An toàn - Giao thông

Bất cập trong quản lý xe đạp điện

Những năm gần đây, số lượng xe đạp điện, xe máy điện lưu thông ngày càng nhiều, trong đó đối tượng sử dụng là học sinh trung học phổ thông (THPT) chiếm phần lớn. Tuy nhiên, việc sử dụng xe đạp điện một cách "bất cần luật" đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT).

Xe đạp điện vẫn "ngoài vòng pháp luật". Ảnh: Trường Khanh
Xe đạp điện vẫn "ngoài vòng pháp luật". Ảnh: Trường Khanh

Quy chuẩn Việt Nam số 68:2013/BGTVT của Bộ Giao thông vận tải xác định, xe đạp điện là xe đạp hai bánh, được vận hành bằng động cơ điện một chiều hoặc bằng cơ cấu đạp chân có trợ lực từ động cơ điện một chiều, có công suất động cơ lớn nhất không quá 250W, có vận tốc thiết kế lớn nhất không quá 25 km/giờ và có khối lượng bản thân (bao gồm cả ắc-quy) không lớn hơn 40 kg. Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ quy định xe máy điện là xe cơ giới, còn xe đạp điện lại được hiểu là xe thô sơ, cho nên không phải đăng ký như xe máy điện, xe máy. Trong khi thực tế, tình trạng nhiều xe đạp điện không được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn chất lượng nhưng vẫn tham gia giao thông, đồng thời nhiều cơ sở sản xuất "độ" xe, tăng vận tốc xe lên tới 30 - 40 km/giờ gây mất an toàn giao thông (ATGT) cũng như nguy cơ cháy nổ.

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, nhóm đối tượng học sinh THPT có liên quan tới 90% tổng số vụ TNGT của trẻ em và tỷ lệ tử vong có xu hướng gia tăng những năm gần đây, nguyên nhân chủ yếu do đi sai phần đường, vi phạm tốc độ và thiếu quan sát. Đây là con số đáng giật mình.

Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận định, bản chất của xe đạp điện là phương tiện có gắn động cơ và đã xảy ra nhiều vụ TNGT liên quan đến phương tiện này. Nếu như phần lớn học sinh ở độ tuổi 15 trở xuống thường sử dụng các phương tiện phi cơ giới như xe đạp hay đi bộ tới trường, thì học sinh THPT (nhóm lứa tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên theo quy định) lại lựa chọn xe đạp điện và xe máy điện. Chính vì sự thay đổi từ đi bộ, xe đạp (tốc độ thấp) sang sử dụng xe đạp điện, xe máy điện, loại phương tiện có vận tốc tương đối lớn đã khiến nhiều học sinh THPT trở thành nạn nhân các vụ TNGT, bởi các em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức giao thông và chưa được học về kỹ năng điều khiển phương tiện an toàn, đúng cách.

Bên cạnh đó, số lượng phương tiện này ngày càng gia tăng khó kiểm soát. Ngoài con số hơn 310.000 xe đạp điện đã được cấp chứng nhận hợp tiêu chuẩn, được phép bán ra thị trường và lưu thông, hầu hết được sản xuất, lắp ráp trong nước, thì thực tế trên thị trường, lượng xe đạp điện bán ra lớn hơn nhiều lần, do vẫn đang tồn tại hoạt động sản xuất, lắp ráp chui hoặc
nhập lậu.

Kết quả điều tra của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, tỷ lệ cha mẹ học sinh ủng hộ việc điều khiển xe đạp điện và xe máy điện cần có chứng chỉ sát hạch kỹ năng lái xe lên tới 68% và 89%. Điều này cho thấy sự bức thiết trong quản lý và giám sát đối tượng học sinh đi xe đạp, xe máy điện hiện nay. Thành phố Hà Nội vừa kiến nghị lên Chính phủ về việc sửa đổi và hoàn thiện một số quy định về quản lý phương tiện giao thông đường bộ, trong đó có đề xuất quản lý xe đạp điện tương tự xe máy. Cũng vì lý do này mà Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa đề nghị sửa quy định trong Luật Giao thông đường bộ đối với xe đạp điện, coi phương tiện này là phương tiện cơ giới để phục vụ quản lý phương tiện, quản lý lưu thông hiệu quả hơn, nhằm hạn chế TNGT.

Trước khi đề xuất có hiệu lực, lực lượng chức năng cần giám sát chặt chẽ sản phẩm xe đạp điện bán ra thị trường, không để loại xe có vận tốc lớn hơn 25km/giờ
nhưng lại mang mác xe đạp điện được lưu thông. Ngoài ra, để giải quyết vấn đề này, các trường học và chính quyền cơ sở cần vào cuộc, phối hợp với lực lượng công an rà soát các đối tượng, phát hiện và xử lý những phương tiện "độ, chế" để xe đạp điện "bò nhỏ" không trở thành xe "bò điên".