Cầu nối hạnh phúc

Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình (gọi tắt là Trung tâm) thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Hồ Chí Minh nhiều năm nay đã trở thành địa chỉ “mai mối” mát tay cho nhiều phụ nữ có nhu cầu kết hôn với người nước ngoài. Được tư vấn, hỗ trợ thông tin, kiến thức và kỹ năng hòa nhập thiết thực, các cô gái đã cân nhắc, quyết định đúng đắn hơn khi chọn bạn đời và thêm tự tin bắt đầu cuộc sống gia đình nơi xứ người.

Lớp học tiếng Hàn và kỹ năng hòa nhập xã hội tại Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình (TP Hồ Chí Minh).
Lớp học tiếng Hàn và kỹ năng hòa nhập xã hội tại Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình (TP Hồ Chí Minh).

Những "bà mai" tận tâm

Kể lại câu chuyện một cô gái quê Kiên Giang tên Gi. năm ngoái đến nhờ tư vấn lấy chồng Hàn Quốc, bà Nguyễn Thị Liên Hiệp, Giám đốc Trung tâm "kiêm" tư vấn viên vẫn nhớ như in hình ảnh một cô gái trẻ mặc đồng phục công nhân. Gi. ngập ngừng giãi bày "Nhiều người em quen ở quê thường xuyên nhậu nhẹt, say xỉn nên em quyết định lên Bình Dương làm công nhân, mong cơ hội tìm bạn đời. Ba năm làm cũng chỉ đủ nuôi thân, không dám quen ai nên em nhờ cậy trung tâm mai mối". Qua trò chuyện, nắm bắt nguyện vọng, tư vấn viên đưa ra nhiều tình huống, trở ngại mà Gi. gặp phải như bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa, khó kiếm việc làm, không người thân thích, có thể bị bạo hành, ngược đãi... để cô hiểu hơn và suy tính kỹ trước khi quyết định kết hôn chồng "ngoại". Một tuần sau Gi. quay trở lại vẫn khăng khăng nhờ Trung tâm giới thiệu một người có công việc ổn định, lý lịch rõ ràng để tìm hiểu tiến tới hôn nhân. "Sát hạch" lý lịch một trường hợp do công ty môi giới phía Hàn Quốc gởi qua với một số điều kiện như chú rể không chênh lệch quá 20 tuổi, không có tiền án, không bị tội bạo hành gia đình, thích lấy vợ Việt, Trung tâm đã giới thiệu cho Gi. một người đàn ông ở xứ xở kim chi và cũng chính là hôn phu của cô bây giờ. Gi chỉ là một trong hơn một nghìn trường hợp phụ nữ lấy chồng Hàn mà trung tâm đã tư vấn từ năm 2011 đến nay.

Mở cho chúng tôi xem tư liệu lưu lại về những hình ảnh, cuộc nói chuyện khởi đầu "làm quen" giữa cô gái Việt Nam và đàn ông Hàn Quốc, một chị tư vấn viên kể lại: thấy trường hợp nào mà cả hai ưng thuận là trung tâm sắp xếp và tổ chức cho hai người nói chuyện, hỏi thăm và ngắm "dung nhan" nhau qua webcam. Sau một thời gian tìm hiểu, nếu thấy đối tác tâm đầu ý hợp thì hẹn ngày lành, tháng tốt nhìn thấy nhau "bằng xương bằng thịt". Thường thì chú rể tương lai cùng cha mẹ bay sang Việt Nam để tìm hiểu cô dâu, nếu bén duyên hai gia đình gặp nhau rồi tiến tới hôn nhân. Bà Hiệp cho biết, trong thời gian tìm hiểu, tư vấn viên luôn sát cánh với họ để "thăm dò" tình cảm của cả hai bên, xem bố mẹ hai bên thiện chí thế nào, đồng thời tham vấn bổ ích và phù hợp. Các tư vấn viên cũng không vội vàng "se duyên" mà trước hết định hướng, thậm chí cảnh báo cho các cô gái biết lấy chồng nước ngoài không phải chuyện đơn giản, sẽ gặp khó khăn gì, nơi đến có phù hợp không... để họ hiểu và nhận thức đúng đắn, hạn chế thấp nhất rủi ro xảy ra. Đặc biệt, những câu chuyện thật, những mảnh đời bất hạnh cũng được dẫn chứng để khuyến cáo chị em cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Hướng tới hôn nhân tự nguyện và bền vững

Theo quy định, nếu ai có nhu cầu muốn tìm hiểu, kết hôn với người nước ngoài sẽ được hướng dẫn làm thủ tục đăng ký gồm: lý lịch cá nhân, bản tự giới thiệu về mình kèm theo những mong muốn từ phía đối tác, chứng nhận tình trạng hôn nhân, sức khỏe... và thông qua một số công ty môi giới uy tín từ phía Hàn Quốc, Trung tâm sẽ chọn ra chú rể tương lai có những đặc điểm, tình cảm phù hợp. Thời gian tư vấn, kết nối cho hai người và hai gia đình làm quen, tìm hiểu ít nhất sau ba tháng mới đi đến hôn nhân. Sau khi đính hôn hay kết hôn, cô dâu Việt phải học thêm ba tháng sơ cấp tiếng Hàn tương đương 150 tiết (120 tiết học ngoại ngữ và 30 tiết học về văn hóa, pháp luật Hàn Quốc, một số kỹ năng hòa nhập xã hội), thi lấy bằng và đây cũng là điều kiện bắt buộc trong hồ sơ xin cấp hộ chiếu từ phía lãnh sự quán Hàn Quốc.

Thực hiện biên bản ghi nhớ năm năm (2014 -2019) giữa Hội LHPN TP Hồ Chí Minh và Tổ chức Di dân Hàn Quốc, từ cuối năm 2014 đến 2017, Trung tâm đã phối hợp đào tạo 15 khóa sơ cấp tiếng Hàn cho 2.274 cô dâu Việt, bồi dưỡng về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, pháp luật về hôn nhân gia đình, quy định về nhập cư, hướng dẫn kỹ năng tự ứng phó, tự bảo vệ, cách ứng xử trong vai trò làm vợ, làm mẹ. Nguyễn Thanh Lý, một cô dâu quê Hậu Giang kể mới kết hôn với một chú rể ở thành phố Busan cách đây hai tháng, giờ đang theo học tiếng Hàn cùng một số kỹ năng cần thiết để nhanh thích ứng với cuộc sống mới nơi đất khách. Ngọc Hân, một cô dâu quê Cần Thơ hồ hởi khoe được học nhiều từ ẩm thực Hàn Quốc, cách dùng các loại thẻ tham gia giao thông, sử dụng tiện nghi trong gia đình (máy giặt, máy rửa chén, máy hút bụi...), được bồi dưỡng kiến thức về pháp luật, trải nghiệm văn hóa, được cung cấp các địa chỉ, đường dây nóng hỗ trợ... tránh bỡ ngỡ khi về làm dâu xứ người.

Bà Lâm Thị Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, hành trang từ mô hình kết hôn "5 biết" (về người chồng tương lai của mình; hoàn cảnh gia đình của nhà chồng; văn hóa, phong tục, tập quán, luật pháp của nước sở tại mà mình sẽ đến làm dâu; pháp luật của Việt Nam và nghĩa vụ của bản thân với đất nước; những điển hình những người thành công nhất và thất bại nhất của những người cùng địa phương đã lấy chồng nước ngoài) giúp các cô dâu Việt tự tin vun đắp xây dựng hạnh phúc lâu bền ở nước sở tại. Tín hiệu đáng mừng là từ đầu năm 2014 đến nay trung tâm đã giới thiệu 1.023 phụ nữ Việt tìm hiểu và kết hôn với người Hàn Quốc theo quy trình"hỗ trợ kết bạn, kết hôn có yếu tố nước ngoài", phần lớn các gia đình có cuộc sống hạnh phúc, chỉ có ba trường hợp ly hôn.

Gần đây nhất năm 2016, 12 trường hợp kết hôn với nam công dân Hàn Quốc là khởi đầu khả quan sau sáu tháng Trung tâm hợp tác với công ty hỗ trợ kết hôn quốc tế Hàn Quốc làm điểm hoạt động "giới thiệu kết hôn" với quy trình kết bạn được tổ chức trực tiếp tại Trung tâm. Sau khi được Trung tâm cung cấp đầy đủ thông tin về nhân thân, đôi bên tự nguyện tìm hiểu, đến với nhau. Không chỉ được hỗ trợ học tiếng, cô dâu còn được bổ sung kiến thức về đất nước chú rể, kỹ năng nấu ăn, làm bánh, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc trẻ em, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình. Bà Hiệp hào hứng cho biết, các cô dâu hiện vẫn giữ mối liên hệ với Trung tâm và hầu hết đã có cuộc sống ổn định. Để duy trì cầu nối cho các cuộc hôn nhân Việt-Hàn theo hướng tự nguyện, hiểu biết và bền vững, hiện trung tâm đang trình Hội LHPN TP Hồ Chí Minh xin ý kiến UBND thành phố cho phép tiếp tục chọn lựa đối tác là một Công ty hỗ trợ kết hôn Hàn Quốc uy tín nhằm ngăn chặn, hạn chế rủi ro từ thực trạng phụ nữ Việt lấy chồng ngoại qua cò mồi, môi giới hoạt động trái pháp luật.

Trưởng ban Công tác phía nam, Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Ngọc Yến: Cả nước có 17 Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình, trong đó các tỉnh, thành phía nam có 11 Trung tâm tư vấn cho hơn 15 nghìn trường hợp liên quan đến hôn nhân có yếu tố nước ngoài với hình thức linh hoạt như gặp gỡ tại trung tâm, qua điện thoại, đến tận hộ gia đình...; đã có 2.113 trường hợp hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn. Mặc dù đã đạt được một số kết quả, nhưng các Trung tâm vẫn bộc lộ hạn chế như phương thức hoạt động còn lúng túng, đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm, hay thay đổi; kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm còn hạn chế; cơ sở vật chất nhiều nơi chưa bảo đảm; thiếu kinh phí hoạt động; nắm thông tin sau kết hôn còn khó khăn.