Còn nhiều lỗ hổng trong đào tạo, sát hạch lái xe

Tình hình giao thông trên cả nước chín tháng đầu năm có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Riêng tháng 9 vừa qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng. Nhiều chuyên gia cảnh báo cần siết chặt công tác đào tạo, sát hạch lái xe, nhất là lái xe bồn, container để hạn chế tình trạng này.

Học viên được hướng dẫn bài bản tại Trung tâm đào tạo lái xe an toàn của Honda Việt Nam. Ảnh | HVN
Học viên được hướng dẫn bài bản tại Trung tâm đào tạo lái xe an toàn của Honda Việt Nam. Ảnh | HVN

Trong các nguyên nhân gây TNGT thì chủ yếu vẫn do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Vụ tai nạn giữa xe bồn chở xi-măng và xe khách trên quốc lộ 4D, đoạn qua địa phận huyện Tam Đường (Lai Châu) ngày 15-9 được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng khi đã cướp đi sinh mạng 13 người, 3 người bị thương. Kết quả điều tra cho thấy, lái xe bồn không làm chủ tốc độ đã đâm thẳng vào xe khách, kéo cả hai phương tiện cùng lao xuống vực.

Trên thực tế, những vụ TNGT xảy ra thời gian qua đều ít nhiều liên quan trực tiếp đến chất lượng đào tạo, thể hiện qua sự yếu kém của lái xe khi xử lý, nhận diện tình huống, qua thái độ coi thường tính mạng của hành khách và người tham gia giao thông.

Hiện nay, với điều kiện kinh tế phát triển cùng việc xuất hiện nhiều loại ô-tô giá rẻ trên thị trường, cho nên việc sở hữu một chiếc xe ô-tô đối với nhiều gia đình ở các đô thị lớn không phải quá khó. Chính vì vậy, nhu cầu về đào tạo, sát hạch (ĐTSH) lái xe cơ giới tăng cao. Hơn nữa, việc ĐTSH lái xe đã được Nhà nước cho phép mở rộng xã hội hóa thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, chất lượng ĐTSH lái xe cơ giới đường bộ hiện chưa theo kịp với quy mô, số lượng các cơ sở, trung tâm được cấp phép đang tăng lên nhanh chóng. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Quyết định bổ sung quy hoạch cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ và trung tâm sát hạch lái xe cơ giới. Theo đó, Bộ GTVT quy hoạch đến hết năm 2018, trên cả nước sẽ có tổng số 386 cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ, đồng thời mở mới 36 trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ để phù hợp với quy hoạch toàn quốc có tổng số 155 trung tâm trong năm nay.

Qua các đợt thanh tra công tác ĐTSH, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tại các địa phương do Bộ GTVT thực hiện gần đây, thực tế cho thấy vẫn tồn tại nhiều bất cập trong ĐTSH lái xe, việc trang bị kiến thức, trau dồi văn hóa, đạo đức, nghề nghiệp của người lái xe còn chưa được coi trọng. Quá trình đào tạo lái xe ở các cơ sở đang có hiện tượng cạnh tranh gay gắt, đua nhau giảm giá, gây “loạn” về phí đào tạo, cắt xén chương trình. Công tác tuyển sinh tại nhiều cơ sở đào tạo còn thiếu chặt chẽ, thậm chí có phần tùy tiện, học viên thiếu tự giác, nghiêm túc trong việc học, nhiều hồ sơ không có giấy khám sức khỏe, hoặc nếu có thì cũng dễ dàng mua, không cần khám, nhan nhản thông tin về những “đường dây” chống trượt cho học viên, chất lượng giáo viên giảng dạy thấp, cấp bằng không nghiêm túc... Không chỉ việc quản lý ĐTSH lái xe ô-tô còn lỏng lẻo, mà đối với xe mô-tô cũng có vấn đề. Số lượng xe máy lưu thông trên cả nước rất lớn. Vậy mà chỉ cần vài trăm nghìn đồng là đã có tấm bằng lái với sự hỗ trợ của các trung tâm bảo đảm đỗ 100%. Với chất lượng đào tạo như thế thì khó lường được hậu quả khi những người tham gia học tập không nghiêm túc được cấp bằng lái xe.

Trước thực trạng đó, các cơ quan quản lý cần sớm có các biện pháp chấn chỉnh quyết liệt, để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái xe, giám sát chặt cả chương trình, thời gian và chất lượng dạy học tại các cơ sở ĐTSH. Ngoài ra, cần mạnh tay xử lý các trung tâm vi phạm quy định về ĐTSH lái xe; có thể rút giấy phép và công khai danh sách các trung tâm này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, không chỉ phạt hành chính, mà cần nghiên cứu quy định cấm hành nghề, thậm chí cấm hành nghề trọn đời những lái xe vi phạm nghiêm trọng luật giao thông.

Đây là những giải pháp căn cơ nhất để nâng cao kỹ năng lái xe, đạo đức, việc tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, từ đó góp phần kéo giảm số vụ TNGT nghiêm trọng mang tính chủ quan của người điều khiển phương tiện.