Nhìn từ Festival Mỹ thuật trẻ 2020

Thay đổi hay dừng lại?

Được tổ chức định kỳ ba năm, vậy nhưng mỗi một kỳ Festival Mỹ thuật trẻ, do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức, đều cho thấy sự sụt giảm về chất lượng nghệ thuật nói chung cũng như tinh thần thể nghiệm, sự sáng tạo của người trẻ. Nguyên do vì sao? Và cần phải thay đổi theo chiều hướng nào để một hoạt động có ý nghĩa như vậy không rơi vào tình trạng lãng phí nguồn lực tài chính từ ngân sách cũng như công sức đóng góp của rất nhiều người?

Sắp đặt Về đâu tại thực địa…
Sắp đặt Về đâu tại thực địa…

Kỳ 1: Những mảnh ghép vụng

So với ba kỳ tổ chức trước (tính từ năm 2011), đây là festival có số lượng sáng tác dự thi gửi đến vòng sơ loại ít nhất (365, các kỳ trước lần lượt là 379, 762 và 953), thời gian trưng bày cũng ngắn ngủi nhất, chín ngày, từ ngày 28-7 đến 5-8-2020.

Trong số các sáng tác được lựa chọn vào vòng trưng bày, đây cũng là kỳ cuộc mà hội họa chiếm tỷ trọng lớn hơn cả: các con số tỷ lệ lần lượt là: 70/91; 60/95 và 60/112. Thêm nữa, trong số 70 sáng tác hội họa được lựa chọn trưng bày, có tới 42 bức tranh tả thực, hoặc theo trường phái hiện thực pha hòa một vài yếu tố biểu hiện, siêu thực, nhưng vẫn trên nền tảng của ngôn ngữ hội họa hiện đại. Thậm chí, có một số bức vẽ chỉ ở mức bài tập sau chuyến đi thực tế của sinh viên mỹ thuật, không nên được đưa vào trưng bày trong một festival có tính chất quốc gia. 

Đây cũng là kỳ cuộc triển lãm mà các sáng tác mang hình thức/ngôn ngữ của nghệ thuật đương đại, vốn được Ban tổ chức chú trọng tuyên truyền, khuyến khích nghệ sĩ tham gia, đã gần như lép vế hoàn toàn trước các sáng tác hội họa và đồ họa. Chỉ có bốn sáng tác thuộc thể loại nghệ thuật sắp đặt và một sáng tác video art được chọn trưng bày. Vậy nhưng, những sáng tác đó để lại dư luận không vui vẻ gì trong chính giới mỹ thuật về chất lượng và cung cách trưng bày.

Thay đổi hay dừng lại? -0
và trong phòng triển lãm. 

Đáng kể là sắp đặt Về đâu của tác giả Phan Lê Chung bao gồm 16 hình con cò trắng mà theo thuyết minh của tác giả là “được làm bởi những mảnh ghép của nhựa phế thải, cốt khung sườn được làm bằng thép...”. Ý niệm của tác phẩm là về sự xâm chiếm ngày càng nhiều vào môi trường sống tự nhiên của động vật cũng như ngôi nhà thiên nhiên. Mặc dù lời viết tròn trịa nhưng nhìn khung cảnh của sắp đặt này, không thể tìm thấy sự kết nối nào giữa tác phẩm và lời diễn đạt lại ý niệm khởi tạo nên nó. Điều đáng nói hơn cả, sáng tác này trong ảnh chụp gửi đến vòng sơ loại khác hẳn với trưng bày thực. Về điều này, trong trả lời phỏng vấn của chúng tôi, tác giả Phan Lê Chung giải thích:”Tác phẩm chính được dàn dựng là tại cánh đồng của vùng đất miền trung khô hạn (Quảng Trị), hình thức tác phẩm là tác phẩm nghệ thuật thực địa (tác phẩm cần được thưởng lãm và có ý nghĩa ngay tại nơi nó trưng bày)”.Cũng theo tác giả, ảnh chụp gửi đến cho BTC Festival Mỹ thuật trẻ 2020 là ảnh chụp tác phẩm chính nói trên chứ không phải ảnh qua phần mềm chỉnh sửa photoshop. Như vậy, có thể hiểu, trưng bày tại Festival Mỹ thuật trẻ là một phiên bản của Về đâu. Tuy nhiên, không có bất cứ diễn giải công khai và rõ ràng nào từ BTC hay nghệ sĩ, công chúng chỉ biết tới bản duy nhất được trưng bày tại festival, dẫn đến việc trong giới mỹ thuật có ý kiến đòi phải loại bỏ sáng tác này, thậm chí yêu cầu tác giả phải xin lỗi công chúng vì tác phẩm không trung thực với ảnh chụp. Bởi ngay trong quy trình tuyển chọn sáng tác cho festival được niêm yết công khai, ghi rõ: “Nếu như tác phẩm không đạt về nội dung và hình thức, không đúng như ảnh chụp tác phẩm đã được chọn ở vòng 1 thì tác phẩm đó sẽ không được trưng bày”.

Video art duy nhất Hội chứng vịt con thì rơi vào tình cảnh có ít nhất hai ngày cuối triển lãm, không được trình chiếu. Chúng tôi đã chứng kiến việc một nhân viên trông coi triển lãm giải thích với người xem là do máy tính lưu file video này bị ẩm, chứ không phải họ cố ý không bật lên cho khách thăm. Sắp đặt còn lại, tiêu đề Ngộ, do chủ nhân sáng tác không hiểu bản chất của nghệ thuật sắp đặt khác hẳn với việc sắp đặt tùy tiện mọi thứ có thể trên một bề mặt, dẫn đến kết quả Ngộ là một khu vực trưng bày đồ sộ nhất triển lãm, thừa mứa về phụ kiện song vô nghĩa, không muốn nói là thiếu thẩm mỹ đến mức phản cảm. Một sắp đặt còn lại, Mầm tháng Tư, thì không có bản Thuyết minh ý tưởng đính kèm. Nếu không hỏi chuyện một thành viên trong Hội đồng nghệ thuật (HĐNT), chúng tôi cũng không rõ đây thuộc thể loại sáng tác nào. 

Một số thành viên trong HĐNTvà BTC có chia sẻ chân thành với chúng tôi là cũng thấy không nên trưng bày Ngộ, sau khi nhận tác phẩm thực. Nhưng ở khía cạnh khác, dù sao tác giả cũng là người sinh sống ở vùng xa so với các trung tâm văn hóa mỹ thuật (Bắc Giang), lại mất bao công vận chuyển cồng kềnh xuống tận Hà Nội... Cách ứng xử “nệ tình” này thật sự nhân văn nhưng mặt trái của nó là dẫn đến những hệ quả như việc hiểu sai lệch về chất lượng nghệ thuật. 

Mặc dù là triển lãm dành cho người trẻ, khuyến khích tác giả gửi sáng tác “có tìm tòi mới” cả từ khuynh hướng nghệ thuật, kỹ thuật thể hiện đến ý tưởng, bút pháp nhưng cách thức tổ chức lại hoàn toàn không có gì khác so với triển lãm mỹ thuật toàn quốc, từ hàng chục năm trước: tác giả gửi ảnh chụp tác phẩm, các hình thức nghệ thuật đương đại thì có kèm yêu cầu giới hạn về kích thước (sắp đặt, không gian trình chiếu video art), thời lượng (trình diễn, body art), một HĐNT chung cho tất cả loại hình, ngôn ngữ nghệ thuật. Cách thức tổ chức này vô hình trung làm giảm đi cảm hứng tìm tòi cái mới của người trẻ vốn luôn muốn vượt ra khỏi các định chuẩn hình thức.

(Còn nữa)