Nhượng quyền trong văn hóa:

Thua ngay trên sân nhà

Một trong những ngành mang lại giá trị cao và được xem như chương trình chiến lược tại nhiều quốc gia hiện nay chính là nhượng quyền. Thế nhưng, khái niệm “nhượng quyền” vẫn còn xa lạ với nhiều người Việt Nam. Đặc biệt, trong lĩnh vực văn hóa - giải trí, chúng ta đang rất thiếu những sản phẩm có chất lượng tốt có thể toàn cầu hóa - yếu tố cần và đủ để cấu thành quy trình nhượng quyền.

Thành công trong phòng chiếu giúp Diên hi Công lược nhanh chóng bán được bản quyền hình ảnh cho nhiều lĩnh vực khác.
Thành công trong phòng chiếu giúp Diên hi Công lược nhanh chóng bán được bản quyền hình ảnh cho nhiều lĩnh vực khác.

Văn hóa cũng có thể toàn cầu hóa

Xuất phát điểm từ Mỹ, con đường nhượng quyền lan nhanh và đang phát triển cao nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông - châu Phi, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Sở dĩ, vấn đề này được các chính phủ quan tâm là bởi, thông qua kênh nhượng quyền, có thể xuất những nguyên liệu nội địa đi kèm mô hình thương hiệu đó ra nước ngoài một cách rất chính thống. Chưa kể, cùng với kênh nhượng quyền, kênh bán lẻ cũng phát triển song song.

Khi bộ phim Diên hi Công lược đang càn quét khắp châu Á, nhiều đơn vị phát hành chen chân mua bản quyền phát sóng thì một tập đoàn lớn trong khu vực cũng nhanh tay ký kết xong hợp đồng nhượng quyền hình ảnh của bộ phim này.

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ, kế hoạch quảng bá cho tác phẩm điện ảnh trước đây của anh chỉ nằm gọn ở trong nước. Anh cũng như nhiều đạo diễn khác có “nghe nói” tới nhượng quyền nhưng hoàn toàn chưa nghiên cứu về quy trình chuẩn của công thức nhượng quyền một sản phẩm điện ảnh là gì.

Theo chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân, nói riêng trong lĩnh vực văn hóa - giải trí, chúng ta hoàn toàn có thể đi theo con đường này ra thế giới. Ở các nước, khi tung ra thị trường một sản phẩm mới, người làm chiến lược thường tính toán vòng đời sản phẩm, khả năng khai thác tại nhiều thị trường, sử dụng nhiều kênh để tối ưu hóa lợi nhuận.

Chẳng hạn như trong điện ảnh, bên cạnh nhượng quyền nội dung phim, các nhân vật cũng có thể được nhượng quyền cho các ngành khác như giáo dục, hàng tiêu dùng, chương trình giải trí… Thí dụ, loạt nhân vật trong phim Avengers đạt doanh thu 150 triệu USD, Spiderman đạt 155 triệu USD, các nhân vật trong Câu chuyện đồ chơi đạt 2,4 tỷ USD, Frozen lên tới 5,3 tỷ USD. Phim truyền hình, sách, game show, show truyền hình thực tế… đều có thể nhượng quyền.

Nhìn lại toàn cảnh văn hóa - giải trí ở ta trong 10 năm trở lại đây, hầu hết gameshow lớn nhỏ, ồn ào trên truyền hình đều được “nhập khẩu” từ nước ngoài. Những chương trình “cây nhà lá vườn” hiếm hoi thì không đủ sức để cạnh tranh. Tư duy manh mún, ngắn hạn, nghèo nàn ý tưởng, hạn chế tầm nhìn ra bên ngoài. Chúng ta thiếu những sản phẩm có chất lượng để có thể toàn cầu hóa - cũng là yếu tố cần và đủ để cấu thành quy trình nhượng quyền.

“Mạnh ai nấy làm”

Ở Việt Nam, nhượng quyền vẫn còn mới lạ với nhiều người. Chúng ta chưa sẵn sàng để nhượng quyền. Để có thể làm được, bên cạnh tự thân sản phẩm tốt, những người làm văn hóa - giải trí ở ta cần nhận được sự quan tâm cũng như hỗ trợ từ Nhà nước, Chính phủ.

Bên cạnh du lịch, điện ảnh được xác định là ngành công nghiệp không khói của Hàn Quốc; để rồi, điện ảnh kéo âm nhạc, thời trang đi theo, tạo ra một làn sóng văn hóa đang có sức ảnh hưởng khắp châu Á. Để có Kpop như thế, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã phải “thò tay” vào bằng không ít chính sách cụ thể, thiết thực. Hollywood, Bollywood, Trung Quốc, hay Nhật Bản… cũng cùng chung công thức.

“Không có một nền điện ảnh nào nói riêng phát triển được mà tách rời khỏi sự quản lý của nhà nước. Lực lượng quản lý điện ảnh Việt Nam đang già đi và giới công chức làm văn hóa - giải trí không theo được tốc độ phát triển và quy mô phát triển của thế giới. Nói riêng trong điện ảnh, rất cần sự điều tiết của Nhà nước. Một năm cho phép bao nhiêu phim nước ngoài nhập vào, phát hành ra sao, có lớp lang bảo vệ phim nội địa không? Hiện nay, việc này đang bị thả nổi một cách đau lòng. Rõ ràng, chúng ta đang thua trắng trên sân nhà”, đạo diễn phim Lô tô nói thêm.

Bà Nguyễn Thị Thúy Nghi, Phụ trách thị trường của Pacific Licensing Studio chi nhánh tại Việt Nam cho biết, hiện nay, bà đã có trong tay kịch bản tóm tắt của những phim tận năm 2020, 2021 mới ra mắt. Nói, các nước nhìn rất xa và có hẳn một chiến dịch marketing tổng thể và trên toàn cầu là như vậy.

Ở các nước, một bộ phim ra đời nhờ sự hợp tác của nhiều hãng với nhau. Việt Nam thì “một mình một ngựa”, mạnh ai nấy làm. Bà Nghi đánh giá, sản phẩm của ta toàn 6, 7 điểm, chưa bao giờ 8, 9 điểm cả. Trong âm nhạc, nghệ sĩ Việt Nam đa số là nghệ sĩ độc lập, chuyện kết hợp ca sĩ của công ty này với nghệ sĩ của công ty kia rất hiếm. Nghệ sĩ ở ta không có hoặc ít người hâm mộ ở nước ngoài. Cộng đồng người hâm mộ không có, sao mà làm các chương trình biểu diễn ở nước ngoài được? Làm sao nhượng quyền âm nhạc được? Có một số ca khúc được nghệ sĩ nước ngoài dịch lời để hát nhưng là hát cho vui thôi, chứ đâu phải chúng ta xuất khẩu được nhạc Việt. Tương tự, chúng ta có nhiều lễ hội hoặc liên hoan âm nhạc nhưng chưa tạo ra giá trị thương mại. Đa số do nghệ sĩ hoặc đơn vị tư nhân đứng ra tự tổ chức, làm từ A tới Z, rồi bù lỗ. Nhạc sĩ Quốc Trung với Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa là một thí dụ điển hình. Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, có rất nhiều chương trình, lễ hội âm nhạc rất lớn do Chính phủ hỗ trợ cho nghệ sĩ của họ, tạo ra được lớp giá trị, có sức ảnh hưởng.

Đã tới lúc, ngành văn hóa cần được chú trọng như một trong những ngành kinh doanh bài bản, một “mỏ vàng” lớn còn tiềm ẩn nếu chúng ta biết cách khai thác.