Chuyện cầu - đường

Mười năm trở lại đây, giao thông đường bộ Việt Nam phát triển nhanh chóng với khoảng 260 nghìn km đường giao thông các loại. Cùng với đó, mật độ phương tiện tham gia giao thông không ngừng tăng lên, khiến cho hệ thống đường sá, cầu cống luôn trong tình trạng quá tải, nhanh xuống cấp.

Nghịch cảnh cầu - đường: Nơi cần thì không có, nơi có chẳng được dùng.
Nghịch cảnh cầu - đường: Nơi cần thì không có, nơi có chẳng được dùng.

Các công trình giao thông đô thị, quốc lộ luôn được đầu tư đồng bộ với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, các ở tuyến đường tỉnh, đường liên huyện, liên xã..., nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa, miền núi chưa được quan tâm thích đáng. Vài năm trở lại đây, với phong trào xây dựng nông thôn mới, hệ thống giao thông nông thôn nhiều địa phương đã được nâng cấp thành đường nhựa, đường bê-tông, đường rải đá cấp phối... Tuy nhiên, hệ thống cầu ở các tuyến này... lại không được đầu tư xây dựng, nâng cấp tương xứng. Chính vì vậy mà có một nghịch lý đã tồn tại trong nhiều năm trở lại đây, đó là hệ thống đường được mở rộng bao nhiêu, thì hệ thống cầu lại càng xuống cấp bấy nhiêu. Bởi trên thực tế, khi đường được nâng cấp, đáp ứng được xe có tải trọng hàng chục tấn, thì nhiều cây cầu trên trục đường đó chỉ cho phép tải trọng tối đa chưa đến chục tấn, vẫn phải gồng mình gánh chịu sự quá tải đó. Điển hình là vụ việc ngày 19-1-2018, một chiếc xe tải chở đá tải trọng khoảng 15 tấn đã làm sập cầu Long Kiểng trên đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh). Cây cầu đã quá cũ, được xây dựng trước năm 1975, tải trọng khai thác chỉ là 3,5 tấn vậy mà phải chịu sức ép gần gấp năm lần.

Sự thiếu đồng bộ trong việc đầu tư các dự án giao thông ở địa phương cũng làm cho người dân rơi vào hoàn cảnh éo le, có cầu mà chẳng có đường dẫn như cây cầu bắc qua suối Rộc (xã Kim Tiến, huyện Kim Bôi, Hòa Bình). Với mức đầu tư 15 tỷ đồng, cây cầu được thi công và hoàn thành phần thân cầu vào năm 2016, nhưng hai năm nay, bà con chỉ được ngắm cây cầu này vì nhà thầu không triển khai xây dựng đường dẫn lên cầu. Mỗi khi mưa lũ tràn về, nước dâng cao, người dân nơi đây phải liều mình lội suối hoặc chịu cảnh cô lập vì có cầu cũng như không.

Có đường mà không có cầu cũng khổ chẳng kém. Trong khu đô thị, những nút giao thông không có hầm chui, cầu vượt, tình trạng ùn tắc kéo dài vào giờ cao điểm khiến nhiều người mệt mỏi, thậm chí sợ ra đường vào những khung giờ đó. Còn ở vùng sâu, vùng xa, không có cầu qua sông, suối, người dân chỉ còn cách đi đò, bè mảng, đu dây hay thậm chí chui vào túi ni-lông để người khác kéo sang. Mùa nắng còn đỡ chứ vào mùa mưa lũ, nước chảy xiết thì vô cùng nguy hiểm. Chuyện các em học sinh bản Huổi Hạ (xã Na Sang, huyện Mường Chà, Điện Biên) phải chui túi ni-lông vượt suối lũ đến trường đã được chính quyền xã xác nhận. Để khắc phục tình trạng này, các cấp chính quyền địa phương đã khảo sát tuyến đường nối từ bản vào trung tâm xã. Ông Nguyễn Minh Phú, Chủ tịch huyện Mường Chà còn băn khoăn khi đề cập đến vấn đề kinh phí đầu tư: “Làm cầu khoảng sáu tỷ đồng nhưng muốn làm được cầu phải mất khoảng vài chục tỷ đồng để làm đoạn đường khoảng 20 km vì hiện tại, không thể đưa vật liệu vào điểm này bởi đường vào suối chỉ đi được bằng xe máy”. Hay câu chuyện hơn 300 sinh mệnh thôn Xuân Lũng (xã Bình Trung, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) ngày ngày phải “đánh đu” trên “cây cầu nổi” được kết nối từ những chiếc bè mảng để vượt sông Kỳ Cùng đến với thế giới bên ngoài từ nhiều năm nay. Mong mỏi có một cây cầu kiên cố để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an toàn giao thông của bà con thôn Xuân Lũng sau bao năm đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận bổ sung danh mục cầu dân sinh với hình thức cầu treo và dự kiến khởi công trong năm 2019.

Chất lượng công trình, cơ sở hạ tầng giao thông xuống cấp, thiếu sự kết nối cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất an toàn giao thông. Vì vậy, cơ quan chủ quản là Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cần có những giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn nữa trong việc xây dựng, bảo trì đường bộ, đồng thời cũng cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội để có thêm nhiều tuyến đường đẹp, và thêm nhiều nhịp cầu nối những bờ vui.