Ðể phạt nguội không nguội

Phạt nguội thể hiện trình độ văn minh giao thông rất cao bởi phát hiện, xác định chính xác đối tượng vi phạm; giảm bớt sự có mặt thường xuyên của lực lượng CSGT trên đường, hạn chế thấp nhất tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ. Qua đó, ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông của người tham gia giao thông được nâng cao, góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, tỷ lệ phạt nguội còn thấp, đối tượng tập trung xử lý chủ yếu vẫn chỉ là xe ô-tô.

Thông qua hệ thống camera giám sát Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội phát hiện, phạt nguội nhiều trường hợp vi phạm giao thông. ẢNH | TRẦN HẢI
Thông qua hệ thống camera giám sát Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội phát hiện, phạt nguội nhiều trường hợp vi phạm giao thông. ẢNH | TRẦN HẢI

Chủ trương đúng, phù hợp

Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, truy tìm và xử lý đối tượng VPHC trong lĩnh vực Giao thông đường bộ đã được nhiều nước thực hiện. Từ năm 2008, Cục CSGT đã tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT trên tuyến quốc lộ 1A Pháp Vân - Cầu Giẽ. Đến nay, hệ thống giám sát giao thông đã được triển khai tại nhiều thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Rạch Giá (Kiên Giang), Biên Hòa (Đồng Nai) và trên một số tuyến cao tốc.

Thông qua hệ thống giám sát, các hành vi vi phạm TTATGT được tự động phát hiện, ghi nhận, dữ liệu vi phạm được truyền tải về Trung tâm chỉ huy để sàng lọc, phân tích; đồng thời thông báo đến các tổ công tác làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát ngoài hiện trường biết, dừng phương tiện kiểm soát, xử lý theo đúng quy định. Với các trường hợp chưa dừng được phương tiện, dữ liệu được biên tập báo cáo cấp có thẩm quyền tổ chức xác minh, gửi thông báo vi phạm đến chủ phương tiện để đến cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm giải quyết gọi là “phạt nguội”.

Tuy nhiên, tỷ lệ phạt nguội còn thấp. Tuyến QL1 qua Quảng Bình, từ 16-5-2017 đến 15-5-2019, lực lượng CSGT xử phạt 6.802 trường hợp, tước GPLX 497 trường hợp, xử phạt nguội 6.132 trường hợp, tước GPLX 294 trường hợp vi phạm Luật Giao thông. Năm 2018, lực lượng CSGT Hà Nội xử lý 309.207 trường hợp vi phạm, trong đó phạt nguội 3.227 trường hợp. Trung tá Nguyễn Minh Thúy, Đội phó đội chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông, Phòng CSGT Hà Nội cho biết việc thông báo, yêu cầu người vi phạm đến xử lý phạt nguội gặp khó khăn vì tình trạng xe mua bán không sang tên, chuyển chủ nhiều, chủ phương tiện thay đổi địa chỉ không báo lại CSGT, trốn tránh không đến chấp hành quyết định xử phạt.

Hành lang pháp lý để xử lý phạt nguội cũng chưa đầy đủ: chưa có hướng dẫn về trình tự, thủ tục xử lý đối với các trường hợp phát hiện các phương tiện vi phạm nhưng không dừng ngay được phương tiện, nhiều quy định còn chung chung. Việc đóng phạt chủ yếu dựa trên tinh thần tự giác của chủ phương tiện, không có chế tài xử lý chủ phương tiện cố tình trốn tránh không đến thực hiện thông báo vi phạm, không thừa nhận là người điều khiển phương tiện vi phạm, không biết người điều khiển là ai. Một số quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính về chuyển quyết định xử phạt, xử phạt qua tài khoản... còn chưa đầy đủ, rõ ràng cũng là rào cản. Bên cạnh đó, hệ thống giám sát hiện tại chỉ tập trung ở những khu vực trọng điểm nội đô và các tuyến quốc lộ, chưa rộng khắp. Đề cập kinh nghiệm ở các nước chỉ cần gõ mã số là xác định ngay được thông tin về phương tiện, vị trí vi phạm, địa chỉ người điều khiển phương tiện..., TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia chỉ rõ thêm căn nguyên do cơ quan chức năng chưa xây dựng được hệ dữ liệu thông tin quản lý phương tiện của người lái theo một địa chỉ cụ thể nên chưa tạo được các nền tảng hỗ trợ cho phạt nguội.

Huy động người dân giám sát

Tình trạng phổ biến là không ít người tham gia giao thông chỉ chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ khi nhìn thấy cảnh sát giao thông hoặc quan sát có ca-mê-ra giám sát. Việc Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh thí điểm tổ chức tiếp nhận hình ảnh, clip người dân ghi hình các phương tiện có dấu hiệu vi phạm Luật Giao thông đường bộ để làm cơ sở phạt nguội từ ngày 1-8 được kỳ vọng sẽ nâng cao ý thức người tham gia giao thông (có thể bị xử phạt bất cứ lúc nào nếu vi phạm), hạn chế được vi phạm, góp phần bảo đảm trật tự ATGT. Theo đó, người dân ghi hình các phương tiện vi phạm (cần rõ ràng, liên tục, không cắt ghép, thể hiện rõ thời gian, địa điểm, biển số xe vi phạm) trực tiếp mang tới trụ sở Phòng CSGT, đơn vị bố trí cán bộ tiếp nhận bằng biên bản, sau đó xác minh tính xác thực, nếu chính xác sẽ mời người vi phạm lên làm việc, ra quyết định xử phạt hành chính. Sở dĩ có yêu cầu này bởi trụ sở phòng được trang bị máy móc lưu trữ, cùng dữ liệu để tra cứu, xác minh thông tin về chủ phương tiện; và nắm rõ được nhân thân người cung cấp, hạn chế thắc mắc, khiếu kiện còn nếu tiếp nhận qua email, mạng xã hội, khi có phát sinh tình huống, nếu người cung cấp đóng trang cá nhân, từ chối, né tránh việc làm chứng thì lực lượng chức năng không đủ yếu tố xác minh, xử lý, chưa kể trường hợp cắt ghép hình ảnh tố cáo ảnh hưởng uy tín, danh dự người khác.

Nhiều người dân phản hồi cách thức tiếp nhận thủ công, rườm rà nói trên khó khả thi (hiện có rất ít người tới cung cấp) bởi họ không có nhiều thời gian gửi trực tiếp. Trong thời đại công nghệ thông tin, cách tốt nhất là cơ quan chức năng tiếp nhận qua email, facebook, trang fanpage, yêu cầu người cung cấp clip gửi kèm bản chụp CMND, căn cước công dân, địa chỉ, số điện thoại, mô tả nội dung thông tin trong clip để tiện liên hệ trao đổi khi cần thêm thông tin xác minh và thông báo kết quả xử lý. Theo luật sư Lê Ngọc Hà, pháp luật không cấm người dân ghi hình vi phạm luật giao thông và người cung cấp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin, nếu tố cáo sai thì bị xử lý tương ứng với hành vi, tố cáo đúng nên được khen thưởng xứng đáng.

Gần hai tháng nay, cổng Thông tin điện tử Công an TP Hà Nội và trang fanpage nhận được thông tin, hình ảnh về vi phạm giao thông mà người dân quay, chụp, rồi chuyển về Phòng CSGT Hà Nội kiểm tra, xác minh, xử lý. Đây cũng là một kênh giám sát hiệu quả, nhất là trong thời đại 4.0, nhiều người dân sử dụng điện thoại thông minh; CSGT không thể thường xuyên có mặt trên khắp các tuyến đường. Thực tế, nhiều video clip người dân quay, camera nhà dân, camera hành trình ghi hình đưa lên mạng xã hội đã hỗ trợ CSGT xác minh, xử lý thuận lợi vi phạm giao thông và giải quyết hiệu quả tai nạn giao thông.

TS Trần Hữu Minh nhấn mạnh, để bảo đảm quyền lợi cho người vi phạm, do thiết bị của người dân quay chụp chưa được cơ quan chức năng kiểm định, chưa bảo đảm đầy đủ các yếu tố pháp lý chứng minh hành vi vi phạm, nên cơ quan chức năng chỉ sử dụng là một nguồn thông tin tham khảo, bắt buộc phải kiểm tra độ tin cậy, xác minh thận trọng, kỹ lưỡng mới tiến hành xử phạt. Bên cạnh đó cần phát huy vai trò giám sát của cơ quan truyền thông, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Thanh tra nhân dân đồng thời cần quy định rõ cách thức lưu trữ, sàng lọc và thời gian xử lý, phản hồi thông tin, bố trí nhân lực tiếp nhận, tránh tình trạng chậm xử lý khi có quá nhiều clip gửi tới.

Tháo gỡ vướng mắc

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Công an đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong giám sát, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT; Khẩn trương và quyết liệt chuyển hẳn sang phương pháp “xử lý nguội” để thay thế phương pháp tuần tra, xử lý trực tiếp... Phạt nguội là chủ trương văn minh, nhưng nếu thực hiện không đến nơi đến chốn dễ tạo hoài nghi trong dư luận. Vì vậy cần sớm sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phạt nguội để kịp thời khắc phục những lỗ hổng, bất cập. Cần có chế tài mạnh với các quy định cụ thể bắt buộc người vi phạm đến nộp phạt như về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, mức phạt lũy tiến và phương tiện vi phạm không được đăng kiểm; quy định chặt chẽ về trách nhiệm ràng buộc giữa chủ sở hữu và người sử dụng phương tiện; khuyến khích chủ phương tiện làm thủ tục sang tên, đổi chủ. Nghiên cứu luật hóa quy định lực lượng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng hình ảnh ghi nhận về hành vi vi phạm hành chính về giao thông do tổ chức, cá nhân cung cấp để làm cơ sở xử phạt; phương thức thông báo quyết định xử phạt lỗi vi phạm qua trang web, tin nhắn, facebook...

Một biện pháp quan trọng không thể thiếu là tăng cường tuyên truyền cho người dân ủng hộ chủ trương phạt nguội và chấp hành nộp phạt nếu vi phạm, tính toán những đợt cao điểm xử lý kết hợp tuyên truyền ở những tuyến đường trọng điểm để nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Về giải pháp căn cơ lâu dài, cần triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý thông tin của người lái theo địa chỉ, về xử lý vi phạm hành chính để xử lý phạt nguội thuận lợi hơn.