Ðừng trách công chúng!

16 vở diễn của 11 đơn vị nghệ thuật tuồng, dân ca kịch trên cả nước hội tụ về Nhà hát Lam Sơn (Thanh Hóa) tham dự Liên hoan Tuồng, Dân ca kịch toàn quốc 2019 đã thể hiện rất rõ diện mạo và thực trạng của hai loại hình sân khấu này. Sân khấu truyền thống vẫn đang phải đối diện với bài toán khủng hoảng khán giả, trong khi tư duy và thủ pháp dàn dựng quá cũ kỹ, nhàm chán.

Cảnh trong vở Trung thần (NH Tuồng Việt Nam) được giới nghề đánh giá cao vì mạnh dạn giao trách nhiệm cho dàn đạo diễn, diễn viên trẻ.
Cảnh trong vở Trung thần (NH Tuồng Việt Nam) được giới nghề đánh giá cao vì mạnh dạn giao trách nhiệm cho dàn đạo diễn, diễn viên trẻ.

Loay hoay với bài toán bảo tồn và phát triển

Những khó khăn về thiếu tác giả, đạo diễn và nghệ sĩ trẻ tài năng là vấn đề lớn mà các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật tuồng và dân ca kịch đã phải đối diện từ nhiều năm nay. Tại Liên hoan lần này, vẫn lại là những cái tên quen thuộc như các tác giả: Nguyễn Sỹ Chức, Nguyễn Xuân Ðức, Văn Trọng Hùng, Ðinh Bằng Phi…; các đạo diễn: NSND Lê Tiến Thọ, NSND Lê Hùng, NSND Hoài Huệ, NSND Hồng Lựu, Ðặng Bá Tài… Cá biệt, tác giả Nguyễn Sỹ Chức có tới sáu vở, NSND Lê Tiến Thọ dàn dựng tới bốn vở… Ðáng buồn là, không ít vở diễn đã thất bại, theo nhận xét của giới nghề thì không đạt một mặt nào từ kịch bản, dàn dựng cho diễn xuất.

Hẳn những nghệ sĩ tham gia liên hoan không khỏi chạnh lòng khi hầu hết các buổi dự thi đều thưa vắng khán giả. NSND Giang Mạnh Hà, thành viên Hội đồng nghệ thuật nhìn nhận: “Có cảm giác như nghệ thuật truyền thống đang rời xa hiện thực cuộc sống, tác phẩm dàn dựng không hấp dẫn. Cứ khư khư giữ lấy quá khứ, ôm những kinh nghiệm cũ ra để lựa chọn kịch bản cũng như dàn dựng để rồi dựng ra những tác phẩm vô thưởng vô phạt thì đừng trách vì sao công chúng, người tình của sân khấu rời xa sân khấu truyền thống và họ tự “ly hôn” đơn phương”.

Nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ

Theo NSND Giang Mạnh Hà thì sân khấu truyền thống muốn kéo khán giả đến với mình phải thay đổi tư duy sáng tạo, sân khấu truyền thống phải được đẩy nhanh tiết tấu, cắt bớt những màn độc thoại tâm trạng kéo dài và mạnh dạn áp dụng những hình thức thể hiện sân khấu tiên tiến của thế giới. “Nếu các nhà làm sân khấu truyền thống nắm vững đặc trưng cơ bản của từng loại hình thì sẽ không bao giờ sợ cảnh “gieo vừng, ra ngô”. Cái gốc âm nhạc vẫn là linh hồn cho các vở diễn kịch hát truyền thống, cái khác cần đổi mới chính là ở hình thức thể hiện”, NSND Giang Mạnh Hà chia sẻ quan điểm của mình.

Nhìn ở một góc độ khác, nhà văn Nguyễn Quang Vinh cho rằng cần phải đổi mới ngay từ tư duy quản lý cũng như chỉ đạo nghệ thuật ở các đơn vị nghệ thuật hiện nay. Sự thiếu hụt tài năng trẻ tham gia các vai diễn chính tại liên hoan lần này, diễn viên đóng vai chính đều vượt khung ngưỡng 40 tuổi. “Tôi cho rằng những vai diễn “có đất” diễn ở nhiều vở diễn được trao cho các anh chị nghệ sĩ lớn tuổi là do áp lực dự thi cần phải có huy chương để đủ số lượng huy chương xét tặng danh hiệu. Ðã đến lúc cần có sự thay đổi trong tiêu chí xét tặng danh hiệu, không căn cứ vào huy chương thì tài năng trẻ mới có cơ hội phát triển. Áp lực giải thưởng và huy chương đã làm cho các vở diễn trở nên “nghèo” hơn khi vắng bóng những diễn viên trẻ”. Một trong những điều mà nhà văn Nguyễn Quang Vinh vô cùng bức xúc khi chia sẻ đó là: “Chất lượng của các vở diễn ở các đơn vị nghệ thuật địa phương hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào hội đồng nghệ thuật cũng như sự chỉ đạo của lãnh đạo địa phương. Có những yêu cầu máy móc đến vô lý khi lãnh đạo địa phương luôn đòi hỏi phải có những vở diễn về đề tài nông thôn mới để có thể khoe được những thành tích của địa phương họ. Sự cát cứ của địa phương trong đề tài còn đang ảnh hưởng rất nặng nề đối với các đoàn nghệ thuật”.

Lộ trình thực hiện chủ trương xã hội hóa ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước hiện rơi vào tình trạng bế tắc đang được xem là một vấn đề lớn gây ảnh hưởng đến tâm tư nghệ sĩ cũng như đường hướng phát triển của nhiều đơn vị nghệ thuật truyền thống. Hiện tại, các đơn vị nghệ thuật công lập trong đó có sân khấu truyền thống ở một số tỉnh địa phương đã sáp nhập với Trung tâm Văn hóa thành một đơn vị tổng hợp. Hệ lụy là nhiều đơn vị nghệ thuật đã không còn giữ được bản sắc nghệ thuật mà chạy theo xây dựng các chương trình tấu hài, kịch ma… để có doanh thu.

Rất nhiều vướng mắc chưa được nhìn nhận và giải quyết thấu đáo đang tác động tiêu cực đến sự phát triển của các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống, cùng với đó là sự bất ổn trong tâm tư của đội ngũ nghệ sĩ, những người đang lưu giữ và tiếp nối những giá trị tinh hoa của nghệ thuật dân tộc. Tháo gỡ những vướng mắc đó là câu chuyện không chỉ ngày một, ngày hai. Trước mắt, đối với các đơn vị nghệ thuật tham gia Liên hoan lần này, chắc hẳn khi nhìn vào những điểm sáng, những vở diễn được hội đồng nghệ thuật và đồng nghiệp đánh giá cao, họ sẽ tự rút ra cho mình bài học để làm sao xây dựng được những tác phẩm nghệ thuật không những bảo đảm được đặc trưng của loại hình, mà còn có giá trị tư tưởng cao, đáp ứng được thị hiếu của công chúng hôm nay.