Cô gái dành cả thanh xuân tìm mộ liệt sĩ

Còn nhớ cách đây hơn mười năm, vào dịp 27-7, tôi gặp Ngô Thị Thúy Hằng - người tình nguyện “gác cửa” cho website nhantimdongdoi.org. Sự ra đời trang web này cũng như vì sao Hằng đang làm việc ở TP Hồ Chí Minh lại ra Hà Nội dành cả thanh xuân để tìm mộ liệt sĩ cũng nhiều bất ngờ...

Cô gái dành cả thanh xuân tìm mộ liệt sĩ

Bỏ việc lương cao vì nhantimdongdoi

Tất cả bắt đầu vào một ngày chàng sinh viên Nguyễn Hữu Tuấn gai người khi xem một phóng sự trên truyền hình về người cựu chiến binh Lê Văn Cam ở Thái Bình nhịn ăn, đạp xe đi khắp nơi tìm kiếm thông tin về các đồng đội đã hy sinh để viết thư báo cho gia đình họ. Tuấn tự hỏi: Tại sao không ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tìm kiếm mộ liệt sĩ?

Tuấn đem ý tưởng đó bàn với bảy người bạn thân trong nhóm. Tất cả họ đều học cùng lớp Toán - Tin Trường Đại học KHTN - Đại học Quốc gia Hà Nội. Cả nhóm thống nhất: Sẽ làm website mang tên nhantimdongdoi. Cứ thế, bảy chàng trai miệt mài hằng đêm. Ba tháng sau toàn bộ thiết kế nội dung và lập trình trang đã hoàn tất. Dù đã bỏ cả triệu đồng để mua tên miền www.nhantimdongdoi.com.vn nhưng do đuôi “.com” mang tính thương mại nên cả nhóm quyết định mua tên miền “.org” để khẳng định tính phi thương mại của trang web. Ngày đầu website hiện diện trên mạng, tám chàng trai hồi hộp như chào đón đứa con đầu lòng ra đời. Họ lại chia nhau tìm tài liệu, danh sách những chiến sĩ hy sinh chưa tìm được phần mộ.

Một ngày nọ, họ nhận được e-mail của một cô gái mang tên Ngô Thị Thúy Hằng. Thúy Hằng đề nghị giúp tìm mộ người bác của mình hy sinh trong kháng chiến chống Pháp đến nay chưa tìm thấy hài cốt. Ngoài ra, Hằng ngỏ lời: “Nếu cần sự giúp đỡ về biên tập tin bài hãy gọi cho tôi...”. Thế rồi khi Tuấn mở lời, Hằng bỏ công việc làm biên tập cho tạp chí Thời trang trẻ ở văn phòng TP Hồ Chí Minh để ra Hà Nội làm admin miễn phí cho nhantimdongdoi.org.

Nhờ có Hằng, thông tin trên trang web đã trở nên sinh động hơn nhiều. Gần như cứ có thời gian rỗi thay vì đi giải trí cùng bạn bè, Hằng lại lặng lẽ tìm đến các nghĩa trang liệt sĩ và lọ mọ lên mạng tìm thông tin. Hằng muốn tự mình lấp đầy những khoảng trống thông tin về mộ liệt sĩ trên trang web bằng một dự định: Bỏ tiền túi đi đến tất cả các nghĩa trang của cả nước để chụp ảnh bia mộ liệt sĩ. Nhưng Hằng đã không thực hiện được dự định của mình vì có quá nhiều lời can ngăn từ phía người thân và các cô chú cựu chiến binh. Họ lo Hằng vốn nhỏ bé gầy guộc sẽ không đủ sức cho một công việc đầy khó khăn, vất vả như vậy.

Thời gian cứ thế trôi đi, nhóm sinh viên sáng lập nhantimdongdoi.org ra trường, đi làm rồi lần lượt lập gia đình. Lúc đó, họ không thể dành thời gian cho trang web được nữa. Rốt cuộc, chỉ còn Hằng ở lại. Hằng dường như “quên” cả yêu, quên cả việc lập gia đình. Từ lúc nào không rõ, tình yêu của Hằng là công việc ở nhantimdongdoi.org, gia đình của Hằng chính là trung tâm. Thời gian ấy, Hằng làm truyền thông cho một công ty sản xuất gạch men ở tỉnh Vĩnh Phúc, sáng đi tối về. Hằng thuê một căn hộ chung cư cũ để ở và làm văn phòng. Sáng sớm, Hằng lên xe đi làm, tối mịt mới về, lúc đó lại bắt tay vào làm cả núi công việc.

Tôi tình nguyện trực ở trung tâm mỗi tuần một buổi trong giờ hành chính để gặp những thân nhân gia đình liệt sĩ và cả trả lời họ qua điện thoại. Tôi đã gặp rất nhiều người tuy cảnh ngộ khác nhau nhưng tất cả đều có chung nỗi niềm đau đáu muốn có dù một mẩu thông tin, một tấm hình đen trắng hay cái gì đó cụ thể những dòng tin chung chung như thế này trong giấy báo tử: “... Hy sinh ở mặt trận phía Nam”. “Mặt trận phía Nam là ở đâu?” - nhiều người đến văn phòng trung tâm và hỏi tôi câu đó. Họ hỏi tôi, tôi lại phải hỏi Hằng. Còn Hằng thì tìm mọi cách trả lời.

Có những hôm trực, tôi nhìn căn hộ chung cư của cô gái này, chỉ có những tấm bằng Tổ quốc ghi công, những cuốn sách về lịch sử những sư đoàn, những tập hồ sơ, tài liệu về liệt sĩ. Ít thấy son phấn, gương lược, nước hoa... Đang tuổi thanh niên, ngoài kia người ta “mải mê chinh chiến và yêu đương”, thì ở đây Hằng lặng thầm với những điều mà ở lứa tuổi ấy ít ai quan tâm hay biết đến. Nhưng cảm thấy như vậy vẫn còn chưa đủ, Hằng quyết định nghỉ việc ở tập đoàn gạch men để dành hết thời gian cho trung tâm. Đó là một quyết định gây sốc với nhiều người, vì công việc hiện tại thu nhập rất cao Hằng lại bỗng dưng nghỉ ngang để đi “vác tù và hàng tổng”, không được trả lương lại phải bỏ tiền túi ra làm. Khi nghe lý do Hằng nghỉ việc, ông chủ tịch tập đoàn gạch men lặng người đi một lúc rồi lấy ra hai mươi triệu đồng bảo: “Chú ủng hộ công việc ý nghĩa của cháu”.

Lập ngân hàng thông tin gần một triệu liệt sĩ

Để có một tư cách pháp nhân độc lập, tháng 11-2012, Trung tâm quản lý ngân hàng dữ liệu về liệt sĩ và người có công được đổi tên thành Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (viết tắt là MARIN) thuộc Hội bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam, Bộ Tư pháp, do Đại tá Nguyễn Quốc Hưng làm Giám đốc, Ngô Thị Thúy Hằng giữ chức Phó Giám đốc điều hành. Mục đích của MARIN là chung tay cùng Đảng, Nhà nước xoa dịu nỗi đau chiến tranh, đền ơn đáp nghĩa các anh hùng liệt sĩ thông qua tư vấn và trợ giúp pháp lý cho các gia đình liệt sĩ trong việc tìm kiếm thông tin liên quan đến liệt sĩ và phần mộ liệt sĩ.

Nhưng để có những thông tin về liệt sĩ không phải là điều đơn giản. Đất nước hòa bình đã hơn 40 năm, nhiều hồ sơ bị thất lạc, nhiều bia mộ đã mòn phai, nhiều ký ức đã suy tàn, và nhiều rào cản hành chính lẫn sự tắc trách vô cảm đã khiến những thông tin về phần mộ, hài cốt của các liệt sĩ chìm khuất, vùi lấp hay nằm im ở đâu đó trong những tủ sắt phủ bụi thời gian. Hằng vẫn đi về các tỉnh thành gặp những người có trách nhiệm ở các sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến các nghĩa trang liệt sĩ, lên Bộ Quốc phòng, hay gặp bất cứ ai có thể cung cấp thông tin về phần mộ liệt sĩ.

Nhiều người lính ra đi từ đó không về, họ chẳng để lại gì, từ hồ sơ đầy đủ thông tin, thậm chí cả một tấm hình. Dự án đài tưởng niệm liệt sĩ trực tuyến Việt Nam của MARIN ra đời ngày 12-2-2009. Tại trang web lietsivietnam.org, những người trẻ tuổi, thân nhân liệt sĩ có thể tìm thấy những câu chuyện về họ, viết về họ, có thể thắp nhang và đặt vòng hoa cho họ. Cho đến nay, đài tưởng niệm trên trang lietsivietnam.org đã ghi danh lại cụ thể hơn 50.000 người lính đã hy sinh. Con số này được cập nhật liên tục.

Hằng chia sẻ: “Số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp, cả nước có 1,1 triệu liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hiện tại MARIN thành lập một ngân hàng thông tin đầy đủ về 900.000 liệt sĩ và các phần mộ liệt sĩ an nghỉ tại 3.000 nghĩa trang toàn quốc. Thêm một liệt sĩ được xác nhận nhân thân, trở về với gia đình là bớt đi một phần khổ tâm, cắn rứt của người thân, dòng họ, xã hội. Chúng ta bước thêm một bước mới trên con đường “góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh”, như tiêu chí MARIN đặt ra từ những ngày đầu sơ khai cách đây 10 năm”.

Cô gái dành cả thanh xuân tìm mộ liệt sĩ ảnh 1

Thúy Hằng đón tiếp thân nhân gia đình liệt sĩ tại MARIN.