Tìm mãi chưa thấy… giải pháp

Không chỉ Việt Nam mà ở Nhật Bản và nhiều quốc gia trên thế giới, xâm phạm bản quyền tác giả, đặc biệt trên môi trường internet luôn là vấn đề nhức nhối và tìm mãi chưa thấy… giải pháp. Đây là chia sẻ của các chuyên gia bản quyền đến từ Nhật Bản tại cuộc hội thảo về thực thi quyền tác giả, quyền liên quan vừa được Cục Bản quyền tác giả Việt Nam (COV) phối hợp với Hiệp hội phân phối nội dung ở nước ngoài của Nhật Bản (CODA) tổ chức tại Hà Nội.

Bộ phim Sống chung với mẹ chồng cũng bị xâm phạm bản quyền.
Bộ phim Sống chung với mẹ chồng cũng bị xâm phạm bản quyền.

Khi đối tượng xâm phạm ngày càng tinh vi

Theo các chuyên gia Nhật Bản, xâm phạm bản quyền tác giả trên internet đang ngày càng gia tăng với tần suất và mức độ ngày một tinh vi, phức tạp hơn. Thực thi bảo hộ bản quyền tác giả, quyền liên quan trên internet, vì vậy, đang là thách thức, khiến mọi quốc gia đều lúng túng. Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song hoạt động thực thi bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam còn gặp vô vàn khó khăn. Tình trạng vi phạm trong bối cảnh internet ngày càng phát triển diễn ra với những hình thức và mức độ khác nhau. Điều này đã và đang là thách thức đối với hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng và hoạt động phát triển công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa nói chung của đất nước.

Cùng chung nhận định về con đường gian nan này, ông Masaharu Ina, Trưởng phòng Bảo vệ bản quyền ở nước ngoài, CODA cho rằng, kỷ nguyên số và internet đã mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đang đặt ra những thách thức ngày càng nghiêm trọng đối với việc bảo hộ quyền tác giả: “Chúng tôi không có tài nguyên thiên nhiên như than, khoáng sản mà tài nguyên lớn nhất của Nhật Bản chính là tính sáng tạo. Cho nên, Nhật Bản phải thực thi tối đa để bảo hộ quyền tác giả nhằm bảo vệ sức sáng tạo, chất xám của con người. Bảo hộ quyền tác giả trong thời đại ngày nay, khi internet ngày càng phát triển đã không phải là nhiệm vụ của riêng một cơ quan nào đó. Chính phủ Nhật Bản vì thế đã có nhiều hành động, chính sách pháp luật để bảo vệ và thúc đẩy bảo vệ chất xám, sức sáng tạo của con người...”.

Chia sẻ các biện pháp chống vi phạm bản quyền trên internet tại Nhật Bản, chuyên gia Shun Takagi, Trưởng phòng Pháp chế và Kinh doanh, Hiệp hội Phần mềm Video Nhật Bản (JVA) nhận định, rất khó khăn khi các đối tượng xâm phạm bản quyền ngày càng thiết lập nhiều những “vỏ bọc” tinh vi nhằm ẩn danh hành vi vi phạm, phổ biến là lạm dụng phần mềm chia sẻ tệp. “Ở Nhật Bản hiện nay có tới hơn 90 nghìn người sử dụng những đường link chia sẻ vi phạm này. Hơn thế, con số đó còn có xu hướng tăng lên không ngừng. Còn những đối tượng vi phạm lại thường ẩn danh trốn tránh khiến cho việc nắm bắt, phòng, chống rất khó khăn”, ông Shun Takagi nói.

Nội dung bị xâm phạm bản quyền nhiều nhất với hình thức chia sẻ tệp tại Nhật Bản hiện nay là những bộ phim, chương trình truyền hình, truyện tranh, hoạt hình… Đặc biệt trên Facebook, YouTube, người dùng thường tải và chia sẻ các đường link có chứa nội dung vi phạm bản quyền.

Cần những biện pháp mạnh

Khó khăn cần phải kể đến còn là sự cấu kết giữa các cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước nhằm xâm phạm bản quyền, thu tiền bất chính từ quảng cáo. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp, tổ chức lại rơi vào tình trạng gián tiếp hay vô tình tiếp tay cho hoạt động vi phạm bản quyền vì quảng cáo sản phẩm của họ xuất hiện trên các web lậu. “Khi mà một bộ phim có dung lượng hai giờ nhưng chỉ cần 4- 5 giây đã có thể tải xuống và chia sẻ, khi mà bất kỳ ai cũng có thể trở thành người xâm phạm bản quyền thì chính mỗi người đều phải có trách nhiệm trong câu chuyện bảo vệ tác quyền. Nhận thức luôn luôn là vấn đề quan trọng…”, ông Masaharu Ina lưu ý. Các chuyên gia bản quyền hai nước cũng đồng nhất nhắc đến giải pháp phải có hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia trong bối cảnh xâm phạm bản quyền đang có quy mô mở rộng xuyên biên giới.

Rất cần có thêm những giải pháp mạnh. Ông Shun Takagi nhấn mạnh về những biện pháp công nghệ để đẩy lùi nạn vi phạm bản quyền mà Nhật Bản đã áp dụng. Chẳng hạn, đối với các trang web UGC là những web có người quản lý, biện pháp là gửi yêu cầu xóa vi phạm đối với người quản lý. Nếu người quản lý biết web có xâm phạm mà không xóa thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự liên đới.

Ngoài ra, tự động tuần tra bằng vân tay, ngăn chặn trang web xâm phạm… cũng là những giải pháp công nghệ quan trọng mà Nhật Bản đang áp dụng. Tuy nhiên, đối phó với các giải pháp này, đối tượng vi phạm cũng tinh vi không kém khi tìm cách thu nhỏ các nội dung xâm phạm để tránh bị truy tìm dấu vết vân tay.

Tháng 11-2001, Nhật Bản lần đầu tiên bắt giữ hai người chia sẻ các file xâm phạm bản quyền, đây cũng là vụ bắt giữ người vi phạm bản quyền đầu tiên trên thế giới vì lạm dụng phần mềm chia sẻ tệp. Năm 2018, trong số 514 vụ cảnh sát bắt giữ vì vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thì có tới 428 vụ vi phạm thông qua sử dụng internet. Nhật Bản cũng công khai đưa lên truyền thông các vụ bắt giữ vì xâm phạm bản quyền, qua đó để tuyên truyền, tạo ý thức tiêu dùng tôn trọng bản quyền cho người Nhật.