Đồng bằng sông Cửu Long trước thực trạng biển lấn

Gần đây, theo báo cáo nghiên cứu của tổ chức Climate Central công bố trên tạp chí Nature Communications, có chi tiết ít nhiều “gây sốc”: Trong vòng 30 năm tới, dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao sẽ nhấn chìm nhiều thành phố trên thế giới. Một phần lớn miền nam Việt Nam sẽ có nguy cơ ngập dưới đỉnh triều dự kiến vào năm 2050 và có thể bị lũ lụt thường xuyên nếu không có hệ thống bảo vệ ven biển. Tuy còn có những tranh cãi về kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhưng đây là một thông điệp có ý nghĩa. Chính quyền các địa phương cùng với người dân và sự đồng hành của cả nước cần chủ động nắm bắt để thích nghi với điều kiện sống đang ngày càng thay đổi...

Cà Mau đắp kè chống xói lở do biển xâm lấn.
Cà Mau đắp kè chống xói lở do biển xâm lấn.

Thiên nhiên trái tính trái nết

Theo quan sát của người dân khu vực ĐBSCL, những năm gần đây, các đợt nắng nóng, mưa lớn trên diện rộng, dông mạnh kèm theo lốc xoáy, sét... xảy ra bất thường khắp các tỉnh ngày càng nhiều. Cùng với đó là hiện tượng triều cường gây nên tình trạng ngập lụt, sạt lở bờ sông... Thời tiết giờ đây đang diễn ra trái quy luật, thất thường và hầu như không lường được theo kinh nghiệm truyền thống. Nắng lắm, mưa nhiều, nắng gắt hơn, mưa lớn hơn, nước mặn cũng ngày càng xâm nhập sâu hơn, bão lũ xuất hiện nhiều hơn và kéo dài hơn. Đặc biệt, tình trạng sạt lở bờ biển là thách thức mà các tỉnh ven biển đã và đang phải đối mặt...

Ông Lê Hồng Phong, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho rằng, hiện tượng biến đổi khí hậu đang thể hiện rõ rệt, đặc biệt ở vùng ĐBSCL. Cùng với thiên tai xảy ra với cường độ ngày càng cao, công tác dự báo ngày càng trở nên khó khăn hơn...

Trong các tháng mùa khô, nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL bị nước biển xâm nhập sâu làm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Có tình trạng khan hiếm nước ngọt phục vụ sinh hoạt. Tần suất xuất hiện bão dày hơn, cường độ mạnh hơn ở ĐBSCL, vùng đất vốn được coi là có thời tiết ôn hòa, dễ chịu. Tình trạng xâm nhập mặn vào nội đồng ngày càng sâu hơn tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Long An, Tiền Giang. Nước biển dâng còn làm cho diện tích canh tác lúa bị thu hẹp, kéo theo đó là những hệ lụy khi làm mất cân bằng hệ sinh thái động, thực vật.

Nhận định của cơ quan chức năng cho thấy, mùa mưa năm 2019 tại khu vực ĐBSCL bắt đầu muộn hơn nhưng lại kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm. GS, TS Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, Trường đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng, tình trạng ngập vào năm 2050 mà tổ chức Climate Central đưa ra vẫn chỉ là những dự báo, cho nên có thể có những sai số. Đó là điều hết sức bình thường. Tôi cho rằng lo lắng là đúng vì nhiều khía cạnh của cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Khi nước biển dâng, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải... đều phải thay đổi. Việt Nam chúng ta thậm chí có thể mất đi vựa lúa lớn nhất cả nước là ĐBSCL.

Đồng bằng sông Cửu Long trước thực trạng biển lấn ảnh 1

Bạc Liêu đang áp dụng mô hình giống lúa mới thích ứng với biến đổi khí hậu trồng xen canh với nuôi tôm càng xanh.

Thuận theo trời mà sống

Nghị quyết số 120/NQ-CP về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu hay còn gọi là nghị quyết “thuận thiên” sau khi ban hành được đánh giá là tạo nên những chuyển biến tích cực và mạnh mẽ ở các cấp, ngành, địa phương. Thật ra, người dân vùng sông nước ĐBSCL không xa lạ gì với khái niệm biến đổi khí hậu cũng như diễn biến bất thường của thiên nhiên. Nhận được những cảnh báo từ chuyên gia môi trường cũng như nhà chức trách từ lâu, họ hiểu rằng cần thích nghi với tự nhiên để sống. Ngàn đời nay cha ông khai phá những vùng đất hoang hóa, đầy lau sậy, đất nhiễm phèn... để trồng lúa, trồng khóm, quanh năm mải miết làm ăn mà vẫn nghèo. Cuộc sống hiện đại hơn, công tác khuyến nông làm tốt, đường sá đi lại tốt hơn, hệ thống tưới tiêu, phân bón được cải thiện, khoa học kỹ thuật được ứng dụng nhiều trong nông nghiệp, người dân yên tâm làm ăn, đời sống ngày càng được nâng cao.

Trở lại Hồng Dân (Bạc Liêu) lần này, mọi thứ thay đổi đến mức khó nhận ra. Ông Đặng Văn Nhỏ, ở xã Vĩnh Hào A nhiều năm được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất giỏi của tỉnh cho biết: Trước đây, đất nhiễm phèn bà con nông dân xử lý kém, cho nên lúa trồng lên bụi sống bụi chết. Giờ đây, nhờ có cán bộ khuyến nông về hướng dẫn tư vấn cụ thể, đầy đủ cho nên người dân chúng tôi làm ăn tự tin hơn, mưa thuận gió hòa thì được mùa, bất lợi thì cũng không đến nỗi mất trắng. Hiện nay cũng có nhiều giống lúa chịu ngập, chịu mặn tốt hơn. Ngoài trồng lúa, thấy bà con xã bên nuôi tôm sú, tôm thẻ xen kẽ ruộng lúa hiệu quả, chúng tôi cũng học hỏi làm theo... Mô hình này hiện nay cũng đang mở ra hướng làm giàu cho người dân địa phương. Nhiều người hỏi ông bí quyết làm giàu, ông cười: khoa học công nghệ tiến bộ rất nhiều, bà con chỉ cần chăm chỉ chịu khó, tạo và giữ được chữ tín, chọn đúng, trúng cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai khí hậu, với sự hậu thuẫn của khoa học kỹ thuật để làm ăn theo hướng nông nghiệp sạch, an toàn và chất lượng cao thì sẽ thành công.

ĐBSCL được coi là vựa lúa của cả nước. Trường đại học Cần Thơ với đội ngũ nhà khoa học tâm huyết và chuyên môn sâu đã đề xuất đưa vào ứng dụng những giống lúa mới chịu nước, chịu mặn tốt; nhiều giải pháp công nghệ phát huy được lợi thế vùng đã ứng dụng vào các ngành nghề như nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản... nhằm hướng đến sự phát triển bền vững. Trong nhiều năm qua, nỗ lực đưa ra giải pháp tối ưu nhất để tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu luôn cấp bách. Đó là sự chuyển biến trong nhận thức của cả một hệ thống. Tùy đặc thù từng địa phương để ưu tiên đầu tư phát triển vào lĩnh vực nào. Dù muốn hay không, ĐBSCL vẫn phải tính cách sống chung với tình trạng nước biển dâng. GS, TS Lê Huy Bá cho rằng, mọi thói quen sinh hoạt, tập tục sản xuất canh tác đều phải thay đổi theo để thích ứng với điều kiện. Thí dụ như, nhà cửa ở những vùng ngập lụt nước biển dâng chúng ta không thể làm theo phương thức cũ được. Phải tính toán đến việc phòng chống gió lốc, bão lũ, thậm chí, cần làm theo kỹ thuật nhà nổi và nâng cao trần nhà. Về đường sá đi lại, cần ưu tiên phát triển đường thủy. Ngoài ra, các nhà chuyên môn cũng tham khảo thêm kinh nghiệm của các quốc gia khác, như phương pháp gây bồi của Hà Lan chẳng hạn, để tìm lối đi phù hợp nhất cho địa phương mình.