Phép cộng của tình yêu xứ sở

Họ là người Việt từng sống ở Pháp, Mỹ, Hà Lan, nhưng đều có chung một tiếng nói, hướng về cội nguồn, về văn hóa dân tộc. Họ, đã làm nên một cộng đồng giàu bản sắc Việt trong sự kết nối Ðông - Tây.

Phép cộng của tình yêu xứ sở

1 Tôi ấn tượng với Trung Bảo khi anh tham gia cùng nghệ sĩ Ngô Hồng Quang trong đêm nhạc “Nam nhi” tại Trung tâm văn hóa Pháp ở Hà Nội. Cuộc đối thoại giữa beatbox với đàn nhị, sáo, khèn Mông, với quan họ, xẩm của Trung Bảo và Ngô Hồng Quang đã mang đến những cảm xúc mới mẻ cho người nghe. Trong cộng đồng beatbox thế giới, cái tên Trung Bảo gắn với một âm thanh rất đặc biệt đến từ Việt Nam, đó là chữ Ð, cảm hứng để Bảo sáng tác ra bài Ðom đóm đêm. Chính Bảo cũng là “thủ lĩnh” tinh thần của cộng đồng beatbox Việt Nam, góp phần đưa nhiều bạn trẻ tham gia các cuộc thi trên thế giới. “Tôi rất tự hào khi được xướng tên beatboxer Trung Bảo đến từ Việt Nam”, Bảo chia sẻ. Dù đã sở hữu nhiều giải thưởng lớn trong lĩnh vực này, nhưng điều Trung Bảo hướng tới không phải là một beatboxer, mà là một người kết nối, giữa Việt Nam với thế giới. Anh cũng là nghệ sĩ trẻ của Việt Nam được nhạc sĩ Nguyên Lê mời tham gia dự án “Over Sea” cùng các nghệ sĩ Việt sống ở nước ngoài, trong tinh thần đương đại. Việc gặp nghệ sĩ Nguyên Lê và nghệ sĩ Ngô Hồng Quang đã giúp Bảo thay đổi nhiều về tư duy âm nhạc. “Tôi hiểu điều rất quan trọng khi đi ra thế giới là mình phải biết mình là ai, mình đến từ đâu. Với tôi beatbox là một môn nghệ thuật chuyên nghiệp, nó cũng như những nhạc cụ khác, có thể chơi với nhạc dân tộc, với jazz. Giới trẻ Việt bây giờ chú ý tới văn hóa phương Tây, Mỹ, họ không nhận ra văn hóa Việt Nam hay đến thế. Ðiều hay nhất chính bởi nó là của mình”.

2 Năm 2018 cũng là năm đáng nhớ với nghệ sĩ piano Lưu Ðức Anh khi anh và những người bạn nghệ sĩ quyết định lập nhóm Maesoto, đưa âm nhạc cổ điển đến gần với công chúng Việt Nam. Một con đường khó khăn và đôi khi mịt mù khi khán giả Việt vốn thờ ơ với nhạc cổ điển. Một năm của nỗ lực, bền bỉ và tâm huyết, Maesoto đã có nhiều đêm diễn định kỳ tại Hà Nội, ở Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn để tạo thói quen nghe nhạc cho khán giả. Lưu Ðức Anh chia sẻ: “Tôi theo học về âm nhạc cổ điển và tôi nhận ra những điều vĩ đại mà nó có thể mang đến cho mỗi con người, thậm chí mỗi quốc gia. Tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm thực hiện điều gì đó. Một lý tưởng sống, một mục tiêu đúng đắn sẽ làm cho cuộc sống của mình ý nghĩa hơn”.

Lưu Ðức Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống về âm nhạc, anh trai là nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang. Anh vừa tốt nghiệp cao học về piano tại Thụy Ðiển và giành nhiều giải thưởng danh giá ở nước ngoài. Nhưng Lưu Ðức Anh chọn trở về, mang những tinh túy anh học được trong cái nôi của âm nhạc cổ điển để góp phần thúc đẩy đời sống âm nhạc cổ điển ở Việt Nam. Với chàng trai 9X này, piano chỉ là chiếc cầu nối đưa anh đến với khán giả để sẻ chia, để hướng tới những giá trị đẹp của đời sống.

Phép cộng của tình yêu xứ sở ảnh 1

3 Tuấn Lê là một ấn tượng khác của đời sống văn hóa khi anh rời bỏ cuộc sống ở Ðức và trở về Việt Nam để làm nên những thứ rất mộc mạc như Làng tôi, À ố show… Và rồi chính anh lại góp phần mang những hình ảnh hồn hậu, đậm chất Việt ấy đi biểu diễn khắp thế giới, để giới thiệu với bạn bè quốc tế về một Việt Nam khác, đa dạng và giàu bản sắc. Hỏi Tuấn Lê có gặp nhiều khó khăn không, “nhiều chứ” - khi anh cùng với biên đạo múa Tấn Lộc là những người tiên phong bứt phá trong con đường tiếp cận với xiếc đương đại. Không còn giới hạn giữa xiếc và múa, ngôn ngữ đương đại và chất liệu truyền thống, những sản phẩm của anh đã có vị trí trong đời sống nghệ thuật. Với những động tác đầy ngoạn mục, trên nền âm nhạc dân tộc với các đạo cụ là tre, nứa, thúng, mủng, rổ, rá đơn sơ, khán giả trong và ngoài nước đều bị thu hút bởi vẻ đẹp của nó.

Tuấn Lê chia sẻ rằng, lần đầu trở về nước, anh bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp của thiên nhiên và cuộc sống làng quê Việt Nam. Với những gì được học ở Ðức, anh ấp ủ một chương trình nghệ thuật kết hợp giữa những điều phi thường của xiếc với câu chuyện làng quê mang tính sân khấu kịch. Làng tôi ra đời, đến nay đã có hơn 300 đêm diễn khắp nơi trên thế giới. Còn ở Việt Nam, Làng tôi và À ố show đã có lịch diễn định kỳ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Nhiều người hỏi vì sao một Việt kiều Ðức thành danh ở nước ngoài như Tuấn Lê lại chọn trở về Việt Nam. Anh cười: “Mỗi người sinh ra đều có lựa chọn riêng của mình. Tôi về Việt Nam vì muốn chia sẻ những thành công mình đạt được với bạn bè, khán giả trong nước, góp phần tạo động lực cho những người trẻ rèn luyện, học hỏi và tự sáng tạo ra những điều mới mẻ cho đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà. Thế giới đang muốn tìm về với những gì mộc mạc nhất, Việt Nam chúng ta có điều đó, chỉ cần kết nối với một tư duy đương đại, chúng ta sẽ có nhiều sản phẩm thú vị”.

Trung Bảo, Lưu Ðức Anh hay Tuấn Lê và rất nhiều nghệ sĩ trẻ du học trở về đang tạo nên một cộng đồng những nghệ sĩ Việt trẻ tài năng góp phần đưa văn hóa nghệ thuật Việt Nam kết nối với thế giới. Với họ, khoảng cách về địa lý không còn ý nghĩa khi tâm hồn họ luôn hướng về Việt Nam. Họ chính là cây cầu nối hiệu quả và ý nghĩa nhất, đưa Việt Nam ra với thế giới bằng sự lao động, sáng tạo và bằng cả tình yêu của mình.

Phép cộng của tình yêu xứ sở ảnh 2