“Thực”- “ảo” đồng hành

Đại dịch Covid-19 làm bộc lộ rõ hơn những mảng sáng - tối của văn hóa ứng xử trên mạng và cho thấy, việc hình thành chuẩn văn hóa ứng xử trên mạng xã hội ngày càng trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, điều đó cần được song hành với xây dựng văn hóa ứng xử trong đời sống xã hội thường ngày.

Gắn ứng xử trên mạng xã hội với ứng xử trong cuộc sống hằng ngày được xem là giải pháp giải quyết “cả gốc lẫn ngọn”.
Gắn ứng xử trên mạng xã hội với ứng xử trong cuộc sống hằng ngày được xem là giải pháp giải quyết “cả gốc lẫn ngọn”.

Cần thiết có “giải pháp mềm”

Giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát giúp chúng ta nhận diện rõ hơn tác hại của thông tin sai lệch được phát tán qua mạng xã hội (MXH). Không biết bao nhiêu “đồn đoán” vô căn cứ về số người mắc bệnh, số người tử vong được đưa lên các trang MXH như Facebook, YouTube, Zalo… Dù không được kiểm chứng, có những tin được chia sẻ đến vài trăm lần, hàng nghìn lượt quan tâm. Cá biệt, trường hợp bệnh nhân số 17, ca bệnh đầu tiên ở Hà Nội được nhiều “anh hùng bàn phím” nêu chi tiết lịch trình hoạt động khiến hàng nghìn người lo sợ mình là đối tượng F1, F2. Nỗi lo chỉ dịu đi khi cơ quan chức năng công bố những thông tin đó sai sự thật. Hay những thông tin, hình ảnh, clip cảnh người dân xếp hàng chen chúc để mua thực phẩm được đăng tải, chia sẻ khiến nhiều người hoang mang và cũng chạy đi… tích lũy hàng hóa.

PGS, TS Phạm Mạnh Hà (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định rằng, MXH là sự tổng hợp của một xã hội còn thiếu sự kiểm soát. Không gian mạng là môi trường “ảo”, vì thế, người sử dụng dễ dàng làm điều tiêu cực nếu ẩn dưới một cái tên giả. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật để xử lý việc đưa tin sai lệch trên MXH. Nhưng ở “mùa dịch” vừa qua, ngay sau khi thông tin về những đối tượng đưa tin giả về dịch bệnh Covid-19 bị xử lý, vẫn có những đối tượng khác… hăng hái đăng tin. Cùng với đó, để những tin giả có thể gây ảnh hưởng tới dư luận, tâm lý cộng đồng, thì còn phải tính đến những người chia sẻ thông tin, bình luận “cổ vũ”. Đây là những đối tượng thuộc diện… phạt cũng không hết.

Song song với “giải pháp cứng” là hệ thống luật pháp, “giải pháp mềm” - xây dựng chuẩn ứng xử trên MXH là điều mà nhiều người mong chờ. Cuối năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng “Bộ Quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam”. Bộ Quy tắc yêu cầu tổ chức, cá nhân sử dụng MXH phải công khai danh tính hoặc đầu mối liên lạc; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính; không ứng xử thuận chiều với thông tin xấu, độc, tin đồn, ảnh hưởng tiêu cực; ứng xử trên mạng xã hội trái với chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp… Đối với các nhà cung cấp dịch vụ MXH, quy tắc yêu cầu doanh nghiệp cần ban hành các biện pháp phát hiện, thông báo và phối hợp với các cơ quan hữu quan để xử lý, ngăn chặn và đấu tranh loại bỏ các nội dung thông tin xấu độc, các tin đồn gây ảnh hưởng tiêu cực; có biện pháp ngăn ngừa trẻ em, trẻ vị thành niên tiếp cận các nội dung không phù hợp... Bộ quy tắc được xem là sẽ góp phần loại bỏ những yếu tố tiêu cực, định hình chuẩn mực văn hóa ứng xử trên MXH.

Điều kiện cần và đủ

Một Bộ Quy tắc ứng xử với mạng xã hội là cần thiết, nhưng cần hướng đến mục tiêu “gạn đục, khơi trong”. Đồng thời, đây cũng mới là điều kiện cần. TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên của Quốc hội cho biết: “Dịch bệnh Covid-19 giúp chúng ta nhìn nhận rõ hơn những tích cực cũng như tiêu cực của MXH. Xây dựng văn hóa ứng xử nói chung là yếu tố có tính nền tảng. Khi có văn hóa, mỗi người sẽ tự suy xét xem những hành vi ấy có văn hóa, có thật sự tốt đẹp không. Văn hóa ứng xử chính là một loại “luật” ở trong lòng người. Nếu xây dựng văn hóa ứng xử trong cuộc sống hằng ngày tốt, thì mọi người sẽ có ý thức ứng xử văn hóa trên MXH”.

Hiện nay, có hàng trăm MXH ở Việt Nam, thu hút đông đảo nhất là facebook, với khoảng 65 triệu người sử dụng. Những nghiên cứu mới nhất cho thấy, một phần ba số này là thanh, thiếu niên độ tuổi từ 15 đến 24. TS tâm lý học Nguyễn Tuấn Anh (Viện Nghiên cứu Thanh niên) nhận định, độ tuổi này thanh niên có tâm lý thích thể hiện bản thân, mong muốn được thể hiện cái tôi, càng nổi bật càng tốt; MXH là cách thức giúp thanh niên có thể được biết đến một cách nhanh nhất, nhiều nhất. Rất nhiều người trẻ chọn cách trở nên nổi tiếng qua việc làm các video clip, tung hình ảnh thiếu chuẩn mực trên MXH cũng như còn một bộ phận khác lợi dụng hành vi, xu hướng a dua của cộng đồng. Bởi vậy, dù Bộ Quy tắc ứng xử có được ban hành hay không, muốn hình thành văn hóa ứng xử trên MXH, thì đối tượng cần chú ý nhất là các em học sinh. Thực tế, Chính phủ, ngành giáo dục cũng đã quan tâm đến xây dựng văn hóa ứng xử của các em học sinh, trong đó có ứng xử trên MXH. Tháng 10-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1299 phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”. Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 06/2019 quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. Điều 4 của Thông tư quy định: “Không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục”. Nhưng từ chính sách đến thực tế vẫn còn khoảng cách. Chỉ một số ít trường có các hoạt động ngoại khóa để giúp học sinh nhận diện những điều nên hay không nên làm trên MXH. Còn lại, những quy định chủ yếu vẫn mang tính hình thức.

Gắn ứng xử trên MXH với ứng xử trong cuộc sống hằng ngày được xem là giải pháp giải quyết “cả gốc lẫn ngọn”. Theo TS Nguyễn Viết Chức, cần phải song hành xây dựng văn hóa ứng xử đời sống “thực” và văn hóa ứng xử trong đời sống “ảo”. Vì thực và ảo luôn có sự tương tác, gắn bó mật thiết.