PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái

Đối thoại với trăm năm

“Con kia”, giữa không gian lịch lãm của một salon nghệ thuật thời thượng, chợt riu ríu tiếng gọi giật giọng. Ngẩng lên, là nụ cười tươi rói của nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái kèm thêm cái chanh chao quen thuộc: “man rợ”. Cứ phải rổn rảng thế mới ra Minh Thái, nói lắm cười nhiều đáo để ít ai bì, năng lượng luôn ngút ngàn và sức làm việc thì đến những đầu xanh tuổi trẻ cũng chẳng sánh nổi hiệu quả lẫn cường độ. Người đàn bà đã đi qua nhiều, rất nhiều mùa giông bão đang mỗi khắc mỗi giờ tận hưởng cuộc sống, lúc nào cũng sục sôi sốt ruột, đau đáu cho nghệ thuật và văn hóa dân tộc...

Ký họa chân dung PGS,TS Nguyễn Thị Minh Thái của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.
Ký họa chân dung PGS,TS Nguyễn Thị Minh Thái của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.

Ngẩn ngơ tính đếm, sinh đầu năm 1951 ứng tuổi Canh Dần, không thể tưởng tượng nổi đúng xuân Tân Sửu này, PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái đã chẵn chục 70. Vẫn đi như ngựa vía thoắt cái Hà Nội đã lại TP Hồ Chí Minh, vừa làm khách mời chương trình Giai điệu tự hào ở trường quay VTV đã thấy ở hội đồng một buổi bảo vệ luận văn tốt nghiệp, đọc viết làm việc, gặp gỡ bạn bè giao tiếp giảng dạy thao thao nói..., đấy chính là thực phẩm chức năng hữu ích giúp chị bồi bổ sức khỏe. Vừa trải qua giai đoạn dài điều trị ung thư, hai lần lên bàn mổ cấp cứu, những ca đại phẫu mà bác sĩ cũng phải rùng mình: cái gì cắt được nạo vét được, cần nối cần vá đã xử lý xong. Chị chỉ nhớ mình như công tước Andrei trong trận Austerlit, nhìn lên bầu trời đêm dày đặc sao lúc nằm trên băng ca qua khoảng sân rộng vào phòng mổ hồi 1 giờ sáng, nghĩ thế là chết à. Rồi hôm sau tỉnh dậy, lại vỡ òa với khoảng bao la rộng lớn ùa vào và ứa nước mắt mừng vui: Sống rồi. 12 lần truyền hóa chất, 12 quả bom hóa chất nhỏ giọt vào người, suốt 48 tiếng đồng hồ chảy đến đâu biết đến đấy, mùa đông lùm xùm quần áo, đeo chai thuốc bên hông, Minh Thái tỉnh bơ đi dạy, đi “chém gió” trên truyền hình, ngồi giám khảo chấm liên hoan sân khấu, đến nỗi đồng nghiệp nhìn thấy phải sững sờ: “Ôi chị đi đâu đấy, chị phải nằm viện chứ?”, và tưng tửng trả lời như tuyên ngôn: “Chị đi dạy cao học, chị không làm việc thì mới phải nằm viện”... Là giảng viên văn hóa học, báo chí truyền thông, làm báo, làm nhà phê bình nghệ thuật, làm thơ, thi thoảng viết truyện ngắn, nhưng trước hết Nguyễn Thị Minh Thái là một gương mặt văn hóa, một trí thức quen mặt với công chúng cả nước không kém gì những nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng.

Tốt nghiệp Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1972, học rất giỏi, được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy nhưng Nguyễn Thị Minh Thái quyết định ra ngoài đời, dấn thân vào cuộc sống, ôm ấp khát vọng nghiên cứu văn học từ cái đời thường giản dị nhất. Về làm biên tập viên Nhà xuất bản Văn học, khởi đầu với công việc sửa morat, chính ở môi trường rèn nghề đấy, cô gái trẻ măng đầy nhiệt huyết được tiếp xúc với bản thảo thơ của các nhà thơ nổi tiếng đương thời. Tự tin, tràn trề hưng phấn, ở tuổi 23, Nguyễn Thị Minh Thái nắn nót hơn 5.000 chữ viết tay đều tăm tắp bài phê bình Đối thoại mới với Chế Lan Viên, gửi sang tạp chí Tác phẩm mới... Bài viết đầu đời lập tức gây ấn tượng, định danh Nguyễn Thị Minh Thái như một nhà phê bình có giọng điệu riêng. Những đẩy đưa của số phận khiến chị dạt sang và neo lại ở Tạp chí sân khấu vừa mới ra đời, và từ thời điểm ấy đã hình thành nên tên tuổi nữ ký giả kịch trường cá tính hàng đầu. Được tác nghiệp trong khoảng thời gian vàng của sân khấu, giai đoạn mà sân khấu đúng nghĩa thánh đường nghệ thuật, có sức lôi kéo khán giả và tạo nên những tác động xã hội sâu sắc, Nguyễn Thị Minh Thái có cơ hội làm bạn với những tài danh bậc nhất của nền nghệ thuật biểu diễn nước nhà một thời. Giữa giới sân khấu toàn những cá tính ngút ngàn, chị vẫn có chỗ đứng riêng như một cây bút vừa lăn xả vào hiện thực vừa lợi khẩu, vừa có tư duy lý thuyết. Một phần kết quả của mối duyên lành này là cuốn sách Sân khấu và tôi (NXB Sân khấu 1995) tập hợp bài viết trong những tháng năm làm ký giả kịch trường. Luôn có quan điểm riêng, góc nhìn riêng, và đủ cả lý luận lẫn thực tiễn lẫn sự đành hanh nhất định để bảo vệ cái riêng, Nguyễn Thị Minh Thái trong vị thế một nhà phê bình nghệ thuật, đã có những đóng góp đáng kể vào hành trình của sân khấu Việt Nam mấy chục năm qua...

Nhưng dẫu nặng lòng thì sân khấu cũng chỉ là một trong những “người tình chung” của PGS, TS, nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái. Trong xấp xỉ nửa thế kỷ theo nghiệp viết, một nghiệp mà tự chị đã nhận về mình ngay lúc còn non xanh, như cái chứng chỉ để đi xin việc, giới thiệu mình với nhà viết kịch Xuân Trình - người phụ trách Tạp chí Sân khấu: “tôi sinh ra để viết”, Nguyễn Thị Minh Thái còn để tâm đến văn học, các loại hình nghệ thuật khác và sau này, chị tập trung nghiên cứu văn hóa Việt. Phải lòng văn hóa Việt nên với bản tính không thỏa hiệp, không dễ dãi, chị rất dễ nổi xung khi đâu đó ai đó đã để đức vua và hoàng hậu mặc áo xanh đỏ trên sân khấu, khi những nghệ sĩ nào đó vì muốn lôi kéo khán giả mà cố tình dung tục hóa vai diễn của mình... Nâng niu từng tà áo dài, từng cái đèn dầu, cái nón lá, nếp yếm đào, rung rinh với từng vai diễn trút hồn mình của các nghệ sĩ, sẻ chia thấu hiểu cho từng nỗi khó khăn của những người theo đòi nghệ thuật hàn lâm giữa thời buổi thực dụng lên ngôi..., Nguyễn Thị Minh Thái một mình lặn lội “đánh đường tìm hoa”, vì yêu nên phải “đánh đường tìm hoa”..., gạn đục khơi trong tìm đến cái đẹp, nâng niu và tri ân những người tạo nên cái đẹp của cuộc sống.

Tuổi 70, chưa có dấu hiệu gì là mỏi mệt hay cần ngơi nghỉ, mối lo bệnh tật đã tạm gác sang bên, sức khỏe đã phần nào ổn thỏa, chị vẫn có thể say sưa nói chuyện điện thoại vài tiếng đồng hồ kể về một dự án đang tiến hành hay xuýt xoa cho cuốn sách hay, bộ phim hay, vở diễn hay nào đó vừa trình làng. Đùa đùa bảo “Minh Thái cả đời làm việc như điên, nói như điên, yêu lại cũng như điên nữa”, chị bật cười “ừ điên thật”... Nhiệt tình ào ạt, trút ra công việc, trút bớt sang thơ, một Nguyễn Thị Minh Thái sắc sảo bạo mồm bỗng đơn côi dịu dàng ở thơ, man mác u buồn trong những vần thơ trĩu nặng: “Tất cả những gì tôi định nói bên hồ ngày xưa, Lời cô bé tóc dài chấm gót, đã lăn như hòn sỏi xuống làn nước đen, không một ánh vang lay động, mảnh vỡ trăng ngột ngạt dạ hương...”. Người đàn bà viết, người đàn bà luôn tìm cách đối thoại với đời... thực ra lại trắc ẩn nhu mì và nhiệt thành đến xả thân, không toan tính: “Trong tả tơi cánh sen vụn, bứt ra từ tay người làm trà, đang tuyệt vọng lên hương, để được trà sen, chỉ cần dứt tung cánh hoa, lấy mỗi gạo sen, và cần thời gian ấp ủ, cánh tà khô, thấm đẫm hương sen... Phải chi thời gian của ta, chỉ tiêu dùng vào một việc, ướp thật đẫm nỗi buồn khô?...”.