Thay đổi một quan niệm làm nghệ thuật

Dịp lễ Quốc tế thiếu nhi 1-6 là thời điểm mà thị trường nghệ thuật dành cho thiếu nhi trở nên sôi động và năm nay theo ghi nhận ở các sân khấu lớn đã có tính cạnh tranh cao.

Cảnh trong vở Đi phượt cùng bà lão đánh cá. (Nhà hát Múa rối Việt Nam).
Cảnh trong vở Đi phượt cùng bà lão đánh cá. (Nhà hát Múa rối Việt Nam).

Sôi động nhiều chương trình nghệ thuật

Bên cạnh những thương hiệu quen thuộc chuyên phục vụ thiếu nhi như Nhà hát (NH) Tuổi trẻ, NH Múa rối Việt Nam, NH Múa rối Thăng Long, Liên đoàn Xiếc Việt Nam (Hà Nội), Đoàn Múa rối TP Hồ Chí Minh, sân khấu Idecaf… xuất hiện thêm nhiều nhà hát và đoàn nghệ thuật hoặc nhóm nghệ sĩ và cả các công ty tổ chức biểu diễn “vào cuộc”, tung ra thị trường hàng loạt các chương trình phục vụ thiếu nhi như ở Hà Nội có nhóm kịch xã hội hóa của Xuân Bắc, Tự Long; Đông Đô Show, NH Star Galaxy, NH Chèo Hà Nội, NH Kịch Việt Nam, NH Kịch Hà Nội… Ở TP Hồ Chí Minh có sân khấu Thế giới trẻ, sân khấu kịch Lê Hay, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, sân khấu Nụ cười, sân khấu Trịnh Kim Chi, công ty Ngôi nhà tuổi thơ...

Vào thời điểm này, sân khấu của các nhà hát chuyên phục vụ cho thiếu nhi dường như đều đã kín lịch diễn. Đơn cử như Thế giới hoạt hình trong khu rừng thần tiên của Liên đoàn Xiếc Việt Nam trong dịp này đã phải tăng suất diễn, từ ngày 26-5 diễn ba suất/ngày tại Rạp xiếc Trung ương. Vì đối tác khách hàng muốn ký hợp đồng biểu diễn vào ngày 1-6 quá đông, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã phải tổ chức đấu thầu để lựa chọn các khách hàng ký hợp đồng biểu diễn vào ngày này. Các nhóm nghệ sĩ xiếc của Liên đoàn Xiếc Việt Nam còn tỏa đi biểu diễn ở một số sân khấu khác như khai trương điểm diễn rạp bạt ở Công viên Đền Lừ từ ngày 25-5, biểu diễn tại Cung Thiếu nhi Hải Phòng, Nhà văn hóa trung tâm thành phố Thái Nguyên.

NH Tuổi trẻ - đơn vị đi đầu trong các sản phẩm cho thiếu nhi - vẫn giữ được phong độ và thương hiệu của mình khi trình làng cùng lúc ba sản phẩm thiếu nhi do các nghệ sĩ, tác giả kịch bản được khán giả yêu mến thực hiện, là: Đinh Tiến Dũng (Cù Trọng Xoay), Nguyễn Toàn Thắng, Bùi Như Lai, Cao Ngọc Ánh, Chí Huy… Đó là chương trình ca múa nhạc Nàng tiên cá, vở kịch Căn bếp đại chiến và Niềm vui của đám gà nhà.

Phục vụ cho thiếu nhi không thể làm dễ dãi

Đáng ghi nhận là sự nỗ lực đầu tư công phu một số các chương trình nghệ thuật phục vụ thiếu nhi của một số nhà hát, đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đã xóa đi quan niệm làm nghề dễ dãi khi dàn dựng chương trình cho đối tượng người xem này.

NSND Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ: “Chưa bao giờ chúng tôi nghĩ rằng làm chương trình phục vụ cho thiếu nhi có thể dễ dãi mà với những chương trình như thế lại càng phải đầu tư từ công sức cho tới kinh phí dàn dựng. Chúng tôi là những người làm nghệ thuật đầu tiên tiếp xúc với các cháu, vì vậy việc định hướng thẩm mỹ vô cùng quan trọng. Phải làm thật hay, thật tốt để phục vụ cho bất kỳ đối tượng khán giả nào kể cả thiếu nhi để thể hiện sự trân trọng nghề, trân trọng khán giả”.

Bí quyết “đốn tim” khán giả nhí của các đạo diễn, các ê-kíp sáng tạo và nghệ sĩ là tìm được sự tương tác tiếp cận với đối tượng thiếu nhi từ những nhân vật quen thuộc mà các em yêu thích trên hoạt hình, truyện cổ tích và đưa các em nhập cuộc bởi những đối thoại, những điệu nhảy, điệu hát sôi động gần gũi. NSƯT Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ: “Cứ vào dịp hè là nghệ sĩ xiếc chúng tôi vô cùng hào hứng với sự bận rộn đầy hạnh phúc này. Rạp xiếc đón hàng vạn khán giả nhí đến thưởng thức. Nắm bắt được tâm lý và sở thích của trẻ em là bí quyết để chúng tôi giúp các em hòa nhập với xiếc. Những câu chuyện đầy tính nhân văn với những cái kết có hậu, cái thiện chiến thắng cái ác, người xấu luôn bị trừng phạt được xử lý trong tất cả các chương trình nghệ thuật mà chúng tôi dàn dựng phục vụ cho các em thiếu nhi”. NSƯT Tống Toàn Thắng chia sẻ thêm, xiếc khó có thể cạnh tranh với sự đổi mới của công nghệ hiện đại trong các loại hình nghệ thuật khác như điện ảnh, truyền hình… nhưng điều mà xiếc đã làm thành công chính là tạo sự tương tác với khán giả, giúp các em hòa đồng với các nhân vật trong câu chuyện diễn ra trên sân khấu. Kết thúc chương trình biểu diễn, các em nhỏ còn được hòa mình nhảy điệu flashmob tập thể vui nhộn và sôi động. Cùng đó, các chương trình nghệ thuật cũng đang cố gắng tiếp cận, bổ sung yếu tố công nghệ để tăng sức hấp dẫn.

Hướng tới những suất diễn hợp đồng lớn cũng như sự góp sức của các nhà tài trợ cũng là một hướng khai thác thị trường biểu diễn mới của một số đơn vị như NH Tuổi trẻ, Liên đoàn Xiếc Việt Nam... Hơn thế, một số đơn vị còn phối hợp tổ chức xem miễn phí và tặng quà cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn. Đơn cử như chương trình Bay lên những ước mơ của NH Tuổi trẻ phối hợp Vietjet dự kiến sẽ tổ chức 20 suất diễn miễn phí, dành tặng hơn 12.000 trẻ em, học sinh tại các trường học, địa phương trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, đồng thời tặng các phần quà thiết thực hỗ trợ các cháu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, giúp các cháu có thêm nghị lực phấn đấu.

Với thông điệp làm chương trình nghệ thuật phục vụ cho thiếu nhi không thể dễ dãi mà càng phải đầu tư kỹ lưỡng, công phu, rất nhiều chương trình của một số nhà hát, đơn vị nghệ thuật đã trở thành thương hiệu và là điểm đến yêu thích đối với khán giả nhỏ tuổi.