Dòng chảy văn hóa 2019

Tình yêu và khát vọng

Dường như luôn có nhiều niềm vui song hành cùng những ưu tư trong sự chuyển động ngày càng hối hả của đời sống văn hóa - nghệ thuật nước nhà. Nhưng sự trẻ trung, nhiệt huyết để bắt nhịp với dòng chảy chung của tinh thần sáng tạo không biên giới có lẽ là cảm hứng chủ đạo, bởi ngay cả trong sự phát lộ của những vụ việc gây xôn xao dư luận, cũng cho thấy một cách nhìn mới của xã hội, với những vấn đề thuộc phạm trù văn hóa. Điều đó, chính là một tín hiệu vui cho phát triển.

Bãi cọc Cao Quỳ hứa hẹn tiềm năng về một địa chỉ giáo dục văn hóa - lịch sử tầm cỡ nếu được đầu tư tốt.
Bãi cọc Cao Quỳ hứa hẹn tiềm năng về một địa chỉ giáo dục văn hóa - lịch sử tầm cỡ nếu được đầu tư tốt.

Các giá trị truyền thống “lên ngôi”

Trong tinh thần sáng tạo của nhiều sản phẩm nghệ thuật đình đám được ra mắt công chúng trong năm 2019, không hẹn mà gặp, xu hướng tìm về các giá trị truyền thống, dân tộc là điểm chung dễ nhận thấy, trải đều trên các lĩnh vực của đời sống nghệ thuật.

Gây sốt vé và lập kỷ lục phòng chiếu, các bộ phim Hai Phượng, Song Lang mang đến những ấn tượng mạnh mẽ với công chúng về những sản phẩm điện ảnh chất lượng cao, chuyên nghiệp, tiệm cận phong cách làm phim hiện đại của thế giới, nhưng lại truyền đi những thông điệp thấm đẫm sắc màu của văn hóa, lối sống con người Việt Nam. Đạo diễn Ngô Thanh Vân còn cho thấy một khát vọng lớn hơn trên hành trình khai thác các giá trị truyền thống của nền văn hóa dân tộc, khi vừa chính thức công bố poster và thông tin chính thức về dự án phim lớn nhất của cô đã được ấp ủ từ bốn năm nay: Dự án phim Trạng Tí, chuyển thể từ bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt ngay trong những ngày cuối cùng của năm 2019.

Không gây ồn ào như các bộ phim kể trên, nhưng lại thu hút sự chú ý của những người làm nghề và tạo nên một dấu ấn đặc biệt về phương thức sáng tạo là dự án sáng tạo Nàng Kiều do Viện Goethe và Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác tổ chức. Có đến bốn đạo diễn được mời tham gia dự án, và được mặc sức sáng tạo theo quan điểm riêng của mình. Giá trị trường tồn của tác phẩm cùng tài năng của những nghệ sĩ đương đại đã mang đến cho công chúng những trải nghiệm khác biệt, sáng tạo và mới lạ, cả về giá trị nghệ thuật và lớp tầng văn hóa.

Còn rất nhiều những dự án đặc sắc khác, trong nhiều lĩnh vực như âm nhạc, thiết kế thời trang, mỹ thuật ứng dụng hay hội họa… sự tìm về, khai thác những “vỉa quặng” văn hóa truyền thống, thổi vào đó tinh thần và sự cảm thụ của những người trẻ hôm nay đã tạo nên một đời sống mới cho những giá trị đậm màu dân tộc ấy. Sự thành công có thể được đong đếm ở nhiều mức độ, từ nhiều góc độ của người tiếp nhận, nhưng cảm hứng mà những sáng tạo ấy truyền tới công chúng, cũng như sự đón nhận của công chúng đối với các thông điệp được chăm chút, đầu tư kỹ lưỡng ấy cho thấy một tâm thế trân trọng và đề cao văn hóa truyền thống.

Nhiều nhà nghiên cứu đã chia sẻ rằng, đi - để trở về, lớp người Việt trẻ hôm nay có điều kiện tiếp nhận và cảm thụ các giá trị của xã hội hiện đại bên ngoài biên giới đất nước. Và chính sự trải nghiệm đó lại càng cho họ thấy, giữa một thế giới toàn cầu hóa mạnh mẽ như vậy, văn hóa truyền thống đậm sắc màu dân tộc chính là điểm tựa vững chãi cho mỗi hành trình. Chính vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng sẽ tiếp tục được đón nhận nhiều sáng tạo đặc sắc hơn nữa, dựa trên những chất liệu của văn hóa dân tộc.

Tình yêu và khát vọng ảnh 1

Dự án Nàng Kiều mang đến cho công chúng và những người làm nghề nhiều trải nghiệm mới mẻ.

Ghi danh và vinh danh

Những ngày cuối năm 2019 khép lại với nhiều ồn ào, day dứt quanh câu chuyện ghi danh và vinh danh các giá trị, trên nhiều lĩnh vực.

Di sản Thực hành hát Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã được UNESCO chính thức ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Như đại diện của UNESCO khẳng định, việc công nhận và ghi danh di sản này trước hết, và trên hết, là để chính cộng đồng đó hiểu và có ý thức về giá trị của di sản mà mình đang nắm giữ, để có kế hoạch gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc đó trong đời sống đương đại. Không có sự phân định cao, thấp trong việc công nhận và ghi danh các di sản này, bởi văn hóa vốn khác biệt và đa dạng, mọi sự so sánh, đánh giá đều không thể chính xác được. Đây cũng là điều cần được điều chỉnh lại trong nhận thức của xã hội Việt Nam, khi vốn lâu nay, ngay cả chính quyền nhiều địa phương có di sản cũng luôn có tâm thế “con gà tức nhau tiếng gáy” để dồn tâm sức cho việc xây dựng hồ sơ di sản, mà chưa thật sự chú trọng và đầu tư đúng mức cho việc bảo tồn các di sản đó. Trong khi, bảo tồn hợp lý mới là đích đến của mọi chương trình, nỗ lực ghi danh và vinh danh di sản.

Cũng liên quan đến việc ghi danh, nhưng là danh sách công nhận di tích lịch sử - văn hóa của Việt Nam, sự thiếu hợp lý trong các quy định lại là rào cản khiến cho các cơ quan chức năng gặp khó khi muốn can thiệp vào việc bảo tồn một số di tích có giá trị, khi chính chủ sở hữu của di tích đó chưa thật mặn mà với nhu cầu bảo tồn. Đó là câu chuyện gây xôn xao dư luận của việc hạ giải nhà thờ Bùi Chu, hay gần đây nhất là số phận chưa được định đoạt của Trạm phát sóng vô tuyến điện Bạch Mai và di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối. Chính sức ép của dư luận đã buộc các đơn vị, cá nhân có vai trò quyết định đến số phận của các di sản này phải tạm dừng kế hoạch hạ giải công trình, và tìm kiếm những giải pháp ổn thỏa hơn để đáp ứng cả nhu cầu của bảo tồn và phát triển.

Chưa có nhiều điều chỉnh về quy định được đề xuất, ngay cả khi những vụ việc như thế xảy ra khiến cho cơ quan chức năng nhận thức được sự bất cập của các quy định hiện hành. Nhưng điều hay là, hướng mở cho các vụ việc này sẽ trở thành những gợi ý tốt cho nhiều trường hợp khác, khi xảy ra xung đột cần điều chỉnh. Những làn sóng dư luận cũng cho thấy sự quan tâm lớn của xã hội đến các giá trị văn hóa, cũng như việc khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trong đời sống hiện đại. Một điều không dễ thấy, nếu ở thời điểm bốn, năm năm trước.

Với tốc độ phát triển nóng của nhiều đô thị và ngay cả nhiều vùng nông thôn hiện nay, số phận các di sản văn hóa đang trở nên ngày càng mong manh. Dù nỗ lực của cộng đồng đã tạo nên nguồn sức mạnh lớn, song, sự mất mát âm thầm, khó đong đếm và không thể vãn hồi của các giá trị đặc biệt này vẫn đang đòi hỏi sự chung tay nhiều hơn nữa, từ cả cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội. Thực tế, trên cả những gì mà chúng ta đã ghi nhận trong các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, di sản chính là nguồn lực rất lớn cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Và bởi vậy, sự phát lộ của bãi cọc Cao Quỳ (Thủy Nguyên, Hải Phòng) mang đến nhiều niềm vui cho những người nghiên cứu sử học, và hứa hẹn tiềm năng về một địa chỉ giáo dục văn hóa - lịch sử tầm cỡ nếu được đầu tư tốt. Với phát hiện mới này, theo nhiều nhà sử học phân tích, chiến thắng lừng lẫy của quân dân nhà Trần năm 1288 phải được nhìn nhận là Chiến dịch Bạch Đằng Giang chứ không chỉ là Trận Bạch Đằng Giang như cách hiểu từ trước đến nay. Phát hiện mới này cũng cho thấy, còn rất nhiều việc phải làm, để các giá trị văn hóa - lịch sử đã được hình thành và chọn lọc suốt dọc dài lịch sử dân tộc có thể tiếp tục tỏa sáng, mang tải những thông điệp nhân văn sâu sắc để làm giàu thêm cho cuộc sống của người Việt hôm nay.

Đó mới là sự vinh danh đúng nghĩa nhất.