Xét tặng danh hiệu nghệ nhân

Vừa bỏ sót, vừa... lạm phát

Sau hai lần trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT), nhiều bất cập về quy định phong tặng danh hiệu đã bộc lộ, vừa có nguy cơ bỏ sót người tài, vừa lạm phát danh hiệu.

Cần điều chỉnh lại các quy định hiện hành, để việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân thật sự có ý nghĩa.
Cần điều chỉnh lại các quy định hiện hành, để việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân thật sự có ý nghĩa.

Nguy cơ bỏ sót
 
 Đợt phong tặng danh hiệu NNND, NNƯT lần thứ ba sẽ diễn ra vào đầu năm 2021. Hiện tại, các địa phương trong cả nước đã thành lập hội đồng thẩm định xét chọn các đề cử, tiếp đó, công bố danh sách đã được xét chọn; tiến tới đề nghị Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu phê duyệt. Hà Nội vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về danh sách xét chọn để đề nghị. Có tới 95 nghệ nhân ở các lĩnh vực khác nhau, từ tuồng, chèo, ca trù, cho đến tò he, diều sáo… Bất ngờ nhất là ở lĩnh vực tri thức dân gian về nặn tò he. Cả thảy, có tới 17 nghệ nhân làng nghề tò he Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên) được đề nghị phong tặng danh hiệu, trong đó, hai người được đề nghị trao danh hiệu NNND, 15 người được đề nghị danh hiệu NNƯT. Thông thường, phần lớn các hồ sơ khi được đệ trình sẽ được thông qua. Nhưng khi nhìn vào danh sách người ta cũng thấy một bất ngờ khác. Cũng là tri thức về nặn con giống bột, nhưng nghệ nhân nổi tiếng của nghề nặn giống bột Phạm Thị Nguyệt Ánh (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) lại không có trong danh sách. Nhà nghiên cứu Trịnh Bách, người dành nhiều thời gian nghiên cứu khôi phục con giống bột cho biết: “Ngoài con giống bột ở Xuân La mà bây giờ nhiều người gọi là tò he, Hà Nội có hai dòng đồ chơi con giống bột khác, một là dòng Đồng Xuân, hai là dòng Phố Khách. Dòng Phố Khách do những người Trung Quốc đem sang, trước đây bán ở mạn phố Hàng Buồm, Mã Mây. So với con giống bột ở Xuân La, con giống bột Đồng Xuân, Phố Khách cầu kỳ hơn. Kỹ thuật nặn cao cấp nên có khi cả buổi mới làm xong một con. Bà Phạm Thị Nguyệt Ánh là truyền nhân duy nhất của con giống bột Đồng Xuân. Gần đây bà Nguyệt Ánh đã dạy một nghệ nhân trẻ ở Xuân La những kỹ thuật của con giống bột Đồng Xuân”.
 
 Mặc dầu sự so sánh chỉ là tương đối, nhưng việc bà Phạm Thị Nguyệt Ánh không có trong danh sách đề cử, trong khi làng nặn tò he lại có đến hơn chục nghệ nhân được đề nghị phong tặng khiến nhiều người thấy tiếc nuối. Tìm hiểu “quy trình” phong tặng nghệ nhân, hiện nay, muốn được phong tặng danh hiệu, nghệ nhân phải tự làm hồ sơ, lấy các chứng nhận rồi nộp về sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của các địa phương. Đây là lý do nhiều nhà nghiên cứu cho rằng việc phong tặng hiện nay chưa mang tính chất tôn vinh những nghệ nhân tiêu biểu mà còn mang nặng tính “xin - cho”. Những nghệ nhân lớn tuổi “ngại” thực hiện các thủ tục hành chính, rất dễ “trượt” danh hiệu nếu cứ tiếp tục làm theo quy trình này. Nghệ nhân con giống bột trứ danh Hà thành Phạm Thị Nguyệt Ánh là một trong vô vàn thí dụ.
 
 Con số và thực tế
 
 Trong khi quy trình hiện tại rất dễ để “lọt” nhân tài, thì một số quy định khác lại làm tăng nguy cơ… lạm phát nghệ nhân. Điều 6 của Nghị định 62/2014/NĐ-CP Quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể quy định các tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NNƯT. Trong các tiêu chuẩn này, thì thành tích, giải thưởng là một trong những yếu tố quan trọng. Đối với nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể là nghệ thuật trình diễn được đánh giá bằng những tấm huy chương ở các kỳ liên hoan. Tuy nhiên, hầu hết các kỳ liên hoan lâu nay đều bị mang tiếng là “mưa huy chương”. Sở dĩ có tình trạng “mưa huy chương”, vì Ban Tổ chức muốn động viên tinh thần nghệ nhân, để nghệ nhân có tâm huyết giữ gìn di sản. Nhưng không ít tấm huy chương mang tính động viên ấy, sau này lại được sử dụng để… xét tặng danh hiệu.
 
 Một trong những di sản được quan tâm nhất gần đây là ca trù. Nếu nhìn vào số lượng nghệ nhân được phong tặng danh hiệu thì hoàn toàn có thể tin tưởng rằng ca trù đang hồi sinh và phát triển vượt bậc. Riêng trong đợt phong tặng danh hiệu nghệ nhân sắp tới, Hà Nội đề nghị trao danh hiệu NNND cho bảy người và NNƯT cho 11 người. Nếu tính trên toàn quốc, con số nghệ nhân ca trù được trao tặng danh hiệu là rất lớn. Nhưng thực tế lại là một câu chuyện khác. Ca trù vẫn đang vật vã tìm đường thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho rằng, ca trù hiện nay đang “chạy theo phong trào”. Bản thân nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền và Viện Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đang phải tiến hành đề án hiệu chỉnh khuôn thước, âm luật và bài bản cho một số giáo phường, câu lạc bộ. Bởi thực tế, nhiều ca nương, kép đàn hiện tại hát sai khuôn khổ.
 
 Một vấn đề khác là thời gian thực hành di sản. Có nghệ nhân ca trù năm nay 26 tuổi được đề nghị xét tặng danh hiệu NNƯT. Yêu cầu đặt ra là có 15 năm thực hành. Vậy từ năm 11 tuổi nghệ nhân đó thực hành mức độ nào, chất lượng ra sao, hay trong 15 năm đó, có khoảng thời gian còn đang học hỏi. Quy định này cũng được nhiều người cho là cần làm rõ thêm.
 
 Đã có thời gian chúng ta “bỏ bê” việc tôn vinh nghệ nhân. Nghị định 62/2014/NĐ-CP Quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thật sự là một bước ngoặt trong hành trình tôn vinh và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, với những quy định đã bộc lộ bất cập, rất cần sớm phải điều chỉnh, sửa đổi nếu không muốn mỗi lần công bố danh sách NNND, NNƯT, là một lần thêm những băn khoăn.