Đọc & mách

Cái xấu của “vi nhựa”: mỗi người đều góp phần

Khi ai đó bảo bạn kê thử thực đơn mỗi ngày ăn gì, xem có lành mạnh hay độc hại, bạn sẽ kê ra nào cơm, nào bún, nào bò, nào heo, nào gà, cá, trứng, sữa, rau và hoa quả. Bạn quên kê một thứ quan trọng: các hạt nhựa li ti - vi nhựa “microplastics”.

Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG
Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG

Theo CNN, một nghiên cứu của Đại học Newcastle (Úc) cho thấy, mỗi tuần trung bình ta “nuốt” vào một lượng nhựa chừng 5 gram, tương đương với một cái thẻ tín dụng! Dĩ nhiên ta không nhai cả miếng nhựa. Ta nạp vào một cách không hay biết các hạt “vi nhựa”, đặc biệt nuốt vào nhiều nhất là những người vệ sinh cao, chuyên uống nước đóng chai!

Vi nhựa là gì và có gì hại?

Đó là những mẩu nhựa có đường kính to nhất là 5mm và nhỏ hơn nữa thì li ti mắt thường không nhìn thấy, thậm chí có những mẩu phải gọi là “vi vi nhựa” - nanoplastic. Chúng từ đâu mà ra, ở phần sau của bài này sẽ nói.

Trước tiên ta cần biết, hạt vi nhựa nhẹ đến nỗi có thể lơ lửng mãi trong không khí, bé đến nỗi có thể vượt mọi rào cản, vào tận phổi. Người ta đã tìm thấy các sợi vi nhựa trong mô phổi, và các nhà nghiên cứu cho rằng đó là một trong các tác nhân gây ung thư phổi.

Vi nhựa vì bé quá nên hệ thống lọc nước để lọt ra sông, ra biển. Ở đó, cá tôm sò mực nuốt vào. Các hạt vi nhựa ấy không tiêu hóa được, tích tụ lại, khiến các loài kia cứ thấy no no, không muốn ăn uống gì thêm và suy dinh dưỡng. Rồi đến lượt ta ăn cá tôm sò mực, các hạt vi nhựa lại quay lại với “chính chủ”!

Trên quá trình di chuyển, vi nhựa đúng là một hình thức “xe ôm” lý tưởng để vi khuẩn bám vào, đặc biệt là những hạt vi nhựa có thời gian chu du trong ống cống.

Hạt vi nhựa còn mang theo một số hóa chất độc có trong quá trình sản xuất nhựa, vào đến cơ thể những chất này rất có thể mới được nhả ra. Các nhà khoa học e rằng nếu hóa chất tích tụ tới một mức độ nào đó có thể làm tổn hại protein và ADN của tế bào. Và nếu các hạt vi nhựa được phân nhỏ thành cỡ nanoplastic, rất có thể chúng sẽ vào được hệ tuần hoàn, theo dòng máu đến tận các cơ quan nội tạng.

Vào cơ thể rồi, vi nhựa sẽ hành xử ra sao? Chúng sẽ đọng lại trong ruột hay thải ra? Chúng có làm tắc mạch không?... Theo CNN, người ta thấy khi cho giun đất sống trong đất nhiễm hạt vi nhựa, giun bị viêm đường ruột, lớn chậm, và chết nhiều hơn. Lại có một nghiên cứu khác cho thấy các hạt “vi vi nhựa” (nanoplastic) đọng trong não cá, làm thay đổi hành vi của cá.

Vi nhựa từ đâu mà ra?

Theo tờ Zmescience, người ta tạm chia ra có ba loại vi nhựa: sơ cấp, thứ cấp, và lỡ cỡ chưa biết gọi là gì.

Sơ cấp là “cố tình”

Sơ cấp là những hạt vi nhựa mà người ta “cố ý” làm ra bé thế đấy, chủ yếu là cho ngành hóa mỹ phẩm. Những sữa rửa mặt, kem đánh răng, dầu tắm có các hạt “nhám nhám” mang lại cảm giác sạch sẽ sau khi dùng chính là các hạt vi nhựa. Muốn biết chắc, cứ xem trên vỏ hộp ở phần công thức li ti, nếu thấy ghi một trong những từ: polyethylene, polypropylene, polyethylene terephthalate, hoặc nylon... thì chính là có “nó”.

Hơn 50 năm trước, các hạt nhám nhám kia được làm bằng những thứ “truyền thống” có trong tự nhiên, như bột hạnh nhân, yến mạch, muối. Thế rồi thế giới ngày càng bụi, phụ nữ ngày càng sạch, các thứ tự nhiên ngày càng hiếm, người ta thay các thành phần ấy bằng các hạt vi nhựa tiện lợi và không mốc. Và chỉ mới gần đây thôi, người ta mới nhận ra tác hại của các hạt li ti này. Một số nước đề ra luật cấm dùng các hạt này trong hóa mỹ phẩm, nhưng nỗ lực ấy hình như trễ quá rồi...

Thứ cấp là “vô ý”

Sau cuộc cắm trại, ta “lỡ” vứt ra bờ biển một đống bao nilon và hộp xốp đựng thức ăn. Ánh nắng, sóng biển, cát chà xát..., theo thời gian mớ bao và hộp ấy nát (mà không tan) thành những mảnh li ti. Đó chính là các hạt vi nhựa thứ cấp.

Không chỉ bao nilon mà còn bao nhiêu thứ khác bằng nhựa một ngày kia đều có thể trở thành “vi nhựa”. Với nhựa thì thời gian chỉ là “chuyện nhỏ”. Nhựa cứ ung dung vỡ ra, vỡ mãi, thành những hạt vi nhựa thứ cấp không tan trong nước và đủ nhẹ để lẫn vào không khí.

Không sơ cấp mà cũng không hẳn thứ cấp

Loại thứ ba lỡ cỡ này có lẽ “kinh khủng” nhất. Người ta không cố ý làm ra các hạt vi nhựa loại này, nhưng nó cũng không phải do tự nhiên “cắt nhỏ” từ từ. Nó sinh ra trong quá trình con người dùng “đồ có nhựa”.

Chúng ta đi xe, hầu hết lốp xe có nhựa tổng hợp. Lốp xe chà xát trên đường nhựa sinh ra hạt vi nhựa. Theo The Guardian, mỗi năm ở Anh có 68.000 tấn hạt vi nhựa sinh ra từ việc bào mòn lốp.

Chúng ta mua những thứ quần áo làm từ sợi tổng hợp có nhựa, tiện lợi không cần ủi, vừa đẹp vừa rẻ đến mức mua không cần đắn đo. Ta lại sạch nữa chứ nên hở ra là giặt giũ. Mỗi năm chỉ riêng ở Anh, việc giặt những quần áo này làm bong ra 2.300-5.900 tấn vi nhựa, vì bé quá mà lọt khỏi bộ lọc của hệ thống nước thải, hòa vào nước sông, nước biển...

Rồi ta đi giày dép bằng nhựa, ta dùng chổi nhựa, ta rửa chậu nhựạ, ta được vây quanh bằng những thứ có chất nhựa, từ nệm bọc yên xe, tới đũa nhựa, dây điện bọc nhựa... Mỗi ngày có hàng tỉ tỉ hoạt động làm bào mòn nhựa, tung ra môi trường một lượng vi nhựa khổng lồ.

Trong lúc chờ vi khuẩn

Nói thật không có đồ nhựa thì cũng... chết, lấy đâu ra đủ những thứ hữu cơ để phục vụ cho một loài người ngày càng đông, ngày càng thọ, nên càng thích đồ bền! Có điều nhựa “mới” nhiều quá. Và càng nhiều nhựa thì càng sinh nhiều vi nhựa. Theo The Guardian, mỗi năm người ta làm thêm 335 triệu tấn nhựa dưới mọi hình thức, và như đã nói, chúng không chỉ tồn tại ở dạng mắt thường thấy được để ta còn gom lại một chỗ, chúng vỡ ra dưới dạng vi nhựa, đủ nhẹ để theo gió và mưa đến khắp nơi nơi, kể cả những vùng người ta không có nhựa mà dùng.

Nhưng con người vốn kiêu căng, chủ quan, và nhất là coi mình không phải là giun, là cá. Cho nên mọi thí nghiệm trên các loài vật khác vẫn chỉ là tiếng kẻng yếu ớt. Cho đến lúc chưa có được nghiên cứu nào mang lại kết quả rõ rệt về việc vi nhựa gây tác hại trên cơ thể người thì con người có vẻ vẫn chưa sợ, nghe chuyện microplastics, nanoplastics cứ như chuyện 3 tỷ năm nữa mặt trời sẽ tiêu tan. Cả thế giới vẫn ào ào tiêu dùng, mua sắm thêm, khiến các nhà sản xuất đua nhau làm ra hàng hóa ngày càng rẻ, càng nhiều chất nhựa.

Theo CNN, các hạt vi nhựa không bao giờ hòa tan và cũng không phân hủy theo kiểu sinh học. Vi khuẩn trên thế giới này chưa tiến hóa đủ để mà phá vỡ các liên kết carbon-carbon có trong nhựa. Nhựa có thể phân nhỏ, nhỏ nữa, nhưng vẫn còn đó mãi. Trong lúc đợi có một chủng vi khuẩn đủ tiến hóa và đủ “đông” để phân hủy nhựa, ta đành trông cậy vào khoa học. Các nhà khoa học lại trông cậy vào chính sách. Một chuyên gia nói với CNN, “Biết vi nhựa là hại đấy nhưng ta không phải cứ thế mà loại đi được. Ta cần phải đánh tận gốc việc ô nhiễm nhựa, trước hết là không để nhựa lọt ra tự nhiên.” Ai cũng thấy việc cần làm đầu tiên là giảm sản xuất nhựa. Để làm được thế cần tới các chính phủ, các đại công ty cùng quyết tâm. Còn không, cứ cái đà này, giờ là 335 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm, tới 2050 con số ấy sẽ được nhân ba, và biết đâu trong kết quả xét nghiệm thường quy của mỗi người sẽ có thêm mục “hàm lượng nhựa trong máu”!

Cá nhân ta phải làm gì?

Thật không gì nản bằng đọc phải những bài báo nói về những điều xấu xí mà ta chỉ có nước bất lực thở dài. Tệ hơn, cái điều xấu xí ấy cũng có bàn tay của mỗi người trong chúng ta góp vào. Tệ hơn nữa, ta nghĩ một cách tiêu cực “Mình có làm gì cũng chẳng thay đổi được gì”.

Vào năm 2018, bà cụ Pat Smith 70 tuổi xem xong một phim tài liệu về rác thải nhựa thấy kinh khủng quá. Cụ quyết định mỗi tuần dọn rác thải nhựa cho một bãi biển. Cụ đi tới đâu có người tình nguyện cùng làm với cụ tới đó. Họ dọn được 52 bãi biển sạch bong... Với thái độ buông xuôi, ta dễ tự nhủ, thế giới có được mấy người như cụ ấy. Nhưng mỗi người chúng ta đều chi phối được một không gian nhỏ và vài người quanh mình mà. Kiểm soát tốt cái tiểu xã hội ấy, cái không gian ấy đi để đỡ có cảm giác tội lỗi trước những chuyện lớn. Thí dụ như từ nay khi đổ rác nhớ tách các thứ có nhựa ra để nhà máy dễ dàng xử lý. Rồi mỗi thứ dính tới nhựa đều cố gắng bớt đi, thí dụ không bỏ túi nilon được thì cũng dùng cho tiết kiệm, tránh dùng những thứ “một lần”. Bớt mua những hóa mỹ phẩm có chứa vi nhựa chỉ để chất đầy nhà tắm, bớt mua bớt may đi những thứ quần áo dệt bằng sợi tổng hợp cả năm có khi không dùng tới hai lần...

Tóm lại, tội lỗi này chúng ta có góp phần và chúng ta có thể chuộc lỗi phần nào. Thế giới càng thừa mứa là lúc ta biết mình càng nên tiết kiệm lại. Để làm gì? Để Trái đất của con cháu ta đẹp đẽ hơn à? Không, chúng ta ít người nghĩ được xa thế. Ta chỉ cần nghĩ Trái đất là một bà mẹ già, ta biết ơn cụ đã đẻ ta ra và cho ta một ngôi nhà, nay ta thấy cụ yếu rồi thì mỗi người bớt chất lên lưng cụ một tí.