Phim truyền hình Việt Nam

Thành công không tự đến

Liên tiếp các bộ phim truyền hình Việt Nam tạo được sức hút lớn đối với đông đảo khán giả. Điều đó không chỉ khẳng định thành công, mà còn cho thấy triển vọng con đường các nhà sản xuất phim truyền hình có thể tiếp tục theo đuổi để tạo dựng chỗ đứng trong lòng khán giả nước nhà.

Phim Việt có thế mạnh riêng ở mảng nội dung khai thác vấn đề mang tính bản sắc văn hóa.
Phim Việt có thế mạnh riêng ở mảng nội dung khai thác vấn đề mang tính bản sắc văn hóa.

Giải mã sức hút

Những năm gần đây, đã có không ít nhà làm phim truyền hình Việt Nam cố gắng đầu tư từ kịch bản, diễn viên và công nghệ làm phim... Kết quả là nhiều bộ phim tạo được sức hút với người xem đến không ngờ. Nối tiếp các tác phẩm đã chiếm sóng những khung giờ vàng của nhiều năm trước như Hôn nhân trong ngõ hẹp, Zippo, mù tạt và em, Khúc hát mặt trời, Cầu vồng tình yêu, Tuổi thanh xuân... thì đến gần đây là Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Ghét thì yêu thôi, Thương nhớ ở ai, Những cô gái trong thành phố và đặc biệt, Về nhà đi con trong những ngày qua thật sự là bộ phim làm mưa gió trên sóng truyền hình với lượng rating cao kỷ lục.

Đã xuất hiện nhiều chủ đề thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội hay số lượng các bài viết, review được các cơ quan báo chí khai thác, xâu chuỗi mọi góc cạnh của Về nhà đi con, bộ phim tâm lý tình cảm đặc sắc ấn tượng về gia đình Việt thời hiện đại. Nhiều khán giả có thể không biết rằng Về nhà đi con là một sản phẩm remake của bộ phim Khi đàn ông góa vợ bật khóc từng khá thu hút người xem trên sóng truyền hình Việt Nam thời điểm năm 2013, nhưng vẫn chưa lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội như Về nhà đi con bây giờ. Những câu chuyện gần gũi, giàu tính nhân văn về cuộc sống gia đình có lẽ chưa đủ lý do để giải mã toàn diện thành công của phim. Điểm cộng tạo nên sức cuốn hút cho bộ phim còn là bởi lối diễn xuất đa dạng của các diễn viên trẻ, cùng với lựa chọn chính xác của đạo diễn khi gửi gắm vai diễn người đàn ông trụ cột gia đình cho NSƯT Trung Anh hóa thân.

Sự xuất hiện của những bộ phim với đề tài không mới nhưng gần gũi với cuộc sống, theo nhiều phân tích, chính là sức hút để các phim truyền hình Việt lấy được nước mắt và giữ chân khán giả trước màn ảnh nhỏ. Không chỉ Về nhà đi con, có thể kể đến những bộ phim trong thời gian gần đây như Những cô gái trong thành phố, Chạy trốn thanh xuân, Nàng dâu order, Hoa cúc vàng trong bão… đã và đang được nhiều khán giả quan tâm. Điểm chung của các bộ phim này đều tập trung khai thác đề tài gia đình, tình yêu nhưng nhấn mạnh vào số phận những người phụ nữ có hoàn cảnh éo le. Bên cạnh cốt truyện hấp dẫn, kịch tính, chất lượng hình ảnh được nâng cao, thì diễn xuất tốt của diễn viên và đặc biệt là tính nhân văn của các bộ phim luôn được ê-kíp sản xuất lưu ý. Sau tất cả những số phận, những hoàn cảnh bi kịch, thông điệp được gửi gắm là những giá trị tích cực đã chạm đến trái tim người xem.

Thừa thắng xông lên

Ở thời điểm hiện tại, nhiều bộ phim Việt còn có thể đĩnh đạc cạnh tranh với các game show cũng như nhiều tác phẩm phim ngoại nhập khác. Đây là tín hiệu đáng mừng. Đáng nói hơn là nhiều bộ phim sau khi phát sóng đã tự tạo nên những “ngôi sao” màn ảnh mới trong lòng khán giả. Nhất cử nhất động của những “ngôi sao” này đều được khán giả, đặc biệt là giới trẻ luôn theo sát. Và những bộ phim Việt, một cách tự nhiên nhất, cũng đã trở thành “bom tấn” đối với người xem.

Thành công này nếu ở vài năm trước có thể thấy là một đích đến khá xa xôi của phim truyền hình Việt. Có thể thấy rõ trong những năm trở lại đây, chất lượng phim và kỹ thuật làm phim đã được nâng cao, hình ảnh và âm thanh rõ nét, chân thực và gần gũi hơn với khán giả.

Không chỉ đầu tư cho kịch bản, một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới chất lượng của bộ phim chính là diễn viên. Hầu hết các bộ phim “gây sốt” trên sóng truyền hình thời gian qua đều được chăm chút, lựa chọn kỹ lưỡng cho từng vai diễn. Cùng với sự vào vai “ngọt” của dàn diễn viên gạo cội, có kinh nghiệm diễn xuất như các nghệ sĩ Lan Hương, Hoàng Dũng, Trung Anh, Minh Hòa, Trọng Chinh... những gương mặt trẻ có thực lực như Việt Anh, Bảo Thanh, Anh Dũng, Nhã Phương... thời gian qua cũng đã phủ độ “hot” cho màn hình Việt.

Chuyên nghiệp hóa, đầu tư thỏa đáng chính là giải pháp sống còn của phim truyền hình Việt Nam trong thế “cạnh tranh” với phim chiếu rạp. Kết quả khảo sát ý kiến của khán giả về lượng người xem và chất lượng phim truyền hình của VFC cho thấy, tỷ lệ quan tâm, yêu thích và xem thường xuyên ngày càng tăng cao.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải nhận xét, khán giả trong nước ngày càng đòi hỏi chất lượng, mong muốn được xem những sản phẩm tốt, thậm chí tương xứng với chất lượng phim truyền hình của các nước khác như Hàn Quốc, Trung Quốc. Những thí dụ thực tế đều đã cho thấy, sự tập trung đầu tư vào nội dung kịch bản, đổi mới cách làm phim theo nhu cầu của khán giả đã giúp cho phim Việt Nam ngày càng được khán giả yêu thích. Tuy không có lợi thế cạnh tranh về quy mô đầu tư, kinh phí sản xuất so với phim nước ngoài, nhưng phim Việt lại có thế mạnh riêng ở mảng nội dung khai thác vấn đề mang tính bản sắc văn hóa, thể hiện được tâm tư tình cảm con người Việt Nam. Và đó chính là một trong những điểm mấu chốt để các nhà làm phim cần tiếp tục tập trung khai thác để làm nên thành công riêng cho dòng phim truyền hình.