Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan:

“Đại dịch Covid-19 đặt ra nhiều vấn đề mới cho chặng đường tới”

Đại dịch Covid-19 và những nhân tố bên ngoài sẽ tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam - một nền kinh tế đang có độ mở hàng đầu thế giới? Tình hình hiện tại đặt ra những vấn đề gì đối với bước đường sắp tới, đặc biệt có ý nghĩa khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp diễn ra? Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan (ảnh bên) đã dành cho Nhân Dân hằng tháng cuộc trao đổi chung quanh những vấn đề này. Ông nhận định:

“Đại dịch Covid-19 đặt ra nhiều vấn đề mới cho chặng đường tới”

Chúng ta đã thành công bước đầu trong chống dịch Covid-19, nhưng tình hình còn đang diễn biến rất phức tạp ở trong nước và trên thế giới. Bây giờ còn quá sớm để nói một cách chắc chắn về chiều hướng kinh tế hậu Covid-19, chưa biết lúc nào là "hậu" cả. Hơn nữa, Việt Nam có một nền kinh tế rất mở, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi GDP. Cho nên, nền kinh tế Việt Nam hồi phục như thế nào, tùy thuộc nhiều vào tình hình thế giới. Quá sớm để dự báo gì về kinh tế thế giới nhưng tôi dự cảm sự hồi phục sẽ khó khăn, chậm và sẽ kéo dài.

Bên cạnh đó, có một nhân tố ảnh hưởng tới kinh tế nước ta, đó là chủ nghĩa bảo hộ tăng lên, chuỗi phân phối bị đứt đoạn, cạnh tranh kinh tế gay gắt... Nhưng cũng từ nhận thức này, tôi nghĩ chúng ta có cơ hội để phục hồi kinh tế, vì dù sao đi nữa tới thời điểm này, việc chống dịch bệnh của Việt Nam tương đối thành công. Một lợi thế khác là thị trường nội địa của Việt Nam khá lớn, gần 100 triệu dân, trở thành bệ đỡ của sự phát triển kinh tế khi mà xuất nhập khẩu gặp khó khăn.

Mặt khác, uy tín quốc tế của nước ta ngày càng được nâng cao, Việt Nam được coi là bến đậu an toàn cho sự hợp tác, đầu tư. Điều này liên quan đến bức tranh cơ cấu chiến lược toàn cầu với sự dịch chuyển sang châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương của nền kinh tế thế giới. Đó là những yếu tố bên ngoài có lợi cho ta.

Ở bên trong, lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố qua nhiều hoạt động như chống tham nhũng, chống Covid-19, sự đoàn kết trong xã hội được bộc lộ mạnh mẽ hơn. Những nhân tố đó thúc đẩy nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh hơn một số nước khác, nhưng nhìn chung vẫn khó khăn. Vì kinh tế Việt Nam có tăng trưởng bao nhiêu thì vẫn tăng trong xuất phát điểm bị tụt xuống.

Nhìn dài hạn, với Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp diễn ra, sẽ định hình cho sự phát triển kinh tế 5 - 10 năm tới và tầm nhìn đến 2045. Chúng ta chuẩn bị Đại hội Đảng từ khi chưa có đại dịch Covid-19. Tình hình đại dịch Covid-19 hiện nay sẽ đặt ra nhiều vấn đề mới cho bước đường sắp tới. Tôi tin tưởng Đảng và Nhà nước đang có những suy nghĩ để định hình lại cách phát triển đất nước như thế nào.

Thưa ông, đại dịch Covid-19 tác động rất mạnh với đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam, lại đúng thời điểm sắp diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Theo ông, trước thực tế này, văn kiện Đại hội Đảng cần điều chỉnh như thế nào, cần cách tiếp cận nào để đưa đất nước thích ứng với trạng thái mới và phát triển?

Tôi nghĩ, đứng về mặt thuần túy kinh tế, chúng ta đang xây dựng và chuẩn bị thông qua các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung và dài hạn: 5 năm (2021 - 2025), 10 năm (2021 - 2030) với tầm nhìn 25 năm (tới năm 2045). Theo tôi, trong văn kiện Đại hội Đảng không nên "chốt cứng" các chỉ tiêu mà cần linh hoạt hơn, tùy theo diễn biến của tình hình để điều chỉnh. Bởi vì có rất nhiều nhân tố không thể dự báo được. Tôi nhận thấy tần suất khủng hoảng kinh tế tăng lên nhiều. Đây đang là thời điểm của "trạng thái bình thường mới" với nét đặc trưng là "những điều bất thường trở thành bình thường" (!). Cục diện oái ăm này không phải là mới. Nhớ lại khi xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (1991 - 2000) đâu có ngờ năm 1997 nổ ra khủng hoảng tài chính châu Á? Khi soạn thảo Chiến lược 2001 - 2010 có ai nghĩ tới cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008? Khi làm kế hoạch 10 năm (2011- 2020) không ai hình dung nổi đại dịch toàn cầu sẽ bùng phát vào năm chót. Cho nên chỉ tiêu tăng trưởng GDP bình quân hằng năm của các Chiến lược 10 năm không đạt mức mong muốn. Ðiều gì sẽ đón đợi trong 5, 10 năm hay 25 năm tới là rất khó đoán định. Thực tế ấy, đòi hỏi mọi quốc gia phải tính toán các phương án trung và dài hạn hết sức cơ động, linh hoạt.

Bên cạnh đó, nền kinh tế chúng ta quá mở, tùy thuộc vào kinh tế thế giới trong khi bên ngoài lại đang xáo động, nếu không thay đổi chính sách theo hướng nhấn mạnh hơn thị trường nội địa thì sự phát triển kinh tế sẽ thiếu vững chắc. Vì thế, cần cân bằng lại "gien nội" và "gien ngoại", làm sao "gien nội" trội hơn "gien ngoại" trong cơ cấu kinh tế.

Tôi nhận thấy, chúng ta có nhiều chủ trương đúng, nhưng khâu tổ chức thực hiện còn yếu. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện. Đại hội Đảng lần thứ XIII sắp tới tôi chờ đợi nhiều vào sự đột phá trong hành động hơn là sự đột phá về chính sách.

Chúng ta có văn hóa phong trào, có những cuộc "ra quân" ào đi, mọi thứ lại đâu vào đấy. Năm ngoái là phong trào khởi nghiệp, đi đâu cũng nghe nói về Startup nhưng giờ lại thấy vắng lặng. Điều quan trọng là hô hào về phong trào khởi nghiệp nhiều nhưng thiếu vắng những chính sách đi kèm để có nền kinh tế khởi nghiệp.

Trong cách tiếp cận của văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, tôi nghĩ cần thấy sâu hơn những thách thức sẽ nảy sinh trong những năm tới. Đó là kỷ nguyên dân số vàng sắp qua, nguy cơ già hóa dân số cận kề, đòi hỏi chất lượng lao động ngày càng cao trong khi tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp. Biến đổi khí hậu ngày càng dữ dội mà chúng ta đang cảm nhận được rất rõ rệt. Tính bất trắc tăng lên rất nhiều.

Thưa ông, trong bài viết mới đây trên Tạp chí Cộng sản, ông cho rằng, Đại hội Đảng sắp tới cần chỉ ra những việc trọng yếu đã nêu song chưa làm tốt và nhất là những nhiệm vụ mới do cuộc sống đặt ra. Đối với khâu đổi mới thể chế, nên chăng không bó hẹp trong lĩnh vực kinh tế. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Nói về thể chế đất nước, tôi thấy có rất nhiều đổi mới, nhưng sự vận hành vẫn thể hiện những lúng túng. Về thể chế vĩ mô, chưa có văn bản nào để cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương bao trùm "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" - một chủ trương thường xuyên được bàn thảo từ suốt Đại hội VII (năm 1991) tới nay song vẫn chưa có nhận thức thống nhất. Chúng ta vẫn hay nói: người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm. Nhưng thực tế phía cơ quan hành pháp không làm được việc này. Chưa có một trường hợp chủ tịch tỉnh nào bị kỷ luật về điều hành, mà chỉ bị kỷ luật vì tham nhũng hay mắc khuyết điểm về Đảng.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm phiền hà cho dân là một chủ trương đúng và có tác dụng nhất định nhưng đi thật sâu vào cơ sở chúng ta sẽ hiểu câu chuyện này mới ở tầng trên, còn tầng dưới trực tiếp với dân thì còn vướng mắc nhiều. Thể chế trong kinh doanh cũng đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn, thậm chí triệt tiêu lẫn nhau. Ngày nay, mọi thành phần kinh tế đều được khuyến khích làm ăn, trong nhiều trường hợp, các thành phần hợp tác với nhau tạo nên kinh tế "hỗn hợp". Do đó, sự "cởi trói" "bung ra" không còn là động lực mạnh mẽ như trước, vì thế phải chăng việc tạo dựng "sân chơi" bình đẳng, tự do làm ăn trong mọi lĩnh vực luật pháp không cấm mới là điều doanh nghiệp mong muốn?

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19 khiến ngày càng nhiều công ty muốn chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Có nhiều nhận định cho rằng, sắp có làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

Tôi cho rằng có làn sóng dịch chuyển đó nhưng không nên quá lạc quan. Việc dịch chuyển sản xuất không đơn giản trong quan hệ quốc tế và không đơn giản với nước ta. Làn sóng dịch chuyển sẽ diễn ra một cách chậm chạp, ngắt quãng bởi vì thị trường Trung Quốc quá lớn, tính phụ thuộc lẫn nhau rất cao. Mặt khác, không chỉ một mình Việt Nam mà tất cả các nước đều muốn đón làn sóng này. Ấn Độ có cả một chính sách rất quy mô, thậm chí dành cả nghìn hecta để đón đầu tư nước ngoài. Nếu chúng ta không có những yếu tố vượt trội hơn thì làn sóng đó không đến. Cho đến nay tôi chưa thấy một tín hiệu gì về chính sách để tạo nên sự vượt trội đó trong thu hút làn sóng đầu tư nước ngoài.

Covid-19 trong góc nhìn của ông - một người già đang nghỉ hưu và một chính khách từng nhiều năm làm công tác đối ngoại?

Tôi về hưu là dân thường thôi. Tôi thường đi loanh quanh các khu phố gần nhà và nhận thấy nhiều cửa hàng đóng cửa, nhiều người thất nghiệp không kế sinh nhai, không còn ruộng đất để trở về cấy cày. Có rất nhiều người như thế bị đại dịch Covid-19 đẩy ra đường, sự tái nghèo đang diễn ra, tiềm ẩn những bất ổn. Những vấn đề xã hội này chúng ta chưa tính được hết nhưng rất đáng quan tâm.

Có thể còn quá sớm để nói, nhưng tôi cảm giác thế giới đang bước sang một trang mới chứ không phải cục diện mới, trạng thái mới. Đây là một sự chuyển mình mang tính thời đại. Cách sống, cách giao tiếp, cách học, cách làm việc đều thay đổi, cơ cấu lao động, cơ cấu sản xuất thay đổi, phương pháp quản lý thay đổi, an ninh quốc phòng thay đổi. Phải chăng đó là một thời đại mới?

Xin trân trọng cảm ơn ông!