Số phận di sản và sự may rủi

Số phận của một tòa biệt thự cổ ở Hà Nội đang thu hút sự chú ý của dư luận, nhất là những người nặng lòng với di sản - đó là tòa biệt thự ở 128 C Đại La - nơi mà theo kế hoạch, sẽ bị đập bỏ để nhường chỗ cho tuyến đường vành đai 2 trên cao, trước ngày 31-12.

Khi những ngôi nhà xây chắp vá chung quanh được phá bỏ, để lộ ra tòa biệt thự đó giữa ngổn ngang gạch đá, giữa khoảng không gian được dọn dẹp chuẩn bị thi công hành lang an toàn của tuyến đường, những ai nhìn thấy mới chợt nhận ra: đó là một tòa biệt thự Pháp cổ rất đẹp. Nhưng nếu chỉ chừng đó, đặt cạnh nhu cầu cấp thiết của một tuyến đường có ý nghĩa “giải cứu” cho một trục tuyến quan trọng của giao thông Hà Nội, thì hẳn là những tâm tư tiếc nuối sẽ bị lọt thỏm bên cạnh những ý kiến ủng hộ. Như sự lép vế của di sản khi đặt cạnh bài toán phát triển, nhất là ở một đô thị đang phát triển quá nóng như Hà Nội. Dẫu là tòa biệt thự ấy đã được dựng lên từ năm 1912, để trở thành một chứng nhân của biết bao thăng trầm, biến cải.

Mọi chuyện chỉ ồn ào và thu hút sự chú ý của dư luận khi chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới, Giám đốc dự án của Trung tâm phát triển đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ thông tin tiếc nuối khi tòa biệt thự đó, bên cạnh giá trị về mặt kiến trúc và lịch sử, còn là nơi đặt trạm phát sóng vô tuyến điện đầu tiên của khu vực Đông - Nam Á. Đó cũng là nơi gắn với những dấu mốc lịch sử đặc biệt của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thời kỳ non trẻ - nơi phát đi Bản Tuyên ngôn Độc lập lần đầu tiên ra cả nước và thế giới trong chương trình phát thanh đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam vào trưa 7-9-1945.

Điều đáng nói là, tòa biệt thự - di tích cách mạng có ý nghĩa đặc biệt này lại chưa hề được nhắc đến trong bất cứ văn bản nào của ngành văn hóa cả nước, hay của riêng Hà Nội. Trong danh sách kiểm kê di sản của Thủ đô, không có tên Trạm phát sóng Bạch Mai, nên, tất yếu, tòa biệt thự đó chưa hề được công nhận là di tích, trong bất cứ lĩnh vực nào. Điều này cho thấy, ngành văn hóa thật sự đã chưa làm hết trách nhiệm của mình, khi việc công nhận di tích lịch sử, văn hóa vẫn mang nặng tính chất xin, cho, nên thiếu sự chủ động rà soát để xây dựng hồ sơ công nhận di tích, dẫn đến việc bỏ lọt nhiều di tích có ý nghĩa đặc biệt, như Trạm phát sóng Bạch Mai, hay di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối hiện vẫn chưa định rõ được số phận.

Diễn biến mới nhất của vụ việc, vào ngày 17-12, Đài Tiếng nói Việt Nam đã gửi công văn chính thức đến UBND thành phố Hà Nội, đồng thời gửi tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, kiến nghị thành phố xem xét tìm phương án bảo tồn ngôi biệt thự Trạm phát sóng Bạch Mai. Nhiều ý kiến chuyên gia trong nước và quốc tế cũng đã kiến nghị phương án di dời để bảo tồn ngôi biệt thự cổ này, và biến nơi đây thành một bảo tàng lịch sử - văn hóa về ngành phát thanh Việt Nam.

Nhìn rộng hơn, những vụ việc như thế này cho thấy nhu cầu bức thiết cần phải xây dựng quy chế phát triển riêng cho các đô thị đặc thù như Hà Nội, để có thể phát triển mà không phải hối tiếc vì vô tình hay cố ý đánh đổi bằng những giá trị văn hóa đặc sắc.