Ông Trần Quang Vinh, nguyên Phó Giám đốc Văn phòng Ban điều phối Đề án 641:

Cải thiện tầm vóc người Việt không chỉ có sữa học đường

Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về Chương trình Sữa học đường. Sữa học đường chỉ là một chương trình nhỏ trong Đề án Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 (Đề án 641). Để có thêm thông tin về một Đề án lớn, có sự phối hợp thực hiện của nhiều bộ, ngành, nhiều thành phần, lực lượng trong xã hội và đề xuất các giải pháp cải thiện thể lực, tầm vóc cho thế hệ tương lai, Nhân Dân hằng tháng có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Vinh (ảnh bên), nguyên Phó Giám đốc Văn phòng Ban điều phối Đề án 641.

Cải thiện tầm vóc người Việt không chỉ có sữa học đường

Thưa ông, vừa qua, Chương trình Sữa học đường được triển khai trong các trường học trên địa bàn Hà Nội đã vấp phải ý kiến trái chiều của các bậc phụ huynh. Một số người không tham gia cho học sinh do chưa hiểu đầy đủ chương trình này. Ông có thể chia sẻ nguồn gốc, sự cần thiết của Chương trình Sữa học đường?

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều giải pháp, chính sách quan trọng cũng như các chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao sức khỏe người dân. Nhờ vậy, thể lực, tầm vóc người Việt Nam đã có sự cải thiện khá nhanh trong hai thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực và thành tích đã đạt được, nước ta đang đứng trước nhiều thách thức, như: Sự khác biệt về tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng của người dân, nhất là trẻ em giữa các vùng, miền, thành thị và nông thôn; tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn cao; vấn đề dinh dưỡng học đường mặc dù có quan tâm nhưng chưa đầy đủ và toàn diện dẫn đến chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam hiện nay chỉ đạt 163,7cm và của nữ chỉ đạt 153 cm; thấp hơn so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đối với nam là 13,1cm và đối với nữ là 10,7 cm. Từ đòi hỏi của thực tiễn, Đề án 641 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với bốn Chương trình thành phần: Nghiên cứu triển khai, ứng dụng những yếu tố chủ yếu tác động đến thể lực, tầm vóc người Việt Nam; Chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan; Phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp tăng cường giáo dục thể chất đối với học sinh từ 3 tuổi đến 18 tuổi; Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xã hội về phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam. Theo đó, Sữa học đường là một nội dung quan trọng trong Chương trình 2 - “Chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan”, Bộ Y tế được phân công chủ trì triển khai chương trình này.

Có nhiều ý kiến cho rằng Đề án 641 sau nhiều năm triển khai vẫn còn dậm chân tại chỗ. Ông đánh giá thế nào về quá trình thực hiện đề án và các cơ quan triển khai cần làm gì để bảo đảm tính hiệu quả của đề án và quyền lợi của học sinh, phụ huynh?

Quả thực tiến độ đề án chưa theo kế hoạch đề ra. Chương trình 1 là “Nghiên cứu triển khai, ứng dụng những yếu tố chủ yếu tác động đến thể lực, tầm vóc người Việt Nam” lẽ ra phải được kết thúc vào năm 2015 (theo Đề án 641) nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Các chương trình 2, 3, 4 của đề án cũng chỉ mang tính khởi động.

Khi triển khai Chương trình Sữa học đường trên phạm vi cả nước sẽ tiêu thụ một lượng lớn sản phẩm sữa trong khoảng thời gian dài, cho nên theo suy nghĩ cá nhân tôi chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh lợi ích giữa các công ty sữa. Từ đó, có thể phát sinh nhiều hệ lụy nhằm móc nối, tranh giành quyền thực hiện chương trình. Vì thế, các cơ quan quản lý không nên để xảy ra tình trạng độc quyền cung cấp sản phẩm sữa cho một công ty nào, nên chú ý kiểm tra khâu sản xuất, chất lượng sản phẩm, thời hạn sử dụng, giá thành sản phẩm... Ngoài vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà trường có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thực hiện nghiêm túc chương trình này.

Nhưng để cải thiện tầm vóc người Việt, không chỉ phụ thuộc vào sữa, đúng vậy không, thưa ông?

Đúng vậy. Sữa học đường chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng thể Đề án 641. Phát triển thể lực, tầm vóc con người là vấn đề rất lớn, cần thời gian dài và có sự kết hợp đồng bộ của nhiều giải pháp. Theo kinh nghiệm đã được tổng kết ở nhiều quốc gia, những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển tầm vóc và thể lực con người thì dinh dưỡng chiếm 31%, thể dục, thể thao chiếm 20%. Như vậy, có thể nói dinh dưỡng và thể dục, thể thao có vai trò chính trong phát triển thể lực và tầm vóc con người. Đối với con người Việt Nam từ trước đến nay, sự quan tâm của gia đình, xã hội trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ chủ yếu theo kinh nghiệm dân gian chứ chưa được quan tâm đầy đủ, đúng mức một cách khoa học, cho nên sinh ra bệnh thấp còi, béo phì. Vấn đề dinh dưỡng học đường cũng chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ và toàn diện của các đơn vị liên quan, chưa tác động tích cực đến quá trình phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam.

Cải thiện tầm vóc người Việt không chỉ có sữa học đường ảnh 1

Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ.

Điều đó có nghĩa là bên cạnh Chương trình Sữa học đường, cần thúc đẩy hơn nữa công tác giáo dục thể chất trong trường học?

Đúng như vậy. Một trong những hạn chế hiện nay trong nhà trường là cơ sở vật chất cho giáo dục thể chất còn thiếu, ảnh hưởng đến việc dạy và học môn thể dục. Công tác kiểm tra sức khỏe ban đầu cho học sinh đầu năm chưa được nghiêm túc, có trường kiểm tra, có trường không kiểm tra. Do đó, không có đầy đủ dữ liệu để đánh giá chất lượng công tác giáo dục thể chất, cũng như sự phát triển thể chất của học sinh. Nếu có số liệu về sức khỏe học sinh, các thầy, cô giáo mới đưa ra được lượng vận động phù hợp, giúp học sinh phát triển thể chất một cách tốt nhất. Nhiều trường trung học phổ thông dạy ghép 2 tiết thể dục vào một giờ học là không hợp lý. Việc tập luyện thể dục, thể thao rất cần thiết nhưng cần thường xuyên, không dồn ép một lúc. Nhiều trường tiểu học bố trí giáo viên dạy môn thể dục không có chuyên môn giáo dục thể chất là không bảo đảm quyền lợi cho học sinh. Các thầy, cô giáo không tốt về chuyên môn sẽ không chuyển tải tới học sinh các kỹ năng vận động cơ bản, dẫn đến các em khó tiếp thu chính xác, từ đó định hình động lực bền vững một cách sai lệch. Đáng tiếc đây lại là thời kỳ vàng để trang bị cho học sinh những kỹ năng cơ bản và thể lực ban đầu, làm nền tảng cho học sinh tiếp thu những kỹ năng, kỹ xảo cao hơn, phát triển thể lực tốt hơn. Thêm nữa, tình trạng thanh, thiếu niên thiếu ý thức rèn luyện thể dục, thể thao thường xuyên và dinh dưỡng không đúng cách chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc cải thiện thể chất, tầm vóc người Việt Nam và các chỉ tiêu của Đề án 641.

Trân trọng cảm ơn ông!