Công nghệ mới để vượt trùng khơi

Đóng góp vào sự phát triển của kinh tế biển, nhất là khai thác và bảo quản hải sản, có vai trò to lớn của các nhà khoa học trong nước. Thời gian qua, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu, làm chủ nhiều công nghệ phục vụ hoạt động đánh bắt, bảo quản hải sản cho ngư dân.

Vận hành thử nghiệm hệ thống định vị giám sát và quản lý tàu cá tại Chi cục Thủy sản Hải Phòng.
Vận hành thử nghiệm hệ thống định vị giám sát và quản lý tàu cá tại Chi cục Thủy sản Hải Phòng.

Đưa công nghệ mới ra đảo

Nghe tin có đoàn công tác gồm các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam ra đảo Bạch Long Vĩ khảo sát nhu cầu, định hướng xây dựng nhà máy sản xuất đá lạnh, cán bộ, người dân trên đảo thật sự vui mừng. Theo lời anh Trần Văn Hiên, Liên Đội trưởng Liên đội TNXP Bạch Long Vĩ, trên hòn đảo tiền tiêu này, giờ đây không thiếu thứ gì, chỉ thiếu đá lạnh để phục vụ nhu cầu bảo quản hải sản cho hàng trăm tàu cá đang đánh bắt hải sản trên ngư trường Vịnh Bắc Bộ. Trong những năm gần đây, nhu cầu đá lạnh ngày càng cao vì số lượng tàu đánh bắt tăng, những chuyến ra khơi dài ngày hơn nhưng đá lạnh vẫn phải chở từ đất liền ra đảo, làm tăng chi phí và nhất là bị động trong khâu bảo quản, nhiều trường hợp thiếu đá làm hỏng hải sản. Nhưng nếu sản xuất bằng nước ngọt và điện trên đảo thì giá thành đá lạnh còn cao hơn so với chuyển từ đất liền ra.

Công nghệ mới để vượt trùng khơi ảnh 1

Ngư dân bảo quản cá sau đánh bắt.

Sản phẩm khoa học mang ra đảo lần này là công nghệ mới, có tính khả thi cao: máy làm đá tuyết, đá vẩy từ nước biển. Lần đầu tiên, Việt Nam nghiên cứu, làm chủ công nghệ chế tạo buồng tạo đá tuyết, công trình đã đăng ký bằng độc quyền sáng chế và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản. Thạc sĩ Lê Văn Luân, chủ nhiệm đề tài cho biết, sở dĩ làm đá tuyết là để ngư dân không phải sử dụng đá cây xay như hiện nay; không phải chở đá từ đất liền; sản xuất đá theo sản lượng đánh bắt; bảo đảm chất lượng; tốc độ thấm lạnh vào hải sản nhanh hơn và sản phẩm hải sản không bị trầy xước. Lấy nước biển làm đá vừa không ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên nước ngọt, vừa giữ môi trường khi sống của hải sản nên độ tươi ngon tốt hơn so với đá làm từ nước ngọt. Thiết bị gồm hệ thống các mô-đun lắp đặt trên tàu cá để mỗi tàu chủ động sản xuất đá tuyết, nhưng thạc sĩ Lê Văn Luân tính, bước đầu cần trình diễn công nghệ này bằng kế hoạch xây nhà máy sản xuất đá đặt trên đảo, để quảng bá công nghệ. Khi người dân nhận thấy hiệu quả kinh tế, sẽ dần chuyển sang lắp đặt thiết bị riêng trên tàu.

Một khó khăn đoàn phải tính toán tiếp, đó là phương án sử dụng nguồn năng lượng điện gió vì máy phát điện trên đảo chỉ vừa đủ cho nhu cầu sinh hoạt. Phó Chủ tịch thường trực UBND Bạch Long Vĩ Đào Trọng Tuệ quả quyết, để có được nhà máy đá lạnh trên đảo, UBND huyện đang tạo mọi điều kiện và kiến nghị Điện lực Hải Phòng sớm lắp cột tua-bin gió kết hợp năng lượng mặt trời, bảo đảm đủ điện cho nhà máy đá vận hành. Nếu dự án này thành công, mỗi ngày âu cảng Bạch Long Vĩ sẽ giải quyết nhu cầu đá lạnh cho hơn 700 tàu đánh cá. Tình trạng thiếu nước ngọt cũng được giải quyết khi sắp tới hồ chứa nước mưa hoàn thành, đủ cung cấp cho 500 hộ dân trên đảo và các tàu vào âu cảng. Những khó khăn của đảo được đẩy lùi sẽ góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đảo thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của ngư trường Vịnh Bắc Bộ.

Cũng trong chuyến công tác này, nhóm nghiên cứu của thạc sĩ Lê Văn Luân lắp đặt thử nghiệm trên tàu cá thiết bị định vị giám sát và quản lý hải trình vừa nghiên cứu thành công. Thiết bị đáp ứng các nhu cầu thông tin của ngư dân, như: Cảnh báo ranh giới vùng được phép đánh bắt, vùng bị cấm, thông tin thời tiết, định vị dẫn đường, tín hiệu cấp cứu, nhật ký đánh bắt và gọi điện thoại, nhắn vào điện thoại cố định, di động trên đất liền bằng công nghệ chủ động. Các thông tin, dữ liệu của tàu cá cũng được truyền về trạm bờ theo thời gian định sẵn để giúp cơ quan quản lý nắm hành trình của tàu và “phạt nguội” các vi phạm nếu có. Sau một thời gian thử nghiệm tại Chi cục Thủy sản Hải Phòng, ông Lê Khả Tạo, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Hải Phòng cho biết, thiết bị đáp ứng nhu cầu của ngư dân và nhà quản lý. Hiện nay, tất cả các tàu cá đánh bắt xa bờ của Việt Nam được trang bị bộ đàm, hệ thống trạm liên lạc trên bờ cũng đã được xây dựng tại 28 tỉnh, thành phố ven biển. Thiết bị bộ đàm chỉ có một chức năng đàm thoại, liên lạc âm thanh, trong khi thiết bị của nhóm nghiên cứu có tính năng nổi bật là dễ sử dụng, ngôn ngữ bằng tiếng Việt, tích hợp nhiều loại thông tin, đặc biệt cho phép đàm thoại từ tàu về điện thoại cố định hoặc di động trên đất liền, là tính năng mà các bộ đàm hiện tại chưa có được. Với những tính năng nổi trội đó, Chi cục Thủy sản Hải Phòng rất cần ứng dụng, triển khai cho ngư dân.

Nhiều dư địa cho khoa học

Trong hành trình sáu giờ trên tàu ra đảo Bạch Long Vĩ, thạc sĩ Lê Văn Luân tâm sự, đổi mới công nghệ bảo quản hải sản, quản lý hỗ trợ ngư dân trong quá trình đánh bắt xa bờ là nhu cầu cấp thiết hiện nay và là nhiệm vụ đặt ra đối với các nhà khoa học bởi ngành thủy sản có công nghệ chế biến hiện đại nhưng đánh bắt, bảo quản còn thô sơ, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch lớn, chiếm 20-30% sản lượng khai thác, rủi ro trên biển cao, công tác quản lý khó. Nghiên cứu của nhóm hướng đến giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch, bảo đảm các tiêu chuẩn xuất khẩu của hải sản. Tuy nguồn kinh phí nghiên cứu đề tài hạn hẹp, việc đi khảo sát ở đảo rất tốn kém, nhưng nhóm nghiên cứu vẫn theo đuổi để có những sản phẩm khoa học, góp phần hiện đại hóa tàu cá cho ngư dân. Nhóm đang tiếp tục thực hiện một nhiệm vụ khoa học cấp nhà nước để nâng công suất máy làm đá tuyết từ 1.250 kg/24 giờ lên 5.000 tới 10.000 kg/24 giờ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đá lạnh của ngư dân. Nhóm cũng phân tích và xây dựng một quy trình sơ chế và bảo quản cá ngừ đại dương chất lượng cao bằng đá tuyết nhằm nâng cao chất lượng cá ngừ, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe vào các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, EU... Sắp tới, nhóm cũng bắt đầu thử nghiệm công nghệ bảo quản hải sản chất lượng cao bằng chế phẩm sinh học và sóng siêu âm.

Cùng với các nghiên cứu nêu trên, thời gian qua, có một số nghiên cứu khác hướng đến đưa công nghệ hiện đại vào khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ. Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phối hợp Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông nghiên cứu đèn led để thu hút đàn cá, nâng cao sản lượng khai thác, không phát xạ tia UV để bảo đảm sức khỏe ngư dân, tiết kiệm đến 40% năng lượng tiêu thụ. Thạc sĩ Nguyễn Phi Uy Vũ (Viện Hải dương học) cho biết, kết quả ứng dụng hệ thống đèn led trên tàu lưới vây khi đánh bắt thử nghiệm ở ngư trường thuộc vùng biển Trường Sa cho thấy, so với tàu đối chứng sản lượng cao hơn 0,1 - 0,9 tấn/mẻ/chuyến, năng suất cao hơn 0,4 tấn/mẻ/chuyến. Trong khi đó, sử dụng đèn led tiết kiệm được 33,7% lượng nhiên liệu so với đèn Metal Halide mà ngư dân đang sử dụng. Toàn quốc hiện có 108.704 tàu khai thác thủy sản, nếu được ứng dụng đèn led sẽ tăng hiệu quả đánh bắt, giảm chi phí vận hành rất lớn.

Theo các nhà khoa học, ngành khai thác thủy sản trong nước còn dư địa lớn cho khoa học, công nghệ, như: Công nghệ tàu thuyền, công nghệ đánh bắt, công nghệ bảo quản, công nghệ hỗ trợ, sinh hoạt, công nghệ dự báo... Các thiết bị, công nghệ được nghiên cứu, sản xuất trong nước đã khắc phục được những hạn chế của các thiết bị nhập khẩu để thuận tiện, phù hợp trên tàu cá của Việt Nam, giá thành thấp hơn so với nhập khẩu. Tuy nhiên, khó khăn đối với các nhà khoa học là ứng dụng trong thực tiễn do người dân khó khăn về tài chính, tâm lý ngại thay đổi công nghệ mới. Nhà khoa học phải đi nhiều vùng biển để trình diễn công nghệ, thuyết phục người dân, nhưng hiệu quả sẽ hạn chế nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước. Phó Chủ tịch thường trực UBND Bạch Long Vĩ Đào Trọng Tuệ chia sẻ, ứng dụng khoa học và công nghệ để giải quyết các nhu cầu của đảo là định hướng đúng, đáp ứng mong mỏi của cán bộ, nhân dân huyện đảo, nhưng cần chính sách hỗ trợ của nhà nước cho ngư dân để trang bị thiết bị hiện đại bởi chi phí lớn, rủi ro cao. Nghị quyết 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được ban hành, chủ trương đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đây sẽ là cơ sở để thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khai thác, bảo quản hải sản, cho tàu cá thỏa sức vươn khơi, bám biển bằng chính công nghệ Việt.