Suy ngẫm về những cái kết

Dẫu biết rằng khó có thể phân định yếu tố nào quan trọng hơn, nhưng cái kết của một tiểu thuyết, một truyện ngắn, hay một bộ phim, một vở kịch đều là vấn đề “đau đầu” với tác giả, đạo diễn, là mối quan tâm và hồi hộp chờ đợi nhất của người đọc, người xem. Tuy nhiên, nhiều tác phẩm phim truyền hình Việt Nam lại chưa chú trọng đúng mức yếu tố này, gây thất vọng cho người xem.

Nhiều vấn đề thân phận chưa được giải quyết thấu đáo ở tập cuối phim Sinh tử.
Nhiều vấn đề thân phận chưa được giải quyết thấu đáo ở tập cuối phim Sinh tử.

Như “trái bom nổ chậm”

Về đại thể, một tác phẩm văn học, sân khấu, hay điện ảnh, đều cần phải đi qua các bước: nêu vấn đề - phát triển vấn đề - giải quyết vấn đề. Trong đó, bước giải quyết vấn đề chính là cái kết của tác phẩm. Một tác phẩm được đánh giá là hay, là thành công đương nhiên phải làm tốt ở tất cả các khâu, hay về nội dung và hấp dẫn về hình thức.

Ở đây, người viết xin khoanh giới hạn vấn đề bàn luận là về cái kết của phim truyền hình nhiều tập (phim bộ).

Tại sao lại là phim bộ và chỉ là cái kết? Vì phim bộ hầu hết đều rất nhiều tập, có phim dài tới hàng trăm tập (nhất là phim Hàn Quốc, Trung Quốc, ngay ở Việt Nam gần đây cũng có những bộ lên tới 80 - 85 tập). Ðiều này đồng nghĩa với việc quy mô của phim rất rộng, rất lớn: nhiều vấn đề, nhiều tình tiết và sự kiện, nhiều nhân vật; cấu trúc của phim thường là đa tuyến; cách kể chuyện không thể đơn giản và đơn điệu... Phim càng dài, càng nhiều vấn đề bao nhiêu thì cái kết của nó càng là bài toán khó bấy nhiêu cho đạo diễn và ê-kíp sáng tạo. Nếu như các giai đoạn trước làm hay, thu hút được khán giả, tạo được sự hứng thú, khiến khán giả bị cuốn hút và háo hức chờ đợi qua từng tập phim, xem xong tập này chỉ mong chóng được xem tập tiếp theo... thì cái kết sẽ chẳng khác gì một “trái bom nổ chậm”. Trái bom ấy có thể bùng nổ, gây tiếng vang lớn, mà cũng có thể là “bom xịt”.

Xin lấy dẫn chứng từ một hiện tượng còn “nóng hổi” trên diễn đàn cộng đồng mạng ở Việt Nam ta, đó là hiện tượng “hậu Sinh tử”, khi bộ phim Sinh tử kết thúc, tối 9-3. Bộ phim dài 80 tập có cái kết gây nhiều ý kiến phản biện, phần lớn không đồng tình với cái kết quá chóng vánh, thiếu kịch tính, không tương xứng với sức cuốn hút mạnh mẽ đối với đông đảo người xem mà 79 tập phim trước đó đã tạo được...

Quả thật, không ai có thể phủ nhận sức hấp dẫn của Sinh tử - một bộ phim thuộc thể loại chính luận - hình sự, đề tài “hot” là chống tham nhũng rất gần gũi hiện thực, có nhiều kịch tính, dàn diễn viên diễn xuất tốt, nhiều cảnh quay hấp dẫn... Vấn đề “bất ổn” nhất là ở cái kết, và người xem có lý khi không cảm thấy thỏa mãn. Có khá nhiều vấn đề được đặt ra, nhiều thân phận nhân vật được xây dựng lên đã được thể hiện một cách sinh động và hấp dẫn ở 79 tập trước nhưng lại không được giải quyết thấu đáo hoặc bị “bỏ quên” ở tập cuối.

Người viết bài này không khỏi không liên hệ tới bộ phim Về nhà đi con, cách đây không lâu cũng là một hiện tượng “nóng” trên sóng truyền hình và cả trên mạng xã hội. Có điểm khá tương đồng giữa hai phim về độ cuốn hút khán giả, còn về sự không hài lòng với cái kết của phim thì với Về nhà đi con cũng có, nhưng nhẹ nhàng hơn. Trong 85 tập phim thì gần chục tập cuối của Về nhà đi con có phần kém hấp dẫn vì ít yếu tố mới, nhiều tình tiết bị đẩy qua đẩy lại không cần thiết, cuối cùng là những cảnh kết khá nhạt nhòa.

Tính hai mặt của một phương thức

Nhân nói chuyện cái kết trong phim Việt, người viết lại liên tưởng tới một bộ phim khác, không phải của Việt Nam, mà là của Hàn Quốc, đó là phim Hạ cánh nơi anh (Crash Landing on you, biên kịch: Park Ji - eun, đạo diễn: Lee Jeong - hyo), sản xuất năm 2019 và trình chiếu trên kênh tvN, vào quãng thời gian và khung giờ gần như trùng với thời gian phát sóng của phim Sinh tử trên VTV1. Với 1,75 tỷ lượt người xem, Hạ cánh nơi anh đã đạt rating cao nhất lịch sử Ðài truyền hình cáp tvN và thứ hai của truyền hình Hàn Quốc. Phim cũng là hiện tượng “hot” của cộng đồng mạng trên nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Cũng như nhiều bộ phim Hàn Quốc khác đã chinh phục được đông đảo khán giả, phần lớn là giới trẻ, Hạ cánh nơi anh cuốn hút người xem vì thuộc thể loại phim tình cảm, có các diễn viên nổi tiếng đẹp, tài năng thủ vai chính; câu chuyện tình lãng mạn của cặp đôi chính được dẫn dắt tự nhiên, nhiều yếu tố bất ngờ; bối cảnh quay đẹp, thơ mộng... Tất nhiên, trong bộ phim dài 16 tập không phải tất cả đều hoàn hảo, cũng không khó chỉ ra những hạt sạn trong kịch bản, trong công việc đạo diễn và diễn xuất. Nhưng, cùng với diễn biến phim khiến người xem trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, các nhà làm phim đã tạo nên một cái kết rất thông minh, hợp lý. Ðiều đáng nói nữa là, không chỉ câu chuyện của cặp đôi nhân vật chính được giải quyết thỏa đáng mà tất cả các vấn đề của các tuyến nhân vật khác cũng đều được các nhà làm phim giải quyết trọn vẹn, một happy ending đem lại sự thỏa mãn cho người xem.

Câu chuyện cái kết luôn là vấn đề của mọi tác phẩm nghệ thuật và “ám ảnh” người sáng tạo lẫn người thưởng thức, nó là “cú knoc-out” cuối cùng, có vai trò quyết định làm nên sự hoàn chỉnh và hoàn mỹ của tác phẩm, khiến cho câu chuyện và nhân vật có ở lại được trong lòng khán giả hay không.

Có lẽ vấn đề nằm ở khâu biên kịch và đạo diễn. Cả hai phim Về nhà đi con và Sinh tử đều được thực hiện với phương thức cuốn chiếu, tức là vừa làm vừa phát sóng, cũng có nghĩa là vừa làm vừa nghe ngóng, thăm dò khán giả. Phương thức sản xuất phim bộ theo cách vừa viết - vừa quay - vừa phát sóng và “canh chừng” khán giả không phải chỉ ở Việt Nam mới có. Theo tôi, đây là “cuộc chơi” thú vị nhưng có tính hai mặt và khá mạo hiểm. Ðiều này đòi hỏi ê-kíp sáng tạo phải rất vững tay và tỉnh táo. Và, tất nhiên, như một chân lý, nói đến nghệ thuật thì không thể thiếu yếu tố đầu tiên, đó là tài năng!