Trò chơi dân gian trong kết nối đương đại

Trò chơi dân gian không chỉ mang giá trị văn hóa, nếp sống, tập quán, nhiều trò chơi còn rất… hiện đại, có tác động giúp kích thích trẻ làm việc nhóm, tính toán, tư duy… Nhờ sự nỗ lực, nhiệt tâm của một số nhóm bạn trẻ, nhiều trò chơi dân gian đặc sắc đang tìm đường trở lại với cuộc sống đương đại.

Trò chơi dân gian sẽ có vị trí trong đời sống đương đại nếu ta "khơi" được đúng nguồn.
Trò chơi dân gian sẽ có vị trí trong đời sống đương đại nếu ta "khơi" được đúng nguồn.

Phong phú cách "khơi nguồn"

Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) dịp cuối tuần, ở khu vực trước tượng đài Quyết tử là không gian quen thuộc của nhiều trò chơi dân gian. Bất cứ vị khách nào, dù già hay trẻ, cũng có thể tham gia những trò chơi như: kéo co, đánh chuyền, ô ăn quan, nhảy dây… Người chưa quen với luật chơi sẽ được hướng dẫn. Và rất nhiều khách quốc tế cũng hăng hái tham gia. Những trò chơi dân gian một thời vắng bóng, nay dần tìm được đường về.

Tại nhiều lễ hội, liên hoan văn hóa, không gian công cộng, những trò chơi dân gian xuất hiện ngày một nhiều hơn. Ngoài những trò chơi kể trên, một số trò phổ biến khác có thể kể đến: nhảy bao bố, đập niêu, cầu thăng bằng, đánh đu… Ðáng chú ý, cùng sự quan tâm của một số cơ quan chức năng, đã xuất hiện nhiều nhóm bạn trẻ tình nguyện khôi phục những trò chơi dân gian này. Ở Hà Nội, điển hình phải kể đến nhóm My Hanoi (Hà Nội của tôi), với nhiều hoạt động hướng đến việc khôi phục, quảng bá văn hóa truyền thống Hà Nội. Nhóm chuyên "đảm nhiệm" những trò chơi dân gian tại phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Nhóm Sân đình, tuy thành lập muộn hơn, nhưng lại có hướng đi mới, hướng đến hoạt động ở các trường học, gắn trò chơi dân gian với các hoạt động tuyên truyền sống xanh, bảo vệ môi trường…

Nguyễn Thanh Nga, sinh viên Khoa Xã hội học (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) là một trong những sáng lập viên của Sân đình. Thanh Nga chia sẻ: "Tuổi thơ chúng em từng được trải nghiệm trò chơi dân gian, được nghe những câu chuyện về trò chơi dân gian thú vị. Nhưng trẻ em bây giờ, nhất là ở các đô thị không biết đến trò chơi dân gian, các em lại cũng thiếu những trò chơi bổ ích. Trước khi thành lập nhóm Sân đình, chúng em có thực hiện một khảo sát thì có đến hơn 90% số người được hỏi mong muốn được biết, được trải nghiệm trò chơi dân gian. Mọi người cũng lầm tưởng trò chơi dân gian đơn điệu. Nhưng thực tế, các trò chơi dân gian có nhiều loại khác nhau, loại kích thích vận động, loại rèn luyện sự khéo léo, loại rèn tư duy… rất hữu ích với cuộc sống hiện đại".

Nhóm Sân đình từng tổ chức nhiều hoạt động khuyến khích tham gia các trò chơi dân gian, nổi bật nhất là việc phối hợp với các nhóm khác tổ chức sự kiện Olympic trò chơi dân gian Việt Nam vào tháng 9-2018 tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), được cộng đồng quan tâm. Những câu chuyện trên cho thấy, trò chơi dân gian sẽ có sức sống nếu ta "khơi" được đúng nguồn.

"Hiện đại hóa" trò chơi dân gian

Chị Dương Bích Diệp (phố Kim Mã, Hà Nội) vừa mới mua cho con một bộ đồ chơi ô ăn quan. Chị cho biết: "Hồi nhỏ tôi từng chơi trò ô ăn quan. Thấy vui thôi. Nhưng sau này, khi tìm hiểu thì mới biết nó có ý nghĩa. Con số 5 trong trò rất ý nghĩa với văn hóa Việt. Cách chơi dạy trẻ phải biết tính toán, rèn luyện tư duy. Tôi mua một bộ để buổi tối có thể chơi cùng các con, giúp các con vừa học, vừa chơi".

Ðã có một số doanh nghiệp thử nghiệm các cách thức "hiện đại hóa" trò chơi dân gian. Bộ đồ chơi ô ăn quan chính là một trong số đó. Ðây cũng chính là ý tưởng của nhóm Sân đình.Trước kia, trẻ em chỉ cần mấy viên sỏi, viên đá, kẻ ngay trên nền đất, nền gạch là có thể tạo một "sân chơi" cho ô ăn quan. Bây giờ, bọn trẻ phải giữ gìn vệ sinh hơn, cuộc sống đô thị khiến các em nhỏ cũng gặp khó khăn trong việc tìm sân chơi. Nhóm Sân đình đã tạo ra bộ đồ chơi ô ăn quan bằng những viên sỏi trắng xinh xắn để bọn trẻ có thể mang theo khi đi bất cứ nơi đâu. Trẻ em nông thôn vẫn có thể chơi trò chơi dân gian theo lối truyền thống. Nhưng không gian đô thị cần đề cao sự tiện lợi.

Không dừng lại ở đó, nhóm Sân đình còn muốn tích hợp những vấn đề của cuộc sống đương đại, mang tính giáo dục cao, nhất là về môi trường, vào các trò chơi dân gian. Có thể kể đến một số chương trình tổ chức ở trường học và khu dân cư gần đây như chương trình tại Trường mẫu giáo Trăng Ðỏ (quận Cầu Giấy, Hà Nội), Trường THCS Thực nghiệm tại Hà Nội hay chương trình tại khu dân cư Nhà máy Ford Hải Dương… Các bạn trẻ sử dụng trò chơi dân gian là phương tiện để truyền thông điệp về bảo vệ môi trường tới trẻ em. Dịp lễ Quốc tế Thiếu nhi năm nay, Sân đình sẽ tham gia chương trình "Không khí sạch - Hà Nội xanh" diễn ra vào ngày 31-5 và 1-6, chương trình do Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) tổ chức. Trong chuỗi những hoạt động về môi trường, sẽ có sân chơi tìm hiểu về không khí với các trò chơi vận động, đố vui, trò chơi từ vật liệu tái chế.

Mang hơi thở hiện đại vào những giá trị xưa cũ là điều không dễ, nhất là khi nhận thức của cộng đồng còn hạn chế.Nhưng hoạt động của những bạn trẻ cho chúng ta hy vọng về sự trở lại đầy hứng khởi của các trò chơi dân gian độc đáo của dân tộc.