Thư viện trước thách thức thời đại kỹ thuật số

Sau hơn 18 năm được ban hành, Pháp lệnh Thư viện đã bộc lộ nhiều bất cập và chưa bao quát được hết mọi vấn đề, do đó việc ban hành Luật Thư viện chính là một cơ hội lớn cho ngành, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc phát triển. Hành lang pháp lý này còn được xem như tấm “hộ chiếu” để thư viện Việt Nam hội nhập với hệ thống thư viện thế giới trong giai đoạn hiện nay.

Luật Thư viện cần góp phần thúc đẩy văn hóa đọc phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng. (Trong ảnh: Thư viện Hồng Châu do nhà báo Khúc Hồng Thiện xây dựng đang là một điểm hẹn văn hóa cuối tuần cho cộng đ
Luật Thư viện cần góp phần thúc đẩy văn hóa đọc phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng. (Trong ảnh: Thư viện Hồng Châu do nhà báo Khúc Hồng Thiện xây dựng đang là một điểm hẹn văn hóa cuối tuần cho cộng đ

Mở rộng phạm vi điều chỉnh

Dự thảo Luật Thư viện khi được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ngày 13-3 là văn bản đã trải qua 5 lần chỉnh sửa, hiện bao gồm 7 chương, 51 điều. Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, trong quá trình xây dựng dự án Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế của một số nước châu Âu, một số bang của Hoa Kỳ và một số nước châu Á có điều kiện gần với Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Luật Thư viện được ban hành là mong mỏi của đội ngũ những người làm công tác thư viện. Trong đó, các vấn đề liên quan đến thư viện tư nhân, thư viện có yếu tố nước ngoài, vấn đề liên thông, thư viện số, bản quyền trong lĩnh vực thư viện, quyền và nghĩa vụ của thư viện và bạn đọc... là những nội dung thu hút được sự quan tâm của những người trong nghề.

Theo Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà, so với Pháp lệnh Thư viện, Dự thảo Luật Thư viện có nhiều điểm mới. Trong đó, một khác biệt cơ bản là Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, ngoài thư viện công lập thì còn điều chỉnh các loại hình thư viện ngoài công lập. Điều 5 Dự thảo Luật nêu rõ, các thư viện ngoài công lập bao gồm: Thư viện thuộc tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cơ sở tôn giáo, tổ chức kinh tế; Thư viện thuộc cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; Thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng; Thư viện cộng đồng; Thư viện có yếu tố nước ngoài.

Để tạo điều kiện khuyến khích hoạt động hiệu quả cho các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng và thư viện có yếu tố nước ngoài thành lập không theo điều ước quốc tế, Dự thảo Luật đã thay đổi một số quy định liên quan đến thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa so với những dự thảo trước đó. Theo đó, các loại hình thư viện này được tạo điều kiện bằng việc quy định thay thủ tục đăng ký hoạt động thư viện bằng thủ tục thông báo tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng hay thư viện có yếu tố nước ngoài thành lập không theo điều ước quốc tế trước khi hoạt động phải có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thư viện số hóa và thách thức xâm phạm bản quyền

Làm thế nào để phát triển mạnh mẽ các mô hình thư viện điện tử, thư viện số phù hợp thời đại mới? Làm sao để chia sẻ tốt các tài nguyên thư viện mà không xâm phạm bản quyền?… là những câu hỏi được đặt ra trong suốt quá trình soạn thảo dự án Luật.

Điều 21 về “Xây dựng thư viện số và cung cấp dịch vụ thư viện số” nêu rõ, xây dựng thư viện số phải tuân thủ các chuẩn, tiêu chuẩn để bảo đảm tính thống nhất, độ xác thực, an toàn và khả năng truy cập thông tin và tạo tiền đề cho việc liên kết, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống… Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, ở nội dung này, vấn đề luôn cần quan tâm là bảo vệ bản quyền tài nguyên thư viện khi số hóa với mong muốn chia sẻ rộng rãi các tài liệu thư viện trên môi trường số cho đông đảo độc giả. Tại một hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng Luật Thư viện, theo Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL), về góc độ bản quyền thư viện, các thư viện được sao chép, lưu trữ một bản với mục đích nghiên cứu hoặc số hóa tài liệu để lưu trữ, bảo quản. Tuy nhiên, thư viện không được sao chép và phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số. Cục Bản quyền tác giả cũng cho biết, ngoài chức năng nhiệm vụ của thư viện là cung cấp tài liệu tới bạn đọc thì các thư viện được sao chép, cho phép kết nối, chia sẻ tài liệu cho các thư viện khác trong trường hợp thư viện là chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan của tài liệu đó. Thư viện cũng được sao chép, cho phép kết nối, chia sẻ tài liệu cho các thư viện khác trong trường hợp tài liệu đó hết thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan hoặc trong trường hợp có sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan. Trường hợp thư viện thu phí dịch vụ khai thác, sử dụng tài liệu phải thực hiện đúng các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.

Vấn đề đặt ra là để sở hữu quyền tác giả, sở hữu quyền liên quan của tài liệu, trong nhiều trường hợp, lại là một vấn đề nan giải đối với hoạt động của các thư viện số. Tháo gỡ khó khăn này, chính các nhà thư viện cũng thừa nhận rằng cần phải vừa làm vừa điều chỉnh. Có điều, tính thiết yếu của việc phát triển các mô hình thư viện số cho phù hợp bối cảnh và tốc độ phát triển của thời đại công nghệ 4.0 thì không ai không thừa nhận. Theo TS Nguyễn Hoàng Sơn (Giám đốc Trung tâm Thông tin thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện nay văn hóa đọc theo hình thức số hóa đang áp đảo, cho nên xu thế tất yếu trong thực tế cũng như trong điều chỉnh của Luật là cần tập trung phát triển thư viện số. “Người làm công tác thư viện cũng đã khác trước rất nhiều, họ sẽ không khác gì những người quản trị thông tin. Cán bộ thư viện cũng phải được biết đến như những chuyên gia IT, đồng thời phải có mức lương đặc biệt cho những người phát triển thư viện số…”, ông Nguyễn Hoàng Sơn kiến nghị.