“CẢI LÃO HOÀN ĐỒNG” THUẦN TINH THẦN?

Sau đám ma về, đứa bé hỏi: “Vì sao người ta phải già đi mà không sống mãi?”. Trả lời làm sao với những câu hỏi “nghe cứ như khôn lắm mà thực rất vớ vẩn” này, làm sao để nó hiểu chết là buồn thật nhưng chết thuận tự nhiên cũng là một phần thiết yếu của sự sống? Đành bảo nó, à thì cuộc đời cũng như một cái rạp đang chiếu phim rất hay, bên ngoài có nhiều người đợi đến lượt. Ta xem hết suất thì phải ra cho người khác còn vào.

“CẢI LÃO HOÀN ĐỒNG” THUẦN TINH THẦN?

Người ta đến tuổi trung niên cũng như người xem đến hơn nửa bộ phim, biết sắp hết rồi là buồn, nghĩ nhiều điều u ám, tâm trí luẩn quẩn đến nỗi nửa sau của phim lơ đãng xem chẳng ra sao, thật là phí phạm. So với người già hẳn, đã “đầu hàng” chỉ nghĩ đến cái chết, các bậc trung niên khéo còn khổ hơn vì còn muốn cưỡng lại trời, đến già cũng không chịu già, tìm mọi cách chống lại quá trình lão hóa. Ước muốn đó rất hợp lý và không kém phần lạc quan. Năm ngoái, khi trang Metafact đưa ra một câu hỏi thăm dò “Có thể trì hoãn lão hóa được không?” có tới 75% bạn đọc tin rằng trì hoãn được. Dĩ nhiên đây không phải là sự trì hoãn bề ngoài - bằng phẫu thuật thẩm mỹ, bằng ăn mặc - mà là sự trì hoãn về sinh học, tận tế bào.
 
 
 VÌ SAO LÃO HÓA?
 
 Cơ thể ta cấu tạo từ các tế bào. Khoảng đầu thế kỷ 20, nhà giải phẫu học Alexis Carrel (giải Nobel 1912 và là người có đóng góp vô cùng lớn cho kỹ thuật sát trùng vết thương, khâu mạch máu, cấy ghép tạng...) đã có một tuyên bố “xanh rờn”, rằng mọi tế bào sống nếu được nuôi dưỡng sẽ phát triển đến mãi mãi, bất tử; khiến bao nhiêu người mơ lại giấc mơ thuốc trường sinh thuở xa xưa.
 
 Năm 1961, tại Viện Wistar ở Philadelphia (Hoa Kỳ), nhà giải phẫu học Leonard Hayflick “lật đổ” Alexis Carrel, chứng minh rằng một tế bào người bình thường sẽ phân chia từ 40 tới 60 lần rồi bước vào giai đoạn lão hóa. Số lần phân chia ấy gọi là “Giới hạn Hayflick”. Cứ mỗi lần tế bào phân chia, những mẩu telomeres “thần thánh” ở hai đầu sợi nhiễm sắc thể lại ngắn đi, như cục tẩy gắn ở đầu cái bút chì, mỗi ngày trẻ con tới lớp là một ngày vẹt bớt. Độ dài của các telomeres tỷ lệ thuận với độ “thọ” của tế bào. Khi các telomeres trở nên quá ngắn, nhiễm sắc thể trong tế bào ngừng lại không chia chác gì nữa, tự cho phép mình nghỉ ngơi và lão hóa. Nhiều tế bào cùng già đi như thế chất chồng trong mô, kết quả là ta có... người già. 
 
 CHẶN KHÔNG CHO GIÀ?
 
 Tuy Hayflick nhận thấy tế bào bình thường ở người có đời sống hữu hạn, ông cũng nhận thấy một số tế bào có thể phân chia đến vô hạn. Ác thay, chúng thường là các tế bào ung thư hoặc các tế bào đã bị biến đổi gien. Có nghĩa là, nếu thay đổi lộ trình chia đôi của tế bào, tìm ra cách duy trì cho các “cục tẩy” telomeres ít mòn, ta có thể thắng được quá trình lão hóa bình thường?
 
 Các nhà khoa học vẫn không dám chắc, họ vẫn “sờ sợ” cái gì đó không tự nhiên. Để chắc ăn, họ thí nghiệm trên các con vật, từ ruồi giấm tới giun tròn, chuột, khỉ... Họ đã tìm ra nhiều cách để khiến cho giun tròn sống lâu gấp 10 lần, ruồi giấm và chuột sống lâu gấp 1,5 lần; trong đó có cả cách ăn uống hạn chế, nhịn đói cách quãng... Họ thấy nạp ít calo sẽ đầy tế bào trong cơ thể bước vào giai đoạn “tự vệ”, khiến việc già đi cũng chậm lại. Chuyên gia chống lão hóa Gerado Ferbeyre (Canada) cho rằng, tuy những gì diễn ra ở vật thí nghiệm chưa chắc đã diễn ra ở người, nhưng ít nhất kết quả khả quan ở con vật cũng là cách để các nhà khoa học có động lực mà nghĩ ra cách cho người.
 
 Người thì phức tạp hơn nhiều so với ruồi giấm và giun tròn, cả về thể chất lẫn tâm lý. Thí dụ như ta biết ăn đói một chút thì sống lâu hơn là ăn cho thỏa thuê đấy, nhưng lại nghĩ sống là để “thỏa mãn và cống hiến” chứ đâu phải chỉ để nhịn đói mà chống lão hóa! Vả lại cứ đụng đến người là... có vấn đề. Ai sẽ xung phong cho người khác can thiệp bộ gien của mình, và ai “dám” biến đổi bộ gien của đối tượng làm thí nghiệm? Các chuyên gia lo ngại can thiệp gien ở người là vi phạm về đạo đức. Vả lại bây giờ trông tươi tốt ra thế đấy nhưng 5, 10 năm sau có hóa ung thư hay đột biến gì không. Vậy là số đông lại tặc lưỡi, thôi sống thế đủ rồi, già đi chết đi cũng là thường, không nên cố quá; ta chỉ cần áp dụng các biện pháp “an toàn”, rồi tuổi già chậm đến được ngày nào hay ngày đó, miễn sao khỏe mạnh. Nhiều người (như tôi đây) thấy bài nào về lão hóa cũng nhảy vào xem và áp dụng kiểu “đánh trống bỏ dùi” những lời khuyên trong ấy, đại khái là:
 
 - Tập thể dục đều để khối cơ xương và hệ miễn dịch được trẻ trung. Mỡ được đốt trong khi tập, đường huyết được ổn định theo.
 
 - Ăn nhiều rau quả và đủ loại thực phẩm khác: càng tự nhiên càng tốt: đường đừng tinh luyện, gạo đừng trắng bong, thịt không đóng hộp... Người ta qua tuổi 40 mất đi 8% khối cơ, đến 70 thì mất đi một nửa, nên cũng cần ăn đủ đạm để duy trì khối cơ.
 
 - Tránh ánh nắng gay gắt nhưng mỗi ngày cần ra ngoài trời chừng 15 tới 30 phút để nhận vitamin D. Người ta khảo sát hơn hai nghìn phụ nữ thấy ai có mức vitamin D cao hơn thì đầu mút telomeres của nhiễm sắc thể cũng dài hơn, tuổi thọ tế bào cũng dài hơn.
 
 - Ngủ tốt và tránh căng thẳng, lo âu.
 
 - Không hút thuốc, ít uống rượu; tránh xa những gì độc hại. 
 
 NGĂN LÃO HÓA BẰNG TINH THẦN
 
 Trớ trêu là lắm người quá lo sợ việc già đến nỗi... già cả người. Quần quật trong phòng tập, ăn uống cẩn thận như là tu tiên, thực không trẻ trung chút nào. Ngược lại có cụ nhăn nheo, thân quắt queo đi chơi từ đầu làng tới cuối làng, chuyện gì cũng thạo như người trẻ. Những cụ năng động thế thường không quan tâm đến vẻ ngoài già, chỉ cần trong mình thấy khỏe. Các cụ ấy có tập tành không? Không. Các cụ ấy ăn uống có kiêng khem không? Không! Xét phương diện ấy các cụ là những tấm gương tồi. Các cụ chỉ có một mẫu số chung là rất hài lòng với những gì đời mình đã trải qua, những gì mình đã làm ra và sắp để lại khi rời rạp chiếu bóng để sang thế giới khác.
 
 Giữa hai cực ấy là một bộ phận không nhỏ những người vừa ngại ăn kiêng và lười tập thể dục nhưng vẫn muốn mình trẻ trung, khỏe mạnh. Lisa Wartenberg là một cây viết chuyên về dinh dưỡng có bằng cấp, có trải nghiệm lâm sàng lẫn nghiên cứu tại các bệnh viện lớn. Trong một bài viết hẳn là dành cho “một bộ phận không nhỏ” này, cô đã đưa ra một liệu pháp “thuần tinh thần” mà theo cô là hiệu nghiệm.
 
 Lisa bảo thôi bớt ăn kiêng đi; cứ chăm chăm vào cân nặng rồi quan hệ giữa người với thực phẩm nó mất vui đi. Để sống khỏe, cô khuyên ta mỗi ngày ta nên tự nhủ những câu khẳng định sau, coi như uống vài viên thuốc bổ:
 
 1. Mình khỏe và lành mạnh: coi chức năng của cơ thể quan trọng hơn hình dáng. Thay vì bắt cơ thể phải luyện tập để được đẹp như chuẩn nào đó, hãy xác định “thân hình lý tưởng là thân hình này trong trạng thái khỏe mạnh nhất”.
 
 2. Mình biết ơn những gì cơ thể này đã làm: tách ra để coi cơ thể như “ân nhân”, như người từng mang thai con mình, nấu ăn cho mình, đưa mình đi chơi, chịu đau khi điều trị... Cơ thể đã lập nhiều công trạng rồi, đừng đòi hỏi nó hoàn hảo nữa.
 
 3. Mình vẫn cử động mỗi ngày đây: không thích tập thể dục theo giờ giấc cũng không sao. Hãy coi mỗi cử động trong ngày đều là một động tác thể dục (quả thực là như vậy); thế thì cử động cho nhiều vào.
 
 4. Mình có thể làm những việc rất khó: là một câu tự động viên khi cần hoàn tất một việc gì khó hay phải tập một thói quen mới. Phải coi cơ thể như một đứa trẻ mà cổ vũ đều đặn thay vì xỉ vả và nhiếc móc như ta vẫn hay làm với bản thân.
 
 5. Mình ăn mỗi miếng đều thấy ngon: nghĩ như thế để ăn chậm và nghĩ về thứ mình đang ăn. Tác dụng là... bạn sẽ ăn ít đi. Người ăn mà không để ý thường sẽ ngốn một lượng thức ăn nhiều hơn người ăn chậm nhai kỹ.
 
 6. Mình phải tử tế với mình: trong đầu mỗi người luôn có một cuộc độc thoại. “Buồn thay, cách chúng ta nói với bản thân thường kém tử tế như ta vẫn thường nói với người khác”.
 
 Nếu ngày nào cũng bỏ ra mấy phút tự khẳng định những điều này, não ta dần dần sẽ tin điều ta nói là đúng. Não sẽ thôi bắt bẻ chê bai cơ thể, trở nên hòa hợp với cơ thể; tranh thủ cơ thể còn cử động được lúc nào thì cùng nhau tận hưởng cuộc đời lúc ấy.
 
 Và đó chính là ta đang “trẻ hóa”, quay về trạng thái của trẻ thơ là luôn hài lòng về cơ thể bất kể nó thế nào, coi cơ thể là bạn thân cùng nhau vui vẻ bước vào rạp xem cuốn phim đời... Giải pháp chống lão hóa thuần tinh thần nói trên nghe có vẻ ngây ngô, nhưng bạn hãy một lần bỏ bớt định kiến của người trưởng thành mà tập thử xem, theo đúng phong cách của người trẻ là cái gì không mất tiền và mất nhiều thì giờ ta cứ thử!