Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương:

Ðọc sách là một cách để sống hạnh phúc

Hai năm về nước, Nguyễn Quốc Vương chọn một công việc mà nhiều người cho rằng, anh đang đi ngược lại với số đông - truyền bá văn hóa đọc. Anh làm vì niềm tin của chính mình, rằng: chỉ có đọc sách, xã hội mới có thể tiệm cận văn minh và con người có thể sống hạnh phúc.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương trong một buổi thuyết trình về văn hóa đọc ở Thư viện Hà Nội.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương trong một buổi thuyết trình về văn hóa đọc ở Thư viện Hà Nội.

Chúng ta đang hiểu hời hợt về văn hóa đọc

- Những năm gần đây, văn hóa đọc ở Việt Nam được quan tâm nhiều hơn. Nhưng hình như nó chỉ mới dừng lại ở phong trào chứ chưa đi vào chiều sâu. Anh có giật mình khi nghe con số mỗi người Việt một năm chỉ đọc 0,8 cuốn sách?

- Con số đó được điều tra bằng phương pháp chưa thật sự khoa học và lấy mẫu trên diện chưa đủ rộng nên có thể không chính xác. Với tôi, nếu tỷ lệ 0,8 đầu sách/1 người/1 năm đã là con số khả quan, thực tế có khả năng không được như vậy. Vì hiện nay phần đông người Việt có tư tưởng, sau khi phát triển kinh tế rồi sẽ phát triển văn hóa, sẽ đọc sách. Nhưng nếu nghĩ như vậy là chúng ta sẽ hy sinh văn hóa vì kinh tế. Chùa chiền, môi trường sẽ bị tàn phá, đạo đức bị hủy hoại trước khi chúng ta có được thành tựu kinh tế như mong muốn.Thực tế, kinh tế không đối lập với văn hóa, văn hóa là nền tảng hỗ trợ kinh tế, văn hóa nếu đủ mạnh sẽ trực tiếp làm ra tiền. Ðó là sức mạnh mềm. Hàn Quốc, Nhật Bản là những nước đi đầu trong việc dùng văn hóa để phát triển kinh tế.

- Theo nhiều phân tích, việc đọc sách ở Việt Nam không được coi trọng có nguồn cơn sâu xa hơn, bởi giáo dục của ta đang có vấn đề, chưa gắn liền việc đọc với học?

- Giáo dục Việt Nam mới chỉ quan tâm đến mục đích học để thi. Ở Việt Nam, hiện có rất nhiều người cho rằng cái gì không đem lại miếng cơm manh áo thì không liên quan đến mình, không có ích lợi. Giáo dục của ta hiện chỉ đi tìm đáp án của thầy cô chứ không phải đi tìm đáp án của người học. Ai cũng sống cuộc đời của con người bình thường và cần có một nghề để sống, nhưng nếu tất cả mọi người đều nghĩ hệt như nhau thì lấy đâu ra những con người biết đi tìm chân lý để tạo ra sự thay đổi xã hội.

- Nhà văn Ðoàn Tử Huyến có nói với tôi rằng, ở ta chỉ đọc sách giải trí, còn những sách của các nhà tư tưởng, truyền bá văn minh vẫn vắng người đọc, mà chính những cuốn sách đó mới giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn?

- Vấn đề đọc sách để giải trí ở ta cũng được hiểu rất hời hợt. Niềm hạnh phúc khi đọc sách là để thỏa mãn cái mình chưa biết, do nền tảng kém nên chỉ đọc cái ngắn và hẹp. Nhưng khi nền tảng tốt hơn người đọc sẽ đọc những cuốn sâu sắc hơn. Thanh niên bây giờ đọc nhiều cuốn sách dễ vì gần trải nghiệm, phông văn hóa của họ. Nhưng nếu chỉ như thế thì trí tuệ không tăng tiến lên nhiều, không có cơ hội phát triển bản thân. Mỗi người đọc phải tạo cho mình những thử thách, ban đầu đọc cuốn dễ và dần tăng độ khó lên. Cần đọc sách một cách có ý thức. Bởi việc đọc và học không có giới hạn, thế giới tinh thần của anh sẽ dẫn dắt anh cần gì, trí tuệ anh đến đâu. Ðọc sách để học rất gần với sự giác ngộ trong đạo Phật và gần với khai minh, khai sáng của phương Tây.

- Thực tế, việc đọc sách ở các nước như là một điều đương nhiên, họ không bao giờ đặt ra câu hỏi đọc sách để làm gì. Còn ở ta?

- Trong nhà trường không có người hướng dẫn đọc, trò chuyện với các em về tác dụng của sách, những giá trị tinh thần mà sách mang lại. Các em có thể rung động, chảy nước mắt trước những trang sách, điều đó có giá trị hơn rất nhiều bài học đạo đức các em học.

Xã hội sẽ ứng xử có văn hóa hơn, thiên về lý tính chứ không cảm tính như hiện nay, hơi tí mâu thuẫn là động tay động chân, thậm chí chém giết. Xã hội rối loạn một phần vì dân trí thấp. Có hai loại hạnh phúc, hồn nhiên, hoang dã và hạnh phúc mang tính giác ngộ, dựa trên sự hiểu biết.

Bây giờ, chúng ta đang trăn trở với vấn đề làm thế nào để sống hạnh phúc, đọc cũng là một cách để sống hạnh phúc.

Ðọc sách là một cách để sống hạnh phúc ảnh 1

Tôi đủ niềm tin để đi con đường của mình

- Anh về nước năm 2017. Sau hai năm với hành trình bán sách rong, truyền bá văn hóa đọc, anh có nhận thấy những dấu hiệu tích cực?

- Văn hóa đọc đang có xu hướng đi lên. Lượng người quan tâm nhiều hơn, có sự tham gia của nhiều giới hơn. Dần dần hình ảnh người đọc sách trở nên phổ biến hơn thay vì trước đây ta cho rằng, chỉ ở giới tinh hoa hay những kẻ lông bông vô công rồi nghề mới đọc sách. Những người thành đạt tham gia khuyến đọc sẽ có ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng. Những nơi nghi ngờ giá trị của tri thức là những nơi nghèo đói. Ở các nước phát triển, câu hỏi: Ðọc sách để làm gì không bao giờ được đặt ra, vì với họ đọc sách là đương nhiên. Không bao giờ nghi ngờ giá trị của sách. Ở Nhật Bản có Luật Chấn hưng văn hóa đọc năm 2005, trước đó có Luật Khuyến khích văn hóa đọc ở trẻ em từ 2001. Luật pháp nước này quy định, xây một chung cư, một khu phố phải có thư viện, nếu không sẽ bị xử lý. Ngân sách địa phương phải có mục cho văn hóa đọc, đưa vào luật chứ không chỉ là chính sách hay khuyến khích.

- Anh có lạc quan trên con đường của mình?

- Tôi cho rằng, một xã hội muốn tiến lên văn minh chỉ có con đường đó - phải được xây dựng trên nền tảng văn hóa đọc. Không nước nào công nghiệp hóa thành công mà người dân không có nền tảng văn hóa đọc và hiểu biết. Tất yếu muốn có công nghiệp hóa, muốn xã hội văn minh phải thông qua đọc. Ðọc sách không chỉ thỏa mãn tri thức mà còn giúp cho người dân lý giải được các dạng văn bản, giúp cho con người lý tính tăng lên, không hành xử theo cảm tính mà theo luật pháp. Xét theo bình diện thế hệ, văn hóa được "di truyền" thông qua giáo dục theo nghĩa rộng nhất, khi giáo dục truyền đạt văn hóa kém thì dẫn đến sự đứt gãy văn hóa.

Ðọc sách là hạnh phúc như một sự giác ngộ. Khi xã hội có nhiều người đọc sách và họ sống ổn thì sẽ thay đổi nhận thức của xã hội.

- Vì sao anh chọn con đường gian nan này thay vì những công việc khác chắc hẳn sẽ có thu nhập cao hơn?

- Tôi làm vì niềm tin của chính mình. Tôi nghĩ, mỗi người đi qua độ tuổi nào đó, trưởng thành hơn, họ muốn theo đuổi niềm đam mê của mình. Ðược theo đuổi đam mê sẽ mang lại cho mình cảm giác hạnh phúc. Tôi làm vì thấy cần thiết phải làm. Lợi ích cũng có nhưng nó không đến ngay. Nó là một con đường gian nan. Vì để có một nền văn hóa đọc cơ bản chúng ta phải mất chừng 50 năm nữa để đọc sách trở thành một thói quen của những người có học vấn tương đối ở Việt Nam. Chúng ta đang phải đối diện với sự tràn ngập các phương tiện giải trí, lối sống hưởng thụ vật chất. Một cuộc giằng co không cân sức và phụ thuộc vào người dân và những người khuyến đọc có đủ mạnh và bền bỉ không.

Hy vọng tôi đủ niềm tin để đi con đường của mình. Tôi cũng hy vọng những người có học, có điều kiện sống tốt sẽ tự nguyện tham gia vào việc phát triển văn hóa đọc ở nước nhà.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của anh.