ lạc hậu, tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh, đầu tư bài bản với thiết bị, công nghệ mới, quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường theo quy định mới...

Tuy nhiên, việc di dời các CSSXCN đến một địa điểm mới, xa trung tâm không dễ đối với các DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì hàng chục năm giữa nội thành. Bên cạnh cơ sở vật chất cùng các tiện ích như điện, nước, giao thông... có sẵn, còn có hàng chục nghìn người lao động ở gần CSSXCN, khi thay đổi không tránh khỏi cuộc sống của nhiều gia đình công nhân bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội:

Định hướng chung đối với hệ thống công nghiệp trên địa bàn thành phố là hình thành các KCN cao, khu cụm công nghệ khoảng tám nghìn ha: phía bắc bao gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm, Từ Liêm; phía nam thuộc Thường Tín, Phú Xuyên; phía tây là Hòa Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn... Đối với các khu, cụm điểm công nghiệp nhỏ lẻ hiện hữu không phù hợp quy hoạch thì di dời và đổi mới công nghệ, bố trí vào các KCN tập trung phía bắc và phía nam của Hà Nội mở rộng hoặc các tỉnh lân cận theo loại hình ngành nghề phù hợp.

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương rà soát, đối chiếu Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chung xây dựng huyện với các địa điểm công nghiệp di dời, khu - CCN theo danh mục cụ thể, đề xuất nguyên tắc phân nhóm tiêu chí, thứ tự di dời; dự kiến đề xuất lộ trình di dời các cơ sở công nghiệp theo bốn giai đoạn: giai đoạn một gồm bốn quận nội thành: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng; giai đoạn hai: các cơ sở vừa gây ô nhiễm môi trường vừa không phù hợp quy hoạch; giai đoạn ba: các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và giai đoạn bốn là các cơ sở còn lại. Trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các CSSXCN hiện có đã được rà soát, tính toán cân đối hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, đề xuất chức năng sử dụng đất phù hợp (giữ lại hoặc di dời, chuyển đổi sang đất dân dụng...). Việc di dời cần nguồn lực rất lớn và còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Huy động nguồn lực cùng cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý

KTS Đào Ngọc Nghiêm:

Điểm mấu chốt là phải có những giải pháp đồng bộ với tầm nhìn tổng thể, bao quát trong đó chú trọng mối quan hệ vùng, quy hoạch vùng. Chúng ta đã phân loại chung cư theo các hạng, trong đó hạng nguy hiểm bắt buộc phải di dời, nếu chây ỳ thậm chí bị cưỡng bức thì tương tự cần phân loại các CSSXCN để xây dựng kế hoạch cụ thể, ưu tiên di dời cơ sở nào trước, cơ sở nào sau, cơ sở nào bắt buộc hay cần khuyến khích, vận động. Với cải tạo chung cư cũ, chúng ta công bố công khai rộng rãi, kêu gọi đầu tư và đã có nhà đầu tư được chấp nhận thì các CSSXCN cũng phải công bố rõ sau di dời, đất, nhà ở còn lại để làm gì, từ đó Nhà nước mới cân đối được nguồn lực, có chính sách hỗ trợ phù hợp và người dân nắm bắt được thông tin để có điều kiện giám sát. Tuyệt đối không để tình trạng công bố quy hoạch thiếu minh bạch, lập lờ, không rộng rãi, không đúng đối tượng phải điều tiết. Phải chuẩn bị chu đáo cả địa điểm các CSSXCN chuyển đến. Bên cạnh xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sản xuất cũng cần chú trọng các thiết chế văn hóa như nhà ở cho người lao động, trường học, nhà văn hóa...

Muốn di dời hiệu quả không thể thiếu nguồn lực và cần hài hòa lợi ích. Khi quyền lợi của các CSSXCN được bảo đảm thì triển khai di dời nhanh chóng, thuận lợi. Hà Nội từng có bước đột phá khi di dời thành công một số CSSXCN và xây dựng Vincom Bà Triệu, khách sạn Melia, Royal City, Time City... tạo diện mạo mới cho đô thị, chất lượng cuộc sống được nâng lên. Tuy nhiên, không cứng nhắc áp dụng bảo đảm lợi ích tại chỗ cho các nhà đầu tư mà phải tính toán toàn cục trên địa bàn thành phố (trả quyền lợi cho nhà đầu tư không trên đất nhà máy cũ thì tìm địa điểm khác thích hợp, thậm chí có thể thương thảo với các tỉnh lân cận để bố trí đất). Đây cũng là hướng mở để tránh tình trạng nhà máy chuyển đi, “đất vàng” biến ngay thành chung cư cao tầng, gây áp lực cho đô thị.

Ngoài ra cần có cơ chế đặc thù, nếu CSSXCN di dời không cần ngân sách trợ giúp thì hỗ trợ về vốn. Các CSSXCN thuê đất Nhà nước dài hạn, chưa đến hạn phải trả nên không có quyền thu hồi, đòi hỏi phải có sự đồng bộ về thể chế mới giải quyết được. Do đó cần nghiên cứu sửa Luật Đất đai liên quan đến lĩnh vực này. Cần phân rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và TP Hà Nội trong phối hợp di dời để tránh chồng chéo hay phó mặc cho địa phương.

Ông Nguyễn Đình Chuyến

Trong định hướng phát triển không gian đô thị, TP Hải Phòng chủ trương hạn chế phát triển các hoạt động sản xuất bao gồm khu nội thành cũ được giới hạn trong phạm vi vành đai một và một phần trung tâm quận Kiến An. Các nhà máy xí nghiệp, kho tàng tại khu vực này sẽ từng bước được di dời để dành đất xây dựng dịch vụ công cộng và bổ sung cây xanh. Đất phần cảng ven sông Cấm sau khi di dời một số nhà máy khu vực dọc ven sông sẽ dành cho phát triển khu chức năng đô thị, ưu tiên công trình dịch vụ công cộng, cây xanh, văn phòng, thương mại...

Bên cạnh tăng cường tuyên truyền, chỉ đạo, thành phố động viên, tạo điều kiện và hỗ trợ DN ứng dụng đổi mới công nghệ, di dời, xây dựng cơ sở tại nơi mới với yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn bảo đảm môi trường. Đồng thời tạo điều kiện về mặt bằng cho một số CSSXCN, tuy không thuộc đối tượng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhưng nằm trong nội đô được di dời đến cơ sở mới. Trong thời gian tới, tiếp tục rà soát các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các cơ sở ô nhiễm mới phát sinh để kịp thời có kế hoạch xử lý. Trong đó, ưu tiên tạo thuận lợi hỗ trợ DN di dời như: bố trí mặt bằng để di dời, áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách về thuế, thủ tục hành chính... Kiên quyết thực hiện danh mục các dự án khuyến khích đầu tư và không khuyến khích đầu tư, chủ yếu do có ảnh hưởng đến môi trường; lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có tên tuổi và uy tín, có thương hiệu, mạnh về tiềm lực kinh tế để tham gia đầu tư vào các khu vực được quy hoạch phát triển không gian đô thị bảo đảm xanh, sạch, đẹp, hiện đại.

Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh:

Các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan sớm hoàn chỉnh các quy hoạch ngành, danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng chỉ đạo tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23-1-2015. Bố trí nguồn lực phục vụ di dời; ban hành cơ chế tài chính khuyến khích khai thác quỹ đất sau di dời có hiệu quả; cơ chế khuyến khích được DN tích cực chuyển đổi ngành nghề, chuyển mục đích đất phù hợp với quy hoạch hoặc tự nguyện di dời (trong đó bao gồm cả chính sách hỗ trợ người lao động). Ban hành chế tài, quy định bắt buộc việc bàn giao lại quỹ đất sau khi di dời ra ngoài khu vực nội thành để thành phố ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị.