Báu vật gia truyền của gia đình ba bộ trưởng

Ông Mai Liêm Trực vẫn còn nhớ ngày rời quê hương - xứ dừa Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh) ra bắc học. Ðêm trước hôm xa nhà, má ông thức trắng may cho con chiếc áo bà ba dài tay vì thời tiết xứ bắc đang độ giá rét. Liêm Trực mặc chiếc áo ấy rồi đi mãi, mấy chục năm sau trở lại Tam Quan thì cậu bé ngày nào đã là một người nổi tiếng với vai trò Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - được coi như "ông trùm viễn thông", người đưa điện thoại di động và internet về Việt Nam. Sau này, em trai ông - Mai Ái Trực cũng ra Hà Nội nhậm chức Bộ trưởng. GS Mai Kỷ - anh cả của Mai Liêm Trực, Mai Ái Trực đi trước hai em, từng giữ chức Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân số. Nhưng với ba anh em họ

Gia đình ông Mai Liêm Trực.
Gia đình ông Mai Liêm Trực.

Gia đình họ Mai có năm anh em tên Trực

Trong căn nhà bình dị nằm ở con ngõ phố Ngọc Khánh, ông Mai Liêm Trực hé mở cho tôi "báu vật" ấy, bằng những hồi ức về gia đình mình: "Nhà tôi có hai gái, sáu trai. Anh cả tôi là Mai Kỷ, tên ông nội đặt với ý nghĩa phải giữ được kỷ cương. Còn lại, mấy anh em trai đều có tên là Trực - Khám Trực, Trọng Trực, Liêm Trực, Ái Trực - Bảo Trực - cha tôi đặt tên để gửi gắm các con sau này sẽ sống chính trực, thật thà. Nhà tôi nghèo, nhưng hiếu học, ông nội phải lao động rất vất vả để cho cha tôi từ Bình Định ra học Trường Bưởi ở Hà Nội. Cha tôi - cụ Mai Cù đỗ thành chung, học một năm ban tú tài. Năm 1946, cha tôi vào Đảng, làm Chánh văn phòng UBKC Bình Định, rồi Trưởng ty Tài chính. Năm 1954 cụ tập kết ra bắc".

Tuổi thơ của Liêm Trực trôi qua ngắn ngủi và nhọc nhằn dưới những bóng dừa Tam Quan. Một hôm, cả nhà đang ăn cơm tối thì có một người đàn ông đến bảo má tôi cho một thằng con ra bắc học. Má tôi suy nghĩ một lúc rồi bảo: "Thằng Nhật Em đi (Nhật Em là tên gọi ở nhà của tôi). Hôm sau tôi lên một chiếc tàu thủy đen xỉn, không giường chiếu. Hành trang tôi mang theo không có gì ngoài những điều mà ông nội và cha đã gửi gắm trong chính cái tên của mấy anh em tôi".

Ngọn lửa ham học của ba cha con họ Mai càng bùng cháy trên đất bắc.

Cụ Mai Cù ra Hà Nội khi đã 50 tuổi, ngày đi làm, tối vẫn miệt mài chong đèn học ngoại ngữ. Anh cả Mai Kỷ đang học dở lớp 11 thì "xếp bút nghiên" vào bộ đội (Sư đoàn 312) đánh Pháp, năm 1953 được cử sang Liên Xô học chuyên ngành luyện kim. Mai Kỷ học giỏi, năm 1959, về nước được mời làm giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội.

Năm 1963, Mai Liêm Trực được cử sang Đức học ngành vô tuyến điện. Học xuất sắc, về nước chàng trai này ghi nguyện vọng công tác: "Đã ăn cơm của Đảng của dân mòn răng nên về nước nguyện làm bất cứ điều gì". Nhưng câu đó bị nhiều người phê bình vì bị cho là mỉa mai chế độ phải ăn cơm độn ngô.

Nhớ lại chi tiết này, ông cười bảo: "Đó thực tế của tôi, vì xa nhà khi mới 10 tuổi, ăn cơm dân nuôi cho đến lúc trưởng thành, cho nên giao việc gì tôi nguyện làm hết lòng, không nề hà, kén chọn. Suy nghĩ này gắn với cả đời tôi".

Làm một anh kỹ sư lưu động trong thời chiến, khi hòa bình, Mai Liêm Trực lại tiếp tục sang Đức bảo vệ luận án Tiến sĩ và sức học đã khiến tất cả phải ngả mũ: sử dụng thành thạo năm ngoại ngữ. Năm 1983, khi đang làm Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, vị tiến sĩ này tình nguyện sang công tác ba năm ở Campuchia, đi khắp đất nước Biển Hồ đầy bom mìn và phục kích.

GS Mai Kỷ từng từ chối về làm lãnh đạo ngành Dầu khí. Năm 1991, Thủ tướng Võ Văn Kiệt muốn ông về làm Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, nhưng ông một mực xin "tha" vì tuổi đã già, sức khỏe kém, không còn phù hợp với công việc căng thẳng. Năm 1992 Thủ tướng Võ Văn Kiệt lại gọi ông lên vỗ vai bảo: "Cậu về làm hẳn cho tôi cái dân số. Giờ gay lắm, dân số tăng nhanh quá, kinh tế không phát triển được". Việc khó này ông Mai Kỷ nhận, dù có dư luận: "Giáo sư luyện kim thì biết gì mà đi đặt vòng tránh thai, hay muốn kiếm chác chức Bộ trưởng?". Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, ông Mai Kỷ đã kìm hãm được tốc độ tăng dân số. Anh em trong ngành đã gọi GS Mai Kỷ là "ông Thánh dân số". Năm 1995, khi công tác dân số đã ổn định, ông Mai Kỷ viết đơn xin nghỉ hưu.

Năm 2002, trước khi thành lập Chính phủ mới, TS Mai Liêm Trực được cấp trên đề nghị giữ chức Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông. Ông trả lời: "Chính phủ mới thành lập hai Bộ mới (Bưu chính Viễn thông và Tài nguyên Môi trường), hai anh em tôi đều làm Bộ trưởng trong một nhiệm kỳ có gì đó không hay".

Ông Mai Ái Trực - đúng khí chất nhà họ Mai - luôn thẳng thắn, cương trực. Khi làm Bộ trưởng, ông xin Trung ương rút khỏi danh sách ứng cử viên Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định để địa phương thêm một đại biểu sát dân hơn.

Trong nhiệm kỳ của mình, ông Ái Trực giải quyết được nhiều vấn đề nóng bỏng và phức tạp về đất đai. Ông từng "xui" dân: "Cán bộ làm sai, nhũng nhiễu dân, thay vì hối lộ cho cán bộ, người dân hãy đi kiện họ".

Nếp nhà trong ngày Tết

Trong tiết trời giá lạnh cuối năm, ông Mai Liêm Trực nhấp với tôi ly rượu, rồi ngẫm ngợi: "Cho dù gia đình tôi bị ly tán vì chiến tranh, nhưng truyền thống kỷ cương trên dưới và ham học, ham lao động vẫn được duy trì, tiếp nối. Dù ba anh em làm tới chức Bộ trưởng, Thứ trưởng, nhưng không lúc nào cãi lời cha mình, anh mình. Cha anh nói gì tôi cũng dạ. "Dạ", là sự trân trọng lời dạy bảo".

Những cái Tết của cha con nhà họ Mai trên đất bắc thời bao cấp cho dù thiếu thốn đủ thứ, ngay cả cái bếp đỏ lửa chiều 30 để làm bữa cơm tất niên cũng không có, nhưng nếp nhà vẫn chẳng vì thế mà phai nhạt. Mồng một Tết, hai anh em Mai Kỷ, Mai Liêm Trực đến căn phòng ba mình ở khu tập thể của Bộ Tài chính. Người ba nhận xét về hai con trong năm qua, rồi dặn dò từng đứa. Có những lúc, nghe ba nói, anh cả Mai Kỷ đã khóc trước mặt ba và em mình, dù lúc đó ông đã ở chức khá to.

Sau đó, mấy ba con ra ngoài phố tìm một quán cơm vẫn mở cửa để ăn Tết. Bữa cơm hàng ngày Tết trên đất khách của mấy ba con thường đau đáu nỗi niềm vọng cố hương, nhớ người vợ, người má và những anh chị em trong gia đình đã phiêu bạt chân trời góc bể và có cả những chia lìa mãi mãi. Mai Trọng Trực đi bộ đội, hy sinh ở chiến trường khu VI, chưa vợ con gì. Em út Bảo Trực ở nhà với má, bị bắt đi lính rồi chết trận ở nơi nào không rõ.

Ông Mai Liêm Trực rưng rưng: "Má tôi vì có chồng con đi tập kết cho nên bị bắt và đánh đập nhiều lần, nhà là bệnh xá của bộ đội nên bị ném bom chẳng còn gì. Ba tôi những ngày ở Hà Nội vẫn tiết kiệm từng đồng để sau này xây lại nhà cho má. Lúc đó, nhà tôi có cái máy khâu, tôi cũng bán để góp tiền mua cho má cái căn nhà nhỏ ở Quy Nhơn. Mấy anh em tôi đều yêu thương đùm bọc nhau, có việc gì thì cùng đứng ra gánh vác".

Ông Mai Liêm Trực giở cho tôi xem tấm album gia đình ba thế hệ quây quần hạnh phúc. Hai người con của vợ chồng ông, một đang làm ở VNPT, một đang làm cho công ty của Mỹ. Thế hệ thứ ba trong gia đình họ Mai đều thành đạt và gắn bó với nhau. Sau khi ba má mất, ngày Tết, đại gia đình sum họp ở nhà anh cả Mai Kỷ cùng ôn cố tri tân, nói cho con cháu nghe về "báu vật gia truyền". Thứ báu vật mà nhà họ Mai để lại cho con cháu không phải là tiền bạc, địa vị mà chính là truyền thống gia đình, nền nếp gia phong.

Ở tuổi xưa nay hiếm, ngồi ôn lại cuộc đời của mấy anh em, ông Mai Kỷ nói ngắn gọn nhưng tôi nghĩ không thể đầy đủ hơn: "Chẳng dám nói cao sang, chúng tôi đã xứng đáng với chính cái tên cha ông đã đặt".

Thứ báu vật mà nhà họ Mai để lại cho con cháu không phải là tiền bạc, địa vị mà chính là truyền thống gia đình, nền nếp gia phong.