Thước đo từ thực tế

Dự thảo Thông tư Hướng dẫn việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, đang được Bộ Tài chính tổ chức lấy ý kiến góp ý từ các bộ, cơ quan, địa phương… là vấn đề đang được dư luận quan tâm. Cùng với những nội dung được đề cập, nhiều ý kiến cho rằng, giữa quy định và thực tế, vẫn còn khoảng cách không nhỏ.

Tuy còn nhiều băn khoăn về tính khả thi, nhưng các chuyên gia và nhà quản lý đều cho rằng, việc ban hành Thông tư là cần thiết.
Tuy còn nhiều băn khoăn về tính khả thi, nhưng các chuyên gia và nhà quản lý đều cho rằng, việc ban hành Thông tư là cần thiết.

Bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch

PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện thời, việc ban hành Thông tư nêu trên là hết sức cần thiết. Thực trạng hiện nay có khá nhiều lộn xộn trong thu chi tiền công đức tại các di tích và lễ hội. Những lộn xộn đó dẫn đến nhiều mâu thuẫn, thậm chí là tranh chấp ở các địa phương, ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của di tích và lễ hội. Mặt khác, việc quản lý di tích, tổ chức lễ hội trong bối cảnh chịu sự tác động của kinh tế thị trường cũng khiến cho các yếu tố có liên quan đến vật chất như tiền dâng cúng, lễ vật cung tiến, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng cần phải được quản lý theo hướng minh bạch, rõ ràng, tránh tác động tiêu cực của chính các quan hệ cung - cầu, lợi ích vật chất của nền kinh tế thị trường có thể gây ra.

Có bảy nguyên tắc liên quan đến vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ. Theo đó, Thông tư nêu rõ, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, không ép buộc, không coi việc huy động các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ là điều kiện cho việc tổ chức hoặc cung cấp quyền tham gia, tham quan, du lịch, nghiên cứu lễ hội, di tích. Bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch; việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ phải được công bố, niêm yết công khai; không quy định mức bình quân, không quy định mức tối thiểu trong dâng cúng, công đức, tài trợ.

Không được dâng cúng, công đức, tài trợ và không được tiếp nhận các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ có mục tiêu, ý nghĩa hoặc kèm theo các điều kiện làm sai lệch bản chất, nội dung, ý nghĩa lịch sử, giá trị văn hóa, truyền thống của lễ hội; xâm hại kiến trúc di tích, danh lam thắng cảnh. Không lợi dụng việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ nhằm trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm. Tiền, tài sản dâng cúng, công đức, tài trợ phải được đơn vị quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội quản lý và theo dõi, không để thất thoát, lãng phí.

Dự thảo cũng quy định rõ về quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và hoạt động lễ hội. Để quản lý tiền, tài sản dâng cúng, công đức, tài trợ cho di tích, dự thảo quy định việc thành lập Tổ tiếp nhận các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ nhằm bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch. Tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di tích có trách nhiệm bố trí đặt hòm công đức hợp lý; phân công ghi phiếu công đức; niêm phong các hòm công đức phục vụ cho việc kiểm đếm theo quy định; mở tài khoản tiền gửi để tiếp nhận, quản lý tiền dâng cúng, công đức, tài trợ; mở sổ theo dõi thu, nộp tiền và tài sản được dâng cúng, công đức, tài trợ. Một trong những nội dung quan trọng được sử dụng tiền, tài sản dâng cúng, công đức, tài trợ là thực hiện dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; sửa chữa, tu bổ, tôn tạo di tích và đầu tư xây dựng các hạng mục công trình phục vụ cho hoạt động của cơ sở tín ngưỡng theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thực thi như thế nào?

Nhiều góc độ tiếp cận đang đặt ra những vấn đề về tính khả thi, khi thực tế liên quan đến việc tiếp nhận, quản lý các khoản thu - chi tiền công đức trong thời gian vừa qua vẫn luôn được xem là vấn đề nhạy cảm tại không ít di tích, lễ hội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các chuyên gia và nhà quản lý khẳng định, việc ban hành Thông tư là cần thiết. Các di tích gồm nhiều loại hình và quy mô khác nhau, thuộc nhiều chủ sở hữu khác nhau, ở những vùng miền, dân tộc khác nhau, lễ hội cũng đa dạng không kém. Vì thế, sau khi được ban hành, việc thực hiện Thông tư cũng sẽ là sự kiểm nghiệm thực tiễn và là cơ sở để tiếp tục có những sửa đổi về sau, nếu cần thiết.

Cục trưởng Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thị Thu Hương cũng nhấn mạnh tính quan trọng của các nguyên tắc thực hiện quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội nhằm bảo đảm tính khả thi khi đưa vào thực tiễn. Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Thông tư khi ban hành cần giải quyết được các vấn đề cụ thể như: xác định được các nguồn thu từ di tích, lễ hội gắn với di tích, gồm: tiền tài trợ, tiền cúng dường, tiền giọt dầu, nhang đèn,...(gọi chung là tiền công đức). Bên cạnh đó cũng cần rõ quy định các nguyên tắc chi: chi những gì, chi bao nhiêu (theo tỷ lệ hoặc theo định mức...), chi cho những mục gì: đầu tư tôn tạo, quản lý…, đặc biệt phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch.