Đừng coi rẻ tính mạng

Quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) đối với người đi xe mô-tô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường đã có từ năm 2007. Tỷ lệ người tham gia giao thông đội MBH tăng lên hằng năm. Tuy nhiên, không ít vụ tai nạn giao thông (TNGT) dẫn đến thương vong chỉ vì người tham gia giao thông sử dụng MBH không đạt tiêu chuẩn về chất lượng. Những loại mũ này vẫn đang bày bán tràn lan và được các “thượng đế” khá ưa chuộng bởi tính thời trang, giá thành rẻ.

Mũ bảo hiểm không đạt chuẩn vẫn bày bán tràn lan từ nhiều năm nay tại phố Chùa Bộc (Hà Nội). Ảnh: MẠNH TRƯỜNG
Mũ bảo hiểm không đạt chuẩn vẫn bày bán tràn lan từ nhiều năm nay tại phố Chùa Bộc (Hà Nội). Ảnh: MẠNH TRƯỜNG

Hiện nay, trên nhiều tuyến đường ở Hà Nội như Khâm Thiên, Chùa Bộc, đường Láng, Trường Chinh..., và ở TP Hồ Chí Minh như Điện Biên Phủ, Pasteur, Đinh Bộ Lĩnh, 3/2...  tràn ngập những MBH có bề ngoài rất thời trang nhưng giá chỉ khoảng 25 - 50 nghìn/chiếc. Nhiều người vẫn chọn sử dụng loại mũ này không chỉ bởi giá rẻ, mà còn vì nó nhẹ, thoáng và... không ai thèm lấy. Khi được hỏi lý do mua MBH giá rẻ, anh Quân ở Tây Hồ (Hà Nội) chán nản: “Cực chẳng đã tôi mới phải chọn loại mũ này vì mua mũ đạt chuẩn thường xuyên bị mất. Tôi mất ba cái rồi, toàn loại cả triệu đồng một chiếc”.

Một bộ phận khác, nhất là giới trẻ, sử dụng loại mũ này để “đối phó” lực lượng chức năng chứ chưa thật sự ý thức việc đội MBH là để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của chính mình. Bằng chứng cho thấy, nhiều vụ TNGT đã cướp đi sinh mạng của nhiều người hoặc còn sống nhưng để lại thương tật suốt đời vì sử dụng MBH “rởm”. Theo kết quả một số nghiên cứu cho thấy, MBH có thể giúp giảm tới 69% nguy cơ chấn thương đầu do TNGT và giảm tới 42% nguy cơ tử vong do chấn thương sọ não.

Mặc dù Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật về mặt hàng này từ năm 2008, nhưng trên thực tế nhiều MBH đang lưu hành cơ bản không đáp ứng đúng quy chuẩn, thường được sản xuất từ nhựa tái chế, mầu sắc bắt mắt, kiểu dáng thời trang nhưng chất lượng kém. Thậm chí có nhiều loại mũ chỉ có phần vỏ nhựa, bên trong không có lớp xốp hấp thụ xung động, hoặc nếu có thì rất mỏng, không có khả năng bảo vệ. Thực tế cho thấy, khi xảy ra va chạm, TNGT, rất nhiều trường hợp nạn nhân bị chấn thương sọ não do không đội MBH hoặc có đội MBH nhưng không bảo đảm chất lượng, thậm chí có trường hợp bị chính những mảnh vỡ của MBH đâm vào cơ thể gây thương tích.

Chính phủ từng ban hành Nghị định 171/2013/NĐ-CP phạt hành chính đối với người tham gia giao thông đội MBH không đạt chuẩn. Nhưng Nghị định này đã sớm bị bãi bỏ do không đủ cơ sở và không nhận được sự đồng tình của người dân. Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ hiện hành cũng như dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) chỉ yêu cầu người điều khiển, người ngồi trên xe mô-tô, xe gắn máy, xe đạp máy, phải đội đúng loại MBH dành cho người đi mô-tô, xe máy và phải cài quai đúng quy cách. Và Nghị định 100/2019 cũng chỉ quy định xử phạt khi người tham gia giao thông không đội, hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách, chứ không có điều khoản nào quy định xử phạt đối với người đội MBH không đạt chuẩn. Như vậy, đến nay vẫn chưa có một quy định pháp luật chính thức nào để lực lượng chức năng có cơ sở xử phạt hành vi đội MBH kém chất lượng khi tham gia giao thông mà chỉ dừng lại ở các chiến dịch tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn người dân sử dụng MBH đạt chuẩn để bảo đảm an toàn.

Để xử lý tận gốc vấn đề này nhằm giảm thiểu chấn thương vì dùng MBH kém chất lượng khi xảy ra TNGT, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiên quyết “xóa sổ” các cơ sở sản xuất loại mũ này đồng thời phải xử phạt thật nặng các điểm bán MBH giả, kém chất lượng. Siết chặt chất lượng MBH, siết chặt đội MBH, suy cho cùng là siết chặt ý thức. Đội MBH lên đầu là để bảo vệ mạng sống của chính mình chứ không phải để đối phó với cảnh sát giao thông.