An toàn - Giao thông

Đường sắt đã quá lạc hậu!

Việt Nam từng là một trong không nhiều nước sớm có hệ thống đường sắt hiện đại. Tuy nhiên, hệ thống giao thông đường sắt của chúng ta ngày càng tụt hậu so với thế giới và đến nay thì thật sự rất lạc hậu.

 Trên trục đường sắt bắc - nam, vẫn còn rất nhiều đoạn hành lang an toàn bị lấn chiếm. Ảnh: Khánh An
Trên trục đường sắt bắc - nam, vẫn còn rất nhiều đoạn hành lang an toàn bị lấn chiếm. Ảnh: Khánh An

Được xây dựng từ năm 1881, song, đến nay đường sắt Việt Nam vẫn không có km cao tốc hay đường đôi nào. Từ khi mới hình thành, đường sắt được coi là loại hình vận tải "vàng", được người dân ưu tiên lựa chọn vì độ an toàn cao do được chạy một mình một đường. Nhưng theo như nhiều người đánh giá, đường sắt Việt Nam không có nhiều thay đổi so với thế kỷ trước cả về hạ tầng lẫn chất lượng dịch vụ, dẫn đến vận tải đường sắt chỉ chiếm thị phần rất nhỏ trong toàn ngành giao thông.

Khách quan mà nói, những năm gần đây, đường sắt Việt Nam cũng đã có nhiều giải pháp, đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như cải thiện tốc độ chạy tàu, đưa vào sử dụng nhiều toa tàu hiện đại, trang thiết bị đạt tiêu chuẩn năm sao cùng suất ăn theo tiêu chuẩn hàng không phục vụ miễn phí trên tàu. Cùng với đó là việc cải tạo các nhà ga theo hướng hiện đại, thuận tiện cho hành khách. Những giải pháp đó rõ ràng giúp ngành đường sắt thu hút thêm nhiều hành khách, tăng lợi nhuận, thị phần. Nhưng song hành với đó, việc bảo đảm an toàn khi vận hành đoàn tàu có được nâng lên hay không?

Theo số liệu từ Cục Đường sắt Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, mạng lưới đường sắt có 5.719 vị trí giao cắt với đường bộ, trong đó đường ngang hợp pháp là 1.519 vị trí; lối đi tự mở là 4.200 vị trí (chiếm tới 73,5%). Tốc độ chạy tàu nâng lên trong khi số lượng giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt nhiều, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) của người tham gia giao thông còn thấp, hình thức phòng vệ bằng biển báo không còn phù hợp, luôn tiềm ẩn nguy cơ cao về mất ATGT. Chỉ 15 km đường sắt bắc - nam từ ga Hà Nội đến địa phận huyện Thanh Trì đã có hơn 270 đường ngang dân sinh, bình quân cứ 400 m đường sắt thì có một đường ngang. Đáng lo ngại là nhiều đường ngang chưa có gác chắn, biển cảnh báo, nếu có gác chắn thì nhiều chỗ vẫn phải làm thủ công, hoặc có biển cảnh báo thì rất nhỏ, khuất tầm nhìn. Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), có tới 95% số vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại các đường ngang. Chỉ trong mấy ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, tuyến đường sắt bắc - nam đã liên tiếp xảy ra sáu vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan tới đường ngang, trong đó có cả sự thiếu trách nhiệm của một vài cán bộ trong ngành.

Để khắc phục tình trạng này, trong giai đoạn 2018-2020, ngành đường sắt đặt mục tiêu xây dựng 150 km hàng rào cách ly, đường gom để đóng khoảng 2.000 lối đi tự mở. Tuy vậy hằng năm, ngành đường sắt được bố trí kinh phí rất ít nên hầu hết các dự án công trình ATGT chưa được triển khai, thực hiện hoặc triển khai thực hiện chưa bảo đảm yêu cầu.

Tại buổi tọa đàm với các chuyên gia kinh tế, nhằm phân tích những yếu kém, kiến nghị giải pháp cho ngành đường sắt sau những vụ tai nạn tàu hỏa vừa qua, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, địa phương có trách nhiệm lớn đối với an nguy của giao thông nói chung và đường sắt nói riêng, nhưng, giữa địa phương và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang có khoảng trống trong quản lý đường sắt. Lãnh đạo ngành cũng như lãnh đạo Bộ GTVT đã nhận rõ những hạn chế, yếu kém trong việc quản lý. Vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương có đường sắt đi qua cần vào cuộc đồng bộ, quyết liệt để nâng cao chất lượng cũng như bảo đảm ATGT cho tuyến đường sắt quốc gia.

Đừng bỏ rơi đường sắt, nếu không, đường sắt Việt Nam dễ trở nên hiện đại nhất so với những quốc gia không có đường sắt!