Sân khấu tìm hướng đi mới

Một số nghệ sĩ, nhóm nghệ sĩ sân khấu truyền thống đã mạnh dạn làm các chương trình, tiểu phẩm sân khấu online, trước tiên là để cổ vũ tinh thần chống dịch Covid-19. Song, cũng từ đây, một hướng đi mới mở ra cho những người làm nghệ thuật.

NSND Bạch Tuyết với Ông bà anh thời Covid-19.
NSND Bạch Tuyết với Ông bà anh thời Covid-19.

Chuyển tải nhiều thông điệp

Bằng tiếng nói và ưu thế của từng loại hình, sản phẩm online ra đời trong mùa dịch rất đa dạng và phong phú. Nhóm Xẩm Hà thành đã khiến những người yêu nhạc truyền thống ngạc nhiên và thích thú khi trình làng MV xẩm Tiêu diệt Corona. Trong tác phẩm Xẩm Sai (thường được sử dụng trong các bài đả kích những thói xấu trong xã hội) đầy hóm hỉnh này, người nghe bắt gặp nhiều câu nói vui quen thuộc vẫn được cộng đồng mạng sử dụng trong những ngày vừa qua, trong đó có câu “thần chú” hài hước: “Corona xa ta ra”. Tác phẩm cũng phê phán một số cá nhân có hành động, lời nói chưa chuẩn mực, không hợp tác với cơ quan chức năng trong phòng, chống dịch, đồng thời, nhắc nhở người dân tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn.

Làng chèo cũng cống hiến nhiều bài chèo thú vị như Chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid (theo làn điệu Đào Liễu do Trương Công Đỉnh soạn lời), Bài ca chống giặc dịch Covid (theo làn điệu Xẩm Xoan của soạn giả Mai Văn Lạng sáng tác), Tình em người chiến sĩ áo trắng (theo làn điệu Chinh phụ do tác giả Lê Thế Song sáng tác)…

Đáng kể là các bài tân cổ cải lương mới như Thiên thần áo trắng chiến thắng Corona (tác giả Lê Thế Song, NSƯT Hoàng Tùng và Xuân Hồng thể hiện), Ông bà anh thời Covid-19 (NSND Bạch Tuyết cải biên phần ca cải lương từ ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Lê Thiện Hiếu)… đã nhận được rất nhiều lượt xem và chia sẻ trên kênh YouTube.

Ca sĩ người Mỹ Kyo York đang sinh sống tại Việt Nam cũng gây bất ngờ khi ra mắt MV Trống cơm - chống Covid-19 song ngữ Việt - Anh. Trống cơm - chống Covid-19 được hòa âm, viết lời Việt bởi nhạc sĩ Khúc Đạo Minh, phần lời tiếng Anh do ca sĩ Kyo York chuyển ngữ. Trong MV, Kyo York mặc áo dài truyền thống của người Việt Nam, thể hiện và truyền đi thông điệp tích cực về phòng, chống dịch Corona. MV Trống cơm - chống Covid-19 phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem với những phản hồi tích cực.

Trong cái khó, ló cái khôn…

Điều thú vị mà NSND Bạch Tuyết chia sẻ, trong số hàng trăm nghìn người xem và bình luận thì có tới 70% là người trẻ tuổi. NSND Bạch Tuyết nói: “Rất nhiều người cho rằng cải lương đang bị mai một, mất dần vị trí. Nhưng tôi luôn tin rằng cải lương luôn có những cách làm mới mình để tìm đến khán giả. Bản thân nghệ thuật cải lương đã vốn là một loại hình nghệ thuật luôn tiếp thu những cái mới và phản ánh đời sống xã hội. Đó chính là lý do tôi lập dự án Cải lương đồng hành cùng mùa Covid-19”.

Với một góc nhìn xa hơn, tác giả Lê Thế Song chia sẻ: “Trong điều kiện hoạt động sân khấu khó khăn bởi dịch Covid-19, mọi hoạt động nghệ thuật biểu diễn đều tạm dừng. Theo tôi, “cái khó ló cái khôn”, các nhà hát và các loại hình nghệ thuật cũng nên tính tới cách làm online, xây dựng các trích đoạn hấp dẫn đưa giới thiệu trên các kênh YouTube, Zalo, Facebook… để tiếp cận khán giả. Từ những trích đoạn ngắn hấp dẫn, khán giả sẽ tìm tới nhà hát để xem trọn một tác phẩm”.

NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng: “Hiện nay hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang dừng vì không thể biểu diễn ở những địa điểm đông người. Nhưng trong kịch mục của các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật có rất nhiều tác phẩm, những chương trình mới đặc sắc, hấp dẫn. Chúng tôi mong rằng, Đài Truyền hình Việt Nam và các kênh truyền hình, phát thanh cần tính tới việc thu lại toàn bộ chương trình, tác phẩm để giới thiệu cho khán giả cả nước. Không đến được rạp xem thì khán giả có thể xem sân khấu qua các nhà đài, tác phẩm sẽ không chịu cảnh bị xếp xó vì mùa dịch”.

Nghệ thuật biểu diễn là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19. Ngay cả khi dịch bệnh qua đi thì việc “khởi động” lại thói quen đi xem nghệ thuật, vào nhà hát cũng sẽ phải còn cần nhiều nỗ lực… Chính bởi vậy, ngay từ lúc này, những chuyển động tích cực và sáng tạo của các đơn vị nghệ thuật hay từng nghệ sĩ đang góp phần đưa nghệ thuật tới gần hơn với công chúng, giúp nuôi bền tình yêu nghệ thuật trong mỗi tâm hồn.