Biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng:

Với múa, tôi được rất nhiều!

Nguyễn Phúc Hùng hiện là Tổng biên đạo tại Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch Tp Hồ Chí Minh (HBSO). Anh và các diễn viên của mình vừa hoàn thành dự án hợp tác với Viện Goethe bằng vở diễn Nhà thiện xạ. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với anh quanh những thăng trầm của nghiệp sáng tạo đứng trên mũi chân đầy thú vị và bay bổng.

Nhạc kịch Con dơi nằm trong dự án hợp tác giữa HBSO và Viện Goeth Việt Nam.
Nhạc kịch Con dơi nằm trong dự án hợp tác giữa HBSO và Viện Goeth Việt Nam.

Với múa, tôi được rất nhiều! ảnh 1Ðã có một thế hệ khán giả biết thưởng thức ballet

- Vì sao HBSO lại chọn vở Nhà thiện xạ để giới thiệu đến công chúng Việt Nam?

- Tác phẩm nằm trong dự án hợp tác giữa Nhà hát với viện Goethe Việt Nam. Họ đầu tư kinh phí và hỗ trợ nhân lực để chúng tôi dựng vở. Với hiệu ứng tốt từ vở Cây sáo thần, họ tiếp tục đầu tư để chúng tôi làm Con dơi, và lần này là Nhà thiện xạ. Cả ba vở đều do đạo diễn David Hermann thực hiện. Ê-kíp chỉ huy cũng là người Ðức. Thậm chí có những diễn viên solist, họ cũng đưa sang Ðức một, hai tháng trước để tập luyện.

- Khi đến Việt Nam, tác phẩm đã được thay đổi để phù hợp với văn hóa Việt. Ở vị trí của một biên đạo múa, đây có phải là thách thức đối với anh?

- Tôi nghĩ đó là thách thức. Qua rồi thời điểm tôi đưa ra sản phẩm nào anh cũng phải khen. Tôi là người sống ở Việt Nam và có cơ hội học tập ở nước ngoài, hiểu được hai nền văn hóa; vậy nên thách thức của tôi là tìm ra điểm chung, điểm giao hòa để hai nền văn hóa đó có thể chạm vào nhau. Vở Nhà thiện xạ nói về những anh lính thách đố đấu súng để chinh phục tình yêu, khi qua Việt Nam thì không gian trên sân khấu đã được thay đổi. Thay vì tuân theo nguyên mẫu cách đây 100 năm, chúng tôi đưa những dáng nét của xã hội Việt Nam vào, Việt Nam hóa hơn với khung cảnh xe máy, cột điện, phòng chơi bida… để khán giả tiếp nhận dễ dàng hơn.

- Ðược mặc định là bộ môn nghệ thuật hàn lâm, khán giả đón nhận Nhà thiện xạ và những vở diễn của HBSO gần đây như thế nào?

- Hai đêm công diễn vào cuối tháng 7 vừa rồi đều kín phòng. Chúng tôi đã xây dựng được một thế hệ khán giả theo chiều sâu, họ thật sự yêu thích và biết thưởng thức bộ môn nghệ thuật hàn lâm này. Ðiều đó có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược phát triển chiều sâu của nhà hát. Hiện tại, chúng tôi cũng đã lên kế hoạch về quảng bá, biểu diễn cho năm 2019.

- Nhà thiện xạ là vở nhạc kịch thứ ba đạo diễn David Hermann dàn dựng tại Việt Nam. Ðiều anh và đồng nghiệp của mình học hỏi được từ đạo diễn David Hermann là gì?

- Anh David Hermann làm khá thành công với ba vở này. Vợ anh là người Việt mặc dù được sinh ở nước ngoài. Mỗi lần sang Việt Nam, anh đều về quê vợ ở Bến Tre tìm hiểu rất nghiêm túc. Anh là người có sự đầu tư, nghiên cứu rất nghiêm túc đối với công việc. Các đạo diễn nước ngoài có những thế mạnh khác nhau, và đặc biệt thái độ làm việc của họ rất nghiêm túc, có sự đầu tư. Ðó là điều mà tôi rất trân trọng và luôn nhắc nhở các diễn viên của mình chú ý học tập.

- Khi làm việc với một đạo diễn nước ngoài, anh thấy có sự vênh nào giữa các nghệ sĩ múa của Việt Nam với yêu cầu của họ?

- Không có gì gọi là vênh cả. Tôi nghĩ rằng nền tảng của diễn viên Việt Nam rất tốt, mình chỉ cần thay đổi trong cách tư duy làm việc thôi. Vừa rồi, tôi làm dự án với đạo diễn Joost Vrouenraets của Hà Lan. Hiện tại anh ấy đang trở về nước, đi tìm nguồn tài trợ để thực hiện dự án cho năm sau. Ðạo diễn Joost Vrouenraets sẽ chọn bốn diễn viên của nhà hát sang Hà Lan tham gia dự án của anh ấy. Trong quá trình làm việc, anh ấy có nhận xét là diễn viên Việt Nam không hề kém diễn viên của nước ngoài.

- Ðây có phải là thành quả mà anh chăm bẵm gần 10 năm nay, trên cương vị Tổng biên đạo của nhà hát?

- Tôi quan niệm rằng, không có ai tồn tại mãi mãi trong nghề diễn viên. Muốn duy trì, trụ được thì luôn luôn phải “vắt nước” trên sàn từ sáng tới chiều, làm những dự án thật tốt. Tôi vẫn nói với các bạn: “Có thể những yêu cầu anh đưa ra lúc này không đưa lại tiền bạc cho bọn em ngay lập tức. Nhưng rõ ràng nó là nền tảng, đủ để bọn em tiếp tục phát triển trong nghề mà bọn em đang theo đuổi”.

Muốn tồn tại và phát triển đường dài, đòi hỏi diễn viên luôn phải đổi mới, phải phát triển và cố gắng không ngừng. Ðến lúc trưởng thành, chắc chắn các cơ hội khác sẽ đến với các bạn, trở thành những diễn viên, biên đạo hàng đầu. Tôi nghĩ đây là thành quả vì chúng tôi có định hướng chung, ứng xử chung đối với diễn viên. Tôi chỉ là một cá nhân thôi và tôi cùng với tập thể xây dựng nên thành quả đó.

Luôn thấy mình bước tới

- Gần 10 năm về nước làm việc, đến bây giờ anh thấy quyết định của mình như thế nào?

- Tôi không khẳng định có chính xác hay không, nhưng chắc chắn lúc tôi về là đúng thời điểm. Tất cả mọi thứ từ cách xây dựng, định hướng phát triển của nhà hát, các ê-kíp cộng tác, giám đốc… đều mới. Hiện tại, tôi chưa xác định cho mình thành công hay chưa thành công mà tôi thấy mình đang phát triển đúng hướng, luôn luôn cho mình một cái gì đó để mình bước tới. Tôi thấy cũng không có gì để hối tiếc vì tôi được quá nhiều: Ðược làm việc trong một tập thể từ ban giám đốc đến các bạn diễn viên đều chung một chí hướng, được học hỏi, làm việc với người nước ngoài… Tôi thấy mình được nhiều lắm!

- Nói vậy là anh hài lòng?

- Tôi nghĩ, mình đã làm tốt được một điều là tạo ra được màu sắc riêng cho đoàn, không bị lẫn lộn giữa vài trăm đoàn nghệ thuật khác. Tôi đang rất tự hào về màu sắc mà tôi và tập thể đã tạo ra. Tôi hài lòng với phương hướng mà mình đang theo đuổi, còn hài lòng với bản thân thì không. Tôi không bao giờ hài lòng với bản thân. Nếu có suy nghĩ đó, thì có lẽ là lúc về hưu rồi!

- Một cách khách quan, anh thấy đời sống của những nghệ sĩ múa Việt Nam hiện nay như thế nào?

- Tôi vẫn sống ổn đây, vẫn nuôi vợ và hai con. Tôi vẫn phát triển được và luôn mong muốn sau này con sẽ tiếp nối nghề của mình. Ðến với nghề múa, tôi cảm thấy được tự do, được làm những điều mình yêu thích, sống được với nó. Với những diễn viên trong đoàn, những người mà trụ lại và làm việc đến giờ thì tôi cũng rất tự hào về các bạn ấy. Các bạn sống được, và tồn tại được với nghề.

- Có một điều là đất dành cho múa hiện nay vẫn không có nhiều, những người như anh sống bằng gì?

- Tôi không vỗ ngực nói nghề múa của mình giàu có lắm, nhưng chúng tôi đủ để tồn tại và tồn tại một cách khá là thoải mái. Ðây là đúc kết từ cả những người chung quanh chứ không phải tôi nói riêng về mình. Tuy nhiên, tôi cũng phải nói là phải làm việc thật lòng, làm việc đến tận cùng mới được như thế. Còn làm việc theo kiểu hời hợt thì sẽ sống theo một cách khác. Thậm chí có thời điểm, người ta còn sống khỏe hơn những bạn làm việc thật lòng. Nhưng với kiểu “ăn xổi ở thì” như vậy sẽ khó mà đi xa được. Sống ở đời, hơn nhau về lâu về dài mà!

- Xin cảm ơn những chia sẻ của anh.