Quy hoạch “sức chứa” để phát triển du lịch

Có một nghịch lý trong phát triển du lịch: Nếu không đầu tư hạ tầng thì cảnh quan đẹp sẽ chỉ là “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Nhưng nếu đầu tư ồ ạt, không được quy hoạch, kiểm soát tốt lại sẽ phá vỡ tài nguyên vô giá. Chính vì vậy, cần tính toán đúng “sức chứa” để có thể phát triển du lịch bền vững.

Mỗi điểm đến du lịch đều có một “sức chứa” giới hạn, được quy định bởi không gian, giới hạn về tài nguyên.
Mỗi điểm đến du lịch đều có một “sức chứa” giới hạn, được quy định bởi không gian, giới hạn về tài nguyên.

Cần có quy hoạch thông minh

Tam Ðảo xô bồ, chật chội với những công trình xây dựng vẫn tiếp tục mọc lên chen chúc ở khu trung tâm thị trấn. Sa Pa mù sương cũng càng ngày càng ken chặt vì những khối nhà bê-tông. Ðà Lạt đã không còn những khu biệt thự nhẹ nhàng thơ mộng thuở nào. Tỷ lệ nhà mới xây, đường mới mở tăng lên nhanh chóng đã đè bẹp những rặng thông và cả sương mờ lãng mạn. Phú Quốc cũng không còn hoang sơ mà đã dày đặc resort với lượng du khách nườm nượp kéo về quanh năm… Tình trạng bùng nổ, quá tải về không gian, xây dựng lộn xộn không theo quy hoạch đã trở thành cảnh thường gặp với những mức độ trầm trọng khác nhau ở hầu như tất cả các địa phương muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành “kinh tế không khói” thúc đẩy cho mức tăng trưởng chung của địa phương.

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, chỉ trong khoảng ba năm, từ năm 2015 đến năm 2018, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng gần gấp đôi, năm 2019 đã ở mức 18 triệu lượt. Lượng khách du lịch nội địa cũng đã đạt mức hơn 80 triệu lượt trong năm 2018. Ðiều đó, tất yếu dẫn đến việc sẽ phải phát triển xây dựng các cơ sở hạ tầng để cung cấp dịch vụ.

Hiện nay, hầu như các tỉnh, thành phố trong toàn quốc đều đã có quy hoạch phát triển du lịch. Tuy nhiên, chất lượng quy hoạch và việc quản lý quy hoạch không phải ở nơi nào cũng tốt. Ðể giải quyết hậu quả với những sai phạm sẽ tốn rất nhiều nguồn lực xã hội, thời gian. Vì thế, các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo, phải nâng cao chất lượng quy hoạch, bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy hoạch đã được phê duyệt, tránh tình trạng người dân, doanh nghiệp tự phát xây dựng, không có quy hoạch hoặc không theo quy hoạch. Việc phát triển trước hết phải theo Luật Quy hoạch và khuyến khích phát triển theo hướng hạ tầng thông minh - tùy theo mỗi vị trí để giải quyết xung đột (có thể có) giữa phát triển hạ tầng với duy trì cảnh quan thiên nhiên, để cảnh quan thiên nhiên không bị phá vỡ mà còn được du lịch tôn vinh.

Phải tính đúng “sức chứa”

Mỗi điểm đến du lịch đều có một “sức chứa” giới hạn, được quy định bởi không gian, giới hạn về tài nguyên. Những giới hạn này chỉ cho chúng ta phát triển đến mức độ cho phép để vừa bảo đảm quyền lợi của khách du lịch vừa bảo đảm môi trường không bị quá tải. Việc tiếp nhận quá nhiều khách du lịch hay nhiều hoạt động du lịch trong một khu du lịch tại một thời điểm nhất định vượt quá khả năng cho phép sẽ làm phát sinh những khó khăn cho công tác quản lý, khả năng cung cấp dịch vụ và làm ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là tới cảm nhận của bản thân du khách. Do đó, “sức chứa” của khu du lịch quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của khu du lịch và tính toán “sức chứa” trở thành một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình lập quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý phát triển khu du lịch. “Sức chứa” của một điểm đến được xác định bởi nhiều yếu tố khác nhau bao gồm các yếu tố nội tại và các yếu tố bên ngoài, trong đó đặc biệt quan trọng là quy mô không gian của điểm đến/ khu du lịch, tính chất của hoạt động du lịch, mức độ nhạy cảm của môi trường tự nhiên và xã hội, khả năng tổ chức và quản lý hoạt động du lịch...

Ðể “sức chứa” phù hợp với chiến lược phát triển du lịch bền vững, theo KTS Hoàng Ðạo Cầm, chuyên gia về quy hoạch du lịch: “Việc kiểm soát lượng khách du lịch tại một điểm đến sẽ được thực hiện thông qua nhiều biện pháp khác nhau, có những điểm đến cần áp dụng các biện pháp hết sức chặt chẽ kiểm soát số lượng khách tối đa tại một thời điểm bất kỳ, lượng khách tối đa trong một ngày, một năm. Trong nhiều trường hợp khác, việc áp dụng các biện pháp kiểm soát “sức chứa” một cách gián tiếp thông qua việc xây dựng các công trình hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch như hạn chế quy mô các tuyến giao thông, công suất các bãi đỗ xe, quy mô các công trình xây dựng (mật độ sử dụng đất, hệ số sử dụng đất), số lượng khách sạn và phòng khách sạn và các công trình dịch vụ khác lại phù hợp hơn”.

Nhiều quốc gia, thành phố, các địa điểm du lịch ấn tượng của khu vực và thế giới đã “sực tỉnh” trước con số du khách vượt quá khả năng cung và đã đưa ra nhiều biện pháp khác nhau để khống chế lượng khách du lịch trong tầm kiểm soát và phù hợp với tốc độ hồi phục của môi trường cảnh quan. Thái-lan đã mạnh tay đóng cửa (có thời hạn) nhiều khu bãi biển du lịch nổi tiếng để môi trường có thời gian phục hồi. Bhutan đã chọn phát triển du lịch sinh thái, vừa hạn chế tối đa tác động tới môi trường tự nhiên, vừa bảo vệ được các giá trị văn hóa bản địa. Một số nước khác đưa ra những quy định chặt chẽ với từng khu vực về số lượng du khách, mùa nào được vào (mùa cây cối, muông thú sinh sản sẽ không được vào)... Các nhà chuyên môn sẽ tính toán những giới hạn đó để xây dựng nên quy hoạch du lịch.

Ði cùng với những bản quy hoạch du lịch được xây dựng nên bởi sự tham gia của nhiều chuyên gia có trình độ, tâm huyết và am hiểu thực địa, điều quan trọng không kém là năng lực quản lý hiệu quả, chặt chẽ của cơ quan chức năng, để bảo đảm bản quy hoạch đó được tôn trọng trong thực tế.