Thiêng liêng hương sử

Ở Hà Đông, có một nhóm các văn nhân, trí thức, doanh nhân tên tuổi, Dù bận bịu nhiều công việc khác nhau, song vẫn lặng thầm, bằng những hoạt động cụ thể vun đắp, góp phần giữ gìn cho văn hóa Thủ đô và nhiều miền quê khác thêm hương sắc. Từ nhiều năm nay, hàng trăm đạo sắc phong, thư tịch, cổ vật đã được các thành viên của nhóm Nhân sĩ Hà Đông dày công sưu tầm, lưu giữ, dịch rồi lại đau đáu tìm cách dâng tặng những “căn cước văn hóa” ấy đúng địa chỉ, đúng niềm mong đợi.
 

Thiêng liêng hương sử

Sống lại vẻ đẹp ký ức
 
 Nhóm Nhân sĩ Hà Đông có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tác giả Trịnh Hữu Sỹ, đạo diễn - nhà thơ Lương Tử Đức, NSƯT Chu Lượng, họa sĩ Hoàng A Sáng, nhà thơ Nguyễn Quyến, doanh nhân Lê Phương Trung và doanh nhân Đỗ Văn Hiểu. Từ nhiều năm nay, các thành viên của nhóm đã gắn kết thân thiết như tri âm tri kỷ, mỗi người một “nhiệm vụ” để cùng chung tay góp phần lưu giữ những vẻ đẹp từ ký ức xa xưa.
 
 Khởi nguồn từ bộ sưu tập hàng trăm đạo sắc phong, thư tịch và một số cổ vật của ông Trịnh Hữu Sỹ, một cán bộ ngành công an đã nghỉ hưu, được bạn bè động viên, hỗ trợ dịch thuật, nhóm đã lần tìm, xác minh địa chỉ các làng quê có đình đền mong trao trả những sắc phong bị thất lạc. Cứ thế, suốt gần mười năm trở lại đây, nhóm Nhân sĩ Hà Đông đã dâng tặng nhiều thư tịch, cổ vật… cho nhiều địa phương ở Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Thiêng liêng hương sử -0
Một số thành viên nhóm Nhân sĩ Hà Đông đang soạn các đạo sắc phong. 

Hiện tại, các sắc phong mà nhóm đang lưu giữ và muốn dâng tặng chủ yếu thuộc triều Nguyễn, một số thuộc thời Lê. Sắc phong có xuất xứ từ nhiều huyện, quận thuộc các tỉnh, thành phố như Hà Nội có huyện Thanh Trì, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Đan Phượng, Chương Mỹ, Quốc Oai và quận Hà Đông; Hà Nam có huyện Thanh Liêm, Bình Lục, Lý Nhân, Vụ Bản, Kim Bảng, Duy Tiên; Nam Định có Ý Yên, Nghĩa Hưng, Vụ Bản; Thái Bình có Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Kiến Xương; Hải Phòng có Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, An Dương; Ninh Bình có Kim Sơn, Yên Mô; Bắc Ninh có Thuận Thành, Yên Phong; Hải Dương có Thanh Miện; Hưng Yên có Văn Giang, Tiên Lữ; Vĩnh Phúc có Yên Lãng; Thanh Hóa có Hậu Lộc, Hoằng Hóa; xa nhất là Thừa Thiên Huế có sắc phong ghi ở Hương Trà,…
 
 Danh sách này sẽ còn kéo dài. Liệt kê thì nhanh, nhưng để dịch, tra cứu, đối sánh và hình thành bản danh sách gốc tích của các bản sắc phong này từ chữ Hán, rồi lại lần tìm được ngần ấy địa chỉ, vùng miền để kết nối, bàn cách dâng tặng lại những di sản văn hóa này về cho địa phương, là hành trình không đơn giản. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều còn nhớ như in những chuyến điền dã trước khi có dịch Covid-19, “thật vô cùng xúc động khi chúng tôi hỏi thăm mãi, giữa mênh mông thông tin và chút ký ức mơ hồ của người dân hôm nay về những địa danh cổ của làng mình, vùng mình; để rồi khi gặp được những bậc cao niên, tuổi cao sức yếu, nghe kể rành rọt lịch sử làng mà rưng rưng xúc động”.
 
 Nhiều khó khăn, song ở không ít nơi, tại không ít thời điểm, đã có những bạn trẻ ủng hộ, say sưa hỗ trợ nhóm. Và bởi tâm niệm, “phục hồi ký ức chính là phục hồi những vẻ đẹp và làm nó sống lại với hơi thở rực nóng như đang sống trong hiện tại” nên các thành viên trong nhóm đã quyết tâm, cố gắng trao trả được hết những gì đang nắm giữ về đúng địa chỉ cần nó.
 
 Các đạo sắc phong mà nhóm đang lưu giữ, tiến hành dịch, chú giải phần lớn thuộc về các đình làng của người Việt được các triều đại quân chủ nối tiếp nhau ban tặng ngôi vị hay mỹ tự cho các thành hoàng làng. Các bản sắc phong không đơn thuần mang giá trị như những cổ vật khác, bởi đây còn là văn tự, là thư tịch, ghi rõ niên đại, lịch triều và cả “câu chuyện văn hóa” trong đó. Ý nghĩa hơn, xét tổng thể, các đạo sắc phong còn như một tác phẩm mỹ thuật, rất đẹp. Nên mỗi khi được chiêm ngưỡng các đạo sắc rải rác nơi các đình đền nói chung, các bản đang được nhóm Nhân sĩ Hà Đông lưu giữ nói riêng, hẳn mỗi người đều trầm trồ trước vẻ đẹp trang nhã của nó. Chữ Hán (có khi là chữ Nôm) do các nhà khoa bảng khi xưa viết tay trên giấy điều, giấy dó, có khi là lụa, nhưng đều phải là loại được sản xuất rất đặc biệt chỉ có trong hoàng cung.
 
 Những nét chữ, họa tiết tuyệt đẹp và tài hoa ấy ghi lại huyền sử, huyền tích về một vùng quê được phong sắc, sau mấy trăm năm vẫn ngời trên từng nét hoa văn, đẹp và linh thiêng. Cũng bởi không thể cưỡng lại được vẻ đẹp thiêng liêng và huyền bí ấy, các thành viên Nhân sĩ Hà Đông trên hành trình khám phá lại càng có thêm động lực. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều còn chia sẻ: Khi tìm về dưới mỗi mái đình, chứng kiến lòng tôn kính của người dân quê với các đạo sắc, chúng tôi cảm thấy như được truyền thêm năng lượng để đeo đuổi công việc lâu dài và ý nghĩa này.
 
 Trên hành trình trở về
 
 Có thể thấy các thành viên nhóm Nhân sĩ Hà Đông là một nhóm bạn bầu, tri âm tri kỷ, gặp gỡ rồi gắn kết với nhau ở Hà Đông, từ khi nơi này còn là thị xã. Hẳn cũng phải yêu mảnh đất Hà Đông này lắm nên cho đến tận bây giờ, ở cuối nhiều bài viết với các thể loại khác nhau, có khi ghi dưới mỗi bức tranh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẫn hay chú “Thị xã Hà Đông, ngày…”. Phải chăng chính tình yêu văn hóa làng, trước tiên từ ngôi làng Chùa quê ông cho đến ký ức về một “thị xã” đẫm đầy hương sử ấy đã nhân lên, thôi thúc ông và lan tỏa tới các thành viên trong nhóm, để hội tụ cùng nỗ lực trên hành trình trở về ký ức văn hóa.
 
 Ban đầu để việc dâng tặng sắc phong về được đúng nơi bị thất lạc, nhóm Nhân sĩ Hà Đông đã nhờ TS Trương Đức Quả, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, dịch nghĩa và lập bảng tổng hợp các bản sắc phong theo địa danh. Các địa phương nơi có sắc phong bị mất mát, thất lạc có thể liên hệ để nhóm đưa sắc phong về dâng trả lại. Sau này thì có thêm sự hỗ trợ của một vài bạn trẻ đang theo ngành Hán Nôm tham gia dịch. Các cá nhân địa phương muốn biết danh sách sắc phong và nhận lại, cũng có thể liên hệ qua mạng xã hội Facebook của các thành viên nhóm Nhân sĩ Hà Đông. Thật thú vị, công cụ hiện đại được dùng để kết nối những giá trị truyền thống.
 
 Mỗi người một cách, mỗi người một việc, với các doanh nhân thì phát tâm hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của nhóm trên hành trình đưa sắc phong về làng, đưa di sản về với bảo tàng. Còn với nhà sưu tầm Trịnh Hữu Sỹ, từ lâu, trên mỗi bước đường công tác ông nghĩ “nếu những thứ này bị mất đi thì tiếc quá” nên cứ lặng lẽ sưu tầm, mua lại và gìn giữ nhiều cổ vật quý giá. Để rồi, gần đây ông chia sẻ với nhóm, và đã hiến tặng toàn bộ bộ sưu tập cá nhân cho Bảo tàng tỉnh Hòa Bình, chỉ bởi “mình cứ giữ thế chẳng để làm gì, các di sản văn hóa cần phải được đặt đúng nơi, có điều kiện khai thác hết ý nghĩa của chúng”. Chính ông đã rất xúc động khi nghe một người dân đại diện cho nhân dân Đông Lỗ, Ứng Hòa và Hoàng Diệu, Chương Mỹ (Hà Nội) nói “Mất văn hóa thì mất dân tộc” trong lễ dâng tặng lại một số đạo sắc phong của nhóm Nhân sĩ Hà Đông dịp tháng 5 vừa qua.
 
 Mới đây, Bảo tàng tỉnh Hòa Bình đã tiếp nhận từ ông Trịnh Hữu Sỹ và nhóm Nhân sĩ Hà Đông hiến tặng bộ sư tập gồm hơn 100 bức tranh thờ cổ, bộ pháp khí, trang phục của thầy cúng, sách cổ của dân tộc Tày và dân tộc Thái. Đặc biệt là bộ sách chữ Thái cổ viết theo phương pháp “châm kim” trên lá cây được ép rất công phu. Bà Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hòa Bình cho biết, sẽ sớm nghiên cứu, dịch và công bố bộ sưu tập quý giá này vào đợt trưng bày chào mừng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
 
 Tính đến nay, nhóm Nhân sĩ Hà Đông đã trao tặng lại các địa phương gần hai trăm bản sắc phong, còn lưu giữ và tiếp tục dịch hơn 300 bản sắc phong nữa. Sắp tới nhóm cũng chuẩn bị đón nhận 40 đạo sắc phong của một nhà sưu tầm cổ vật dâng tặng để nhóm giám định, dịch và trao tặng lại cho những địa phương bị mất. Nhóm cũng đang bàn kế hoạch tiến hành Triển lãm Sắc phong Việt Nam lần đầu tiên, dự kiến tổ chức vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương năm 2021.
 
 Trò chuyện với chúng tôi và các thành viên nhóm Nhân sĩ Hà Đông vào một buổi tối cuối thu se lạnh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều say sưa nói về cái đẹp, vẻ đẹp của ký ức. Ông kể, cách quán cà-phê Dương này ko xa lắm, bên bờ sông Nhuệ, vẫn còn một gốc bàng già đã bao năm chứng kiến ông cùng bầu bạn cả trong nước và quốc tế ngồi đó. Cây bàng ấy vẫn xanh tươi lắm, chắc nó xanh bởi mấy chục năm trời nó hấp thu, thấm đẫm vào từng thớ lá những câu chuyện thi ca tuyệt đẹp, những giá trị nhân văn đã dần mai một, rồi lại đang dần hy vọng quay về. Hôm nay và rồi sau nữa, ở quán cà-phê này cũng thế, cả không gian ấm cúng chỉ toàn chuyện văn chương, sử sách, chuyện tìm kiếm dâng tặng sắc phong, cổ vật về lại những miền văn hóa.  

 Mới đây, giải thưởng “Bùi Xuân Phái” năm 2020, ở hạng mục Việc làm vì tình yêu Hà Nội đã tôn vinh những đóng góp lặng lẽ mà đầy ý nghĩa của nhóm Nhân sĩ Hà Đông. Đây là giải thưởng được thành lập theo sáng kiến của gia đình danh họa Bùi Xuân Phái và báo Thể thao & Văn hóa nhằm tôn vinh sự nghiệp của Bùi Xuân Phái và tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông.