Dành trọn tình yêu cho công việc

Giữa guồng quay sản xuất công nghiệp hối hả, kỷ cương ở Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), các nữ kỹ sư Công ty Lọc hóa dầu (LHD) Bình Sơn miệt mài tìm tòi sáng tạo, trút hết tâm huyết, đam mê với công việc khá nặng nhọc chẳng thua kém cánh nam giới. Mọi người vẫn trìu mến gọi họ là những “bông hồng thép”.

Chị Lê Thị Phương Trang.
Chị Lê Thị Phương Trang.

Người “bắt bệnh” mát tay

Hơn 10 năm tuổi nghề, chị Nguyễn Thị Thu Phượng- một kỹ sư gạo cội của Ban Quản lý Chất lượng, Công ty LHD Bình Sơn đang đảm nhận công việc mà ngay cả nam kỹ sư cũng toát mồ hôi: giám sát thiết bị phân tích phòng thí nghiệm. Công việc đòi hỏi chuyên môn cao, có lúc vừa phải chạy đua tiến độ vừa đáp ứng cả chất lượng, áp lực căng như dây đàn. Tuy nhiên khó khăn, thử thách không làm nản chí mà ngược lại tôi luyện cho người phụ nữ mảnh mai ý chí, bản lĩnh vững vàng và nhanh nhạy thích nghi. Trong cái khó ló cái khôn, nhiều ý tưởng, sáng kiến, giải pháp tối ưu lại “đâm chồi, nảy lộc”.

Quản lý công tác vận hành, kiểm tra, hiệu chuẩn, bảo dưỡng và sửa chữa với hơn 100 thiết bị nhóm phân tích dầu thô và sản phẩm đa dạng về cơ sở lý thuyết cũng như nguyên lý vận hành (chiếm đến 85% số lượng thiết bị đăng ký ISO/EIC 17025 của phòng Lab), phục vụ công tác xuất chứng thư chất lượng của các sản phẩm xăng, dầu DO, xăng JET-A1 đòi hỏi chị Phượng chuẩn bị sẵn sàng, chu đáo các khâu cùng các hồ sơ, giấy tờ liên quan. Rồi xây dựng đầu bài, đánh giá kỹ thuật của các thiết bị được mua sắm mới, chưa kể “ôm” gần 90% dụng cụ hiệu chuẩn của phòng Thí nghiệm như nhiệt kế, phù kế, áp kế, ẩm kế, đầu dò nhiệt độ… và theo dõi tình trạng kỹ thuật, hiệu chuẩn, đánh giá kết quả hiệu chuẩn, hư hỏng và mua sắm bổ sung. Công việc bộn bề, bận rộn và khá nặng nhọc nhưng chị luôn chu toàn.

Chị Thu Phượng bộc bạch: “Nghề chọn tôi, mà tôi lại thấy đam mê lạ kỳ và quyết theo đuổi đến cùng. Hạnh phúc nhất là những giây phút thăng hoa trong công việc, gặt hái thành công”. Đặc thù nghề lọc hóa dầu vô cùng khắt khe, vận hành theo các tiêu chuẩn quốc tế nên phải luôn chủ động làm chủ công nghệ trong mọi tình huống. Công việc trong phòng thí nghiệm đã nhiều sức ép, khi tham gia bảo dưỡng hệ thống phân tích TOPNIR ngoài công trường nhà máy vất vả hơn nhiều, đôi khi sức khỏe dẻo dai như đàn ông còn thấy ngại, huống chi phụ nữ. Nhất là vào thời kỳ thai sản, sau khi nghỉ sinh đi làm lại, nhiều lúc đau lưng, mắt mỏi mà phải làm những công việc cơ khí cần độ chính xác rất cao. Khéo léo, hài hòa cân bằng giữa công việc với gia đình, khó khăn ấy cũng dần được khắc phục.

Với người kỹ sư giám sát thiết bị, nhiệm vụ quan trọng nhất là “bắt bệnh” để biết được sức khỏe của thiết bị đó có đạt độ chính xác yêu cầu công việc hay không?. Sự cố kỹ thuật thì nhiều vô kể và lần nào chị cũng khuất phục được những cỗ máy tinh xảo kia. Khi chưa tìm ra lỗi của sự cố, thì những nghi vấn luôn luẩn quẩn trong đầu, khiến chị trăn trở đến quên ăn mất ngủ.

Với hệ thống thiết bị đã vận hành hơn 10 năm nên sự cố thường xuyên xảy ra. Chị Phượng vẫn thường nhận những cuộc gọi từ nhà máy lúc nửa đêm để xử lý hư hỏng đột xuất của thiết bị nhằm đáp ứng kịp thời cho quá trình xuất hàng. Một trong những “ca khó” mà chị từng phải đối mặt là hệ thống chưng cất khí quyển tự động theo ASTM D86 đã bị lỗi thời và ngưng sản xuất từ năm 2009 nên liên tục xảy ra nhiều sự cố từ lỗi cơ cấu hệ thống van Solenoid, bơm đến các lỗi của các bộ cảm ứng nhiệt độ, bộ đĩa chỉnh quá nhiệt (Triac) trong hệ gia nhiệt và làm lạnh. Thiết bị tiếp tục lỗi hệ thống Board mạch vận hành khiến chị luôn tất bật trong guồng quay kiểm tra rồi sửa chữa để có thể kéo dài thời gian hoạt động. Thử thách, khó khăn không làm chị chùn bước. Các sự cố xảy ra trên thiết bị phân tích như lỗi hệ thống cánh tay đòn của máy phân tích điểm chớp cháy theo phương pháp ASTM D56; lỗi hệ thống rửa dung môi (PPU) trên máy đo tỷ trọng ở nhiệt độ cao DM45; nghiên cứu sửa chữa các bộ làm lạnh Peltier, bơm trên các thiết bị đo tỷ trọng hiện số theo phương pháp ASTM D4052; tìm nguyên nhân và giải pháp khắc lỗi bộ sinh hơi trong hệ thống đo hàm lượng nhựa thực tế... đều được xử lý triệt để từ ý tưởng và đề xuất hướng khắc phục chuẩn xác, phù hợp. Năm 2017, chị Phượng được tôn vinh là một trong 21 người lao động tiêu biểu của công ty.

Khát khao cống hiến

Một điểm sáng của Công ty LHD Bình Sơn là “xuất khẩu” chất xám, điển hình cử nhiều cán bộ hỗ trợ tích cực cho Tổ hợp LHD Nghi Sơn từ giai đoạn thiết kế, nghiệm thu thiết kế, xây lắp, chuẩn bị chạy thử và sắp tới vận hành thương mại. Và trường hợp chị Lê Thị Phương Trang, Ban Quản lý chất lượng là một minh chứng sống động.

Cơ duyên bắt đầu qua nhiều buổi chị Trang tiếp xúc với cán bộ Công ty TNHH LHD Nghi Sơn khi đến làm việc nhằm trao đổi, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm vận hành nhà máy. Sự tự tin, chuyên môn cao, ngoại ngữ giỏi, kiến thức chuyên sâu, giàu kinh nghiệm thực tiễn của chị được lãnh đạo, cán bộ công ty LHD Nghi Sơn đánh giá cao. Ở người phụ nữ làm khoa học giản dị, trẻ trung này toát lên nghị lực, năng lượng dồi dào, giàu nhiệt huyết. Vốn ham học hỏi, khao khát chinh phục đam mê, chị Trang luôn đặt cho mình mục tiêu phấn đấu, chủ động tận dụng mọi cơ hội tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ, trau dồi chuyên môn, tìm tòi đào sâu vấn đề để có đáp án chính xác. Tâm huyết thôi chưa đủ, sự cẩn trọng không thể thiếu bởi chỉ một phút lơ là, chủ quan sự cố có thể xảy ra.

Dám nghĩ, dám làm, lại luôn mong muốn có cơ hội cọ xát, học hỏi, chị Trang quyết định nộp hồ sơ làm biệt phái giúp Công ty LHD Nghi Sơn. Hành trình một năm làm việc vô cùng bận rộn. Nhiệm vụ chính của chị là phân tích tài liệu EPC phần liên quan đến phòng Thí nghiệm; xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng các sản phẩm của nhà máy, đặc biệt là nhiên liệu phản lực Jet - A1; xây dựng hệ thống quy trình/hướng dẫn công việc theo ISO/IEC 17025; biên soạn tài liệu hướng dẫn phân tích và vận hành thiết bị cho các chỉ tiêu phân tích dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ; hỗ trợ các công tác liên quan đến tính pháp lý đối với cơ sở sản xuất kinh doanh xăng dầu và đào tạo nhân viên. Nhịp độ công việc luôn gấp gáp, thậm chí nhiều lúc phải căng mình nhưng với chị Trang, được làm công việc yêu thích là đam mê tột cùng và những giây phút đối mặt cam go, thử thách chính là thời điểm “lửa thử vàng” để thêm trưởng thành.

Tràn đầy sức trẻ và khát khao khám phá, cống hiến, chị Trang không quản ngại dấn thân, đương đầu với khó khăn, thử thách. “Thời đại công nghiệp 4.0, mình phải thường xuyên cập nhật kiến thức mới, trui rèn phong cách làm việc ngày càng chuyên nghiệp, nếu trì trệ ắt sẽ bị tụt hậu, hiệu quả công việc đương nhiên bị ảnh hưởng”, chị chia sẻ. Ngọn lửa đam mê và tình yêu nghề luôn hừng hực cháy và chị đã “truyền lửa” thành công trong những ngày tháng “đem chuông đi đánh xứ người”.

Dành trọn tình yêu cho công việc ảnh 1

Nhà máy lọc dầu Dung Quất.