Tạo chuỗi sản phẩm du lịch mang bản sắc Việt

Du lịch Việt Nam đang đối mặt với nghịch lý thiếu - thừa trong chiến lược phát triển sản phẩm: Thừa tiềm năng nhưng thiếu trọng tâm, thiếu điểm nhấn và liên kết để tạo thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, mang bản sắc Việt. Trong khi, đó chính là yếu tố cốt lõi để tăng sức cạnh tranh với các điểm đến trong khu vực.

Trải nghiệm hát xoan ở làng cổ hấp dẫn du khách.
Trải nghiệm hát xoan ở làng cổ hấp dẫn du khách.

Trông vào lợi thế có sẵn

Tra cứu Google để chọn các chương trình du lịch đồng bằng sông Cửu Long, dù chương trình tua (tour) ngắn ngày hay dài ngày, dù là một điểm đến (như Cần Thơ, An Giang, Bến Tre) hay xuyên tuyến, du khách đều sẽ được tận hưởng hầu hết các đặc sản của vùng đất này: miệt vườn, kênh rạch, tát cá, nghe hát đờn ca… Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty VietSense Travel cho rằng, dù tiềm năng rất lớn nhưng du lịch đồng bằng sông Cửu Long gặp khó bởi các sản phẩm du lịch trùng lặp, na ná nhau. Du khách chỉ hào hứng khi tới điểm đầu tiên, còn đến điểm thứ hai là đã thấy nhàm, giống như bắt họ “ăn hoài một món”, khó mời gọi họ trở lại lần tiếp theo.

Một thực trạng đã được nhiều chuyên gia và các doanh nghiệp làm du lịch ở Việt Nam thừa nhận là việc chúng ta tận dụng khá triệt để những gì đã có sẵn như cảnh quan thiên nhiên, văn hóa bản địa, truyền thống… để làm du lịch, mà quên đầu tư bài bản, có trọng tâm, trọng điểm từ ban đầu để định vị thương hiệu cho du khách. Yếu tố văn hóa đan cài trong các trải nghiệm của du khách như các buổi biểu diễn múa sạp - uống rượu cần, làm bánh, dệt thổ cẩm… nhằm phục vụ nhu cầu của khách đến nghỉ dưỡng là chính, chứ không phải yếu tố điểm nhấn để kéo khách đến hay giữ chân khách trở lại.

Đề án “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, xác định mục tiêu phát triển bốn dòng sản phẩm du lịch chủ lực là sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch đô thị. Bên cạnh đó, khuyến khích các loại hình du lịch mới: du lịch MICE, du lịch giáo dục, du lịch du thuyền, caravan, du lịch dưỡng bệnh, du lịch làm đẹp, du lịch vui chơi giải trí... Nhưng các sản phẩm du lịch chiến lược thì quen, thậm chí “na ná” giữa các địa phương, còn các sản phẩm du lịch hỗ trợ lại đơn lẻ, không hoàn toàn kết nối với nhau để tạo thành một điểm nhấn khác biệt trong chiến lược cạnh tranh.

Dù đã hoạch định được chiến lược, ngành du lịch cũng khó có thể “tái cơ cấu” ngay về mặt sản phẩm du lịch bởi những yếu tố mùa vụ trong khai thác sản phẩm, thiếu những quy hoạch dài hạn với sự tham gia của các nhà đầu tư quy mô, phụ thuộc nhiều vào chính sách hay quy định của các ngành khác như xây dựng, quy hoạch, hàng không… Chưa kể, tiềm năng du lịch mà Việt Nam đang có cũng đối mặt vô số vấn đề: Thiên nhiên bị tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu, cảnh quan bị việc phát triển hạ tầng du lịch xâm hại, nạn rác và nước xả thải từ sinh hoạt và du lịch ra môi trường… Trong khi, tác động của thị trường đã khiến các ưu tiên về giá trị văn hóa trở nên bị xem nhẹ.

Ngay cả các lễ hội, festival tại Việt Nam được tổ chức định kỳ, bài bản hơn nhưng ngày càng “đuối” và mất sức hấp dẫn. Ông Nguyễn Văn Tấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH JTB-TNT dẫn chứng, các sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc như Festival Huế, Festival hoa Đà Lạt…. đã được duy trì trong nhiều năm nhưng giảm hiệu quả thu hút khách, do không được quy hoạch, quảng bá ở cấp quốc gia hay nâng cấp dần để trở thành những sự kiện quốc tế thu hút sự chú ý của truyền thông và du khách nước ngoài.

Để có thể làm tốt và làm khác

Theo nghiên cứu của Tập đoàn Tư vấn toàn cầu Boston (BCG), nhu cầu của khách hàng - trải nghiệm khách hàng tìm kiếm chính là tiêu chuẩn để xây dựng sản phẩm du lịch. Thực tế hiện nay, khách du lịch ngày càng có xu hướng tìm kiếm sự chân thực và tính bản địa, thích trải nghiệm văn hóa, trải nghiệm thiên nhiên, thưởng thức ẩm thực. Xây dựng chuỗi sản phẩm có sự hòa hợp giữa yếu tố tự nhiên và văn hóa, mang đậm bản sắc Việt Nam để nâng cao trải nghiệm cho du khách sẽ là cách để sản phẩm du lịch Việt Nam tăng sức cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực.

Dẫn chứng ngay tại Quảng Bình, với định hướng chính sách phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với các lợi thế về di sản thiên nhiên được công nhận toàn cầu, được ví như “Vương quốc hang động” thì vẫn cần những sự bổ trợ để hoàn thiện sản phẩm. Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty Chua me đất (Oxalis) cho rằng, nếu muốn biến Quảng Bình thành thủ phủ của du lịch mạo hiểm giống như Ba-li (In-đô-nê-xi-a) hay Chiềng Mai (Thái-lan) thì cần phải thu hút thêm các nhà đầu tư phát triển các trải nghiệm du lịch mạo hiểm khác, ngoài các chương trình khám phá hang động. Hướng đi tiềm năng mà Quảng Bình có thể làm tốt và làm khác các điểm đến khác chính là gắn phát triển du lịch hang động, du lịch mạo hiểm với du lịch cộng đồng, để tìm hiểu và khai thác các giá trị văn hóa, phong tục tập quán, sinh hoạt của người dân địa phương.

Một điều rất quan trọng là cần tránh tư duy “mạnh ai nấy làm”, khó kiểm soát chất lượng, ảnh hưởng tới hình ảnh của điểm đến. Điều này đã được ông Nguyễn Ngọc Bích (Giám đốc Mekong Rustic, Cần Thơ) chỉ ra khi phân tích thực trạng: vài năm trước, du khách tới đồng bằng sông Cửu Long rất thích được trải nghiệm du lịch cộng đồng. Nhưng khi nhu cầu phát triển, chủ nhà mở rộng thêm nhiều phòng để đón lượng khách đông hơn. Ý nghĩa thật sự của trải nghiệm tại homestay - cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với người dân địa phương, đã không còn trọn vẹn, khiến du khách kém hào hứng, hệ quả là thời gian lưu trú của khách tại đây ngắn hơn, doanh thu du lịch thấp xuống. Cũng theo ông Bích, khái niệm “homestay” cũng bị lạm dụng ngay tại thị trường khách du lịch quốc tế như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Nắm bắt nhu cầu khách nước ngoài muốn thuê phòng tại các thành phố lớn, nhất là khu vực phố cổ, phố trung tâm nên nhiều chủ nhà đã thầu lại một vài phòng, hoặc mang phòng cho thuê trên các trang chia sẻ như AirBnb đã rao thêm chữ homestay, trong khi thực chất chỉ là cho thuê phòng ở chứ không có bóng dáng của mô hình du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ tại nhà dân, cùng “trải nghiệm văn hóa địa phương” như đúng thuật ngữ đó.

Du lịch Việt Nam hiện vẫn thiếu nhiều các sản phẩm du lịch có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, đó là các sản phẩm đem lại cho du khách những trải nghiệm du lịch mới, chân thực nhưng vẫn xâu chuỗi trong không gian văn hóa vùng miền đặc trưng. Ngay từ khâu lưu trú, các chủ đầu tư cần mở rộng và phát triển thêm nhiều trải nghiệm du lịch, tạo ra một hệ giá trị từ không gian lưu trú gắn với nhiều tiện ích vui chơi giải trí cho du khách như lễ hội, trải nghiệm di sản văn hóa, show diễn nghệ thuật, làng nghề, mua sắm đồ đặc sản địa phương, giải đấu thể thao… thay vì chuyên chú vào tiện ích phòng ốc cho khách như hiện tại. Theo ông Cao Chí Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Việt Nam Travelmart), phải làm sao gắn được nhu cầu của du khách với giá trị văn hóa bản địa của điểm đến, như vậy mới có thể gia tăng khả năng thu hút và chi tiêu của du khách, nhất là những dòng khách cao cấp, ở những thị trường “hạng sang” như châu Mỹ, châu Âu, châu Đại Dương…