Trước những câu hỏi lớn

Đang có ngày càng nhiều ý kiến cho rằng, các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam cần phải thay đổi để thu hút công chúng hiện đại. Vậy nhưng, với những thử nghiệm làm mới ở một số tác phẩm thời gian gần đây, lại gây nhiều băn khoăn cho người làm nghề, bởi sự phai nhạt những yếu tố đặc trưng của loại hình. Trong đó, tuồng cũng không là một ngoại lệ…

Chuyện bịa ở làng Vồm của Nhà hát Tuồng Việt Nam đã gây được ấn tượng đặc biệt với giới nghề.
Chuyện bịa ở làng Vồm của Nhà hát Tuồng Việt Nam đã gây được ấn tượng đặc biệt với giới nghề.

Ðổi mới nhưng không phá vỡ nguyên tắc của loại hình

Tuồng là một loại hình sân khấu tả ý, tự sự. Cũng từ đặc trưng và phương pháp nghệ thuật của loại hình mà tự thân hình thành các nguyên tắc: Cấu trúc mở; Ngôn ngữ văn học là thơ, văn biền ngẫu; Ước lệ trong không gian và thời gian sân khấu; Nghệ thuật diễn xuất gồm hát, múa… Những nguyên tắc này gắn chặt, hòa quyện vào nhau và được đúc kết từ những vở tuồng kinh điển như Sơn Hậu; Tam nữ đồ vương; Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan… các trích đoạn nổi tiếng như Hồ Nguyệt cô; Ðào Tam Xuân; Ôn Ðình chém Tá; Kim Lân qua đèo…

Trải qua nhiều thế kỷ, những thay đổi của lịch sử, xã hội… cũng đã làm thay đổi thẩm mỹ và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, đòi hỏi sân khấu tuồng phải tự thay đổi, làm mới mình. Ðã có hàng loạt những tác phẩm được nền sân khấu Việt Nam ghi nhận như những thành công nổi bật của ngành tuồng: Ðề Thám (đề tài cận đại, Huy chương vàng năm 1970); Suối Ðất Hoa (đề tài hiện đại, Huy chương vàng 1980); Hồ Quý Ly (đề tài lịch sử, Huy chương vàng năm 1999)… và gần đây là vở tuồng hài Chuyện bịa ở làng Vồm (đề tài hiện đại, Huy chương vàng năm 2016). Các vở diễn vừa được liệt kê cho thấy: Dù có thay đổi đề tài; thể tài… những tác giả, đạo diễn của các tác phẩm đó cũng không phá vỡ cấu trúc, ngôn ngữ văn học kịch, âm nhạc, nghệ thuật diễn xuất và đặc biệt là xử lý không gian và thời gian sân khấu của tuồng.

Những người hoạt động trong nghệ thuật tuồng nói riêng, sân khấu kịch hát truyền thống nói chung, đều thuộc nằm lòng câu Có tích mới dịch nên trò. Tích (kịch bản) có hay thì mới có trò (vở diễn) hay để xem. Nhưng để có được một kịch bản hay cần một tác giả hiểu biết về nghệ thuật tuồng để thực hiện quy trình này. Bởi lẽ bên cạnh việc tuân thủ cấu trúc thể loại, văn học kịch trong tuồng không dung nạp những ngôn từ thô thiển mà phải là những áng thơ, hội tụ được đủ Tình; Cảnh; Sự như nhà bác học Lê Quý Ðôn từng nói.

Các tác giả tuồng giai đoạn hiện đại đã học cụ Hậu Tổ tuồng Ðào Tấn chấp nhận đổi mới, thay đổi khá toàn diện nhằm đáp ứng nhu cầu phản ánh hiện thực cuộc sống. Từ những mô hình tính cách nhân vật bất biến (thiện - ác phân minh) sang xây dựng nhân vật chuyển hóa tính cách (từ tốt sang xấu hoặc ngược lại). Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để giữ được chất tuồng là các tác giả vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc tự sự, thực hiện được phương pháp tả ý của loại hình... Ðặc biệt, không thể bỏ những lớp tự sự của các nhân vật vì nó là những lớp kịch quan trọng nhất trong tuồng để nhân vật bộc lộ tâm trạng, suy nghĩ và quyết định hành động. Cũng nhờ những lớp tự sự này mà chúng ta mới có những trích đoạn để đời.

Sân khấu phương Tây hiện đại đang loại dần những trang trí cồng kềnh, rườm rà để quay về với sự ước lệ đến tối giản của mỹ thuật sân khấu nhằm dành tối đa sự ưu tiên cho con mắt, tai nghe của người xem thưởng thức nghệ thuật biểu diễn của diễn viên. Vậy mà những người làm sân khấu kịch hát dân tộc trong đó có sân khấu tuồng Việt Nam, với mong muốn làm mới sân khấu, lại đang hướng tới việc sử dụng những công nghệ hỗ trợ như màn hình LED, bục bệ, ánh sáng một cách quá đà để chứng tỏ mình đang cập nhật công nghệ vào sân khấu.

Ðể có được câu trả lời đúng

Dựng được một vở tuồng hiện đại đã khó, để bạn nghề công chúng ghi nhận càng khó. Nhưng để tiếp cận, thưởng thức đánh giá theo kiểu tuồng cũng không hề đơn giản, thậm chí còn khó hơn nữa.

Nghệ thuật diễn xuất của tuồng dù tham gia vào các vở diễn ở bất kỳ đề tài nào, thể tài nào cũng không thể bỏ nguyên tắc: âm nhạc, lời thơ là cầu nối vào các bài bản, làn điệu; không thể cắt bỏ những trình thức múa tuồng… Ðổi mới là xử lý sao cho phù hợp, cho đắt như cách ông bà ta từng dạy là bẻ làn, nắn điệu… Ðừng phá hỏng nhận thức về tuồng, như một nghệ sĩ tuồng kỳ cựu từng phát biểu: Ðừng thổi kèn tuồng khi mở đầu vở diễn, mở đầu cảnh kẻo người ta tưởng kèn đám hiếu; bỏ cách vỉa vào bài bản, làn điệu cho nhanh tiết tấu kịch… Nên hiểu, tiết tấu vở diễn, tiết tấu trong nghệ thuật biểu diễn tuồng không phải là sự nhanh hay chậm mà chính là tiết tấu cảm của đời sống nhân vật trong từng hoàn cảnh kịch cụ thể và trong toàn bộ vở diễn.

Tại Cuộc thi Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2016, vở Chuyện bịa ở làng Vồm của Nhà hát Tuồng Việt Nam đã gây được ấn tượng đặc biệt với giới nghề. Nhà hát cùng ê-kíp sáng tạo đã có cách nghĩ, cách làm táo bạo khi thay đổi thể tài của loại hình, đi thẳng vào những bức xúc của xã hội đương đại. Vở diễn được đông đảo các nghệ sĩ, công chúng tán thưởng và được Ban chỉ đạo, Hội đồng Nghệ thuật đánh giá cao cách tiếp cận cuộc sống, đã phản ánh sâu sắc cuộc sống đương đại với sự tha hóa của quan chức thời hiện đại mà không phá vỡ những nguyên tắc của tuồng, vẫn tạo nên sự hoàn chỉnh trong tổng thể vở diễn.

Nhìn ở khía cạnh gìn giữ nghệ thuật tuồng, thật khó khi cùng lúc mong muốn sân khấu tuồng đáp ứng đủ yêu cầu ở nhiều góc độ: Phải thay đổi để sân khấu tuồng phản ánh được cuộc sống đương đại, để sân khấu tuồng có khán giả… nhưng tuồng cần phải gìn giữ đặc trưng loại hình, nếu không sẽ biến dạng thành một kịch chủng khác. Thiết nghĩ, để có một câu trả lời đúng, một cách thực hiện đúng trước tiên phải bắt đầu từ các nhà quản lý, từ sự tự trọng của những người làm nghề. Chúng ta đang rất cần những cuộc trao đổi một cách khoa học, thẳng thắn, minh triết… để quyết định hướng đi, hướng phát triển đúng đắn cho hoạt động nghệ thuật của sân khấu dân tộc nói chung, sân khấu tuồng nói riêng.